Thái Nguyên – mảnh đất không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, những câu chuyện lịch sử đi vào huyền thoại, những cảnh quan núi non hùng vĩ mê đắm … xem thêm…lòng người mà còn là nơi mang nhiều nét văn hóa ẩm thực đa dạng hấp dẫn. Cùng Toplist điểm qua những đặc sản ngon nổi tiếng nhất Thái Nguyên nhé !
Bánh chưng Bờ Đậu
Bánh chưng Bờ Đậu là một trong những món ngon nổi tiếng nhất của Thái Nguyên. Làng bánh chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương được coi là nơi lưu giữ món bánh mang tinh hoa ẩm thực Việt. “Bánh chưng luộc nước giếng thần, thơm ngon mùi vị có phần trời cho”, có lẽ câu ca dao này đã từ lâu trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây – một trong 5 làng làm bánh chưng nổi tiếng nhất miền Bắc.
Bánh chưng Bờ Đậu phải được làm từ gạo nếp nương thơm ngon Định Hóa, thịt lợn sạch của người dân tộc và lá dong rừng được hái tại Na Rỳ, Bắc Kạn. Với bàn tay khéo léo dày dặn kinh nghiệm lành nghề cho ra những chiếc bánh đẹp mắt. Có lẽ vì thế mà hương vị bánh chưng Bờ Đậu không thể trộn lẫn với các loại khác. Đó là thứ đặc sản quanh năm không chỉ dịp Tết mới có, đã kéo chân biết bao du khách từ mọi miền đến thưởng thức. Hương vị của trời đất, thiên nhiên và con người giao hòa, hòa quyện và được kết tinh thành thức quà đặc sản nổi tiếng của mảnh đất Thái Nguyên – bánh chưng Bờ Đậu.
Bánh Cooc Mò
Thái Nguyên không chỉ là vùng đất nhiều danh thắng, di tích lịch sử, mà còn là nơi có nhiều đặc sản nổi tiếng. Trong các món bánh của người Tày ở Thái Nguyên, bánh cooc mò là món ăn bình dị nhưng quyến rũ lạ lùng bởi mùi vị rất đặc trưng riêng biệt. Để có được những chiếc cooc mò vừa dẻo, thơm lại đẹp mắt, ngoài việc chọn nguyên liệu, lá gói thì khâu làm bánh đòi hỏi phải một sự tinh tế, khéo léo. Bánh được làm từ loại gạo nếp thơm, hạt nào hạt nấy căng mẩy, đều tăm tắp. Nước làm bánh cũng phải là thứ nước suối, trong và ngọt.
Bánh thường được gói bằng lá ỏng lấy trong rừng, hoặc lá mai. Sau khi lấy lá về, cắt cuống và đầu lá, lá dài khoảng 30 – 35 cm rửa sạch rồi luộc qua cho mềm, dễ gói. Khi gói đặt hai lá gối lên nhau, hai tay cầm hai đầu lá vắt chéo vào nhau tạo thành hình chiếc phễu ngửa, dùng chén nhỏ múc gạo đổ vào cho đầy đến miệng lá. Khi gói, mỗi chiếc bánh khoảng 1,5 chén gạo như chén uống nước. Một tay giữ phần dưới để khỏi tuột gạo, một tay túm hai đầu lá chụm vào nhau gập xuống cho kín gạo, rồi bẻ lá sang một bên. Sau đó, dùng dây nứa hoặc lạt chẻ nhỏ buộc lại. Bánh có 4 góc, ba góc nhọn và một góc tù. Gói xong, cho bánh vào nồi luộc khoảng 4 giờ đồng hồ rồi vớt bánh ra để nguội.
Người Tày làm bánh cooc mò quanh năm và bánh được bày bán tại các chợ phiên. Chỉ với 20.000 đồng, du khách đã có trên tay chùm bánh cooc mò thơm nồng, quyến rũ. Bánh cooc mò dân dã, nhưng ẩn sau đó là biểu trưng sức mạnh của tình đoàn kết, luôn sát cánh bên nhau, là ước nguyện về một năm mới bội thu, sung túc của đồng bào dân tộc vùng cao.
Cơm lam Định Hóa
Đến với Định Hóa, du khách không chỉ được tìm về những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc mà còn được đắm mình trong các lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số, được thưởng thức các sản vật địa phương quyến rũ. Cơm lam là một trong những món ăn giản dị của đồng bào dân tộc thiểu số Định Hóa nhưng có sức hấp dẫn lạ lùng bởi sự giao hòa của nước của lửa và những ống nứa non. Cơm lam là một món ăn giản dị của người dân Định Hóa, giản dị bởi nó gắn với những con suối nơi đầu nguồn và nương lúa bên sườn đồi, những vạt rừng tre nứa xanh ngút của đất ATK một thủa nhưng khiến du khách khó quên nếu có dịp thưởng thức.
Muốn có cơm lam ngon, đầu tiên phải có loại nếp ngon, ấy là thứ nếp cái hoa vàng trồng trên nương, hàng năm thu hoạch vào khoảng tháng 9, tháng 10. Thứ nếp mười hạt như cả mười, tròn căng đem nhặt hết sạn, ngâm qua nước ấm. Dụng cụ để làm là ống nứa hoặc ống tre non, còn tươi để khi nấu cơm lam, chỉ cháy được ở phần ngoài và nước ngọt của cây ngấm vào gạo. Loại nứa hoặc tre này mỗi cây chỉ chặt được từ ba đến bốn ống, mỗi ống dài độ 30 cm… Người Định Hóa làm cơm lam bằng cách cho gạo nếp đã ngâm vào ống nứa, cứ ba phần gạo, hai phần nước, chừa lại khoảng 5 phân gần miệng ống (để khi gạo nở sẽ kín đầy cả ống) rồi nút lại bằng thứ lá chuối non chặt về đem hơ qua lửa.
Đốt lên một đống lửa, chờ thật đượm, sau đó đặt lên trên một chiếc kiềng và xếp các ống nứa trên đó. Khi đưa ống lam vào nướng trên bếp, vỏ nứa còn xanh mướt, khi cơm lam chín, vỏ nứa cũng đã chuyển mầu. Đống lửa to hay nhỏ sẽ khiến thời gian làm cơm lam chín nhanh hay chậm, dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, ống cơm lam được xoay trở đều, hạt cơm bên trong sẽ hơn đều hơn. Khi cơm chín, mùi thơm quyến rũ tỏa ra ngào ngạt. Trong cơm lam có hương vị của đất trời hòa quyện, có vị dịu dàng của nứa non, tre non, mùi của sương sớm đọng trên lá chuối, và thấp thoáng bóng dáng bếp lửa bập bùng trong những ngày đông… Róc hết lớp vỏ nứa bị cháy, cắt ống cơm lam thành từng khoanh, bày ra đĩa, khoanh cơm mịn màng như khúc giò, mùi thơm mời gọi khách phương xa nếm thử. Cơm nếp lam có thể để được cả tuần mà không bị thiu hay vữa. Cơm lam ăn với muối vừng vừa dân dã vừa mộc mạc, vừa đậm đà khó quên.
Tương nếp Úc Kỳ
Nghề làm tương ở xã Úc Kỳ không rõ chính xác có từ bao giờ, chỉ biết từ lâu, nhà nào cũng biết làm tương và đều có ít nhất 1 chum tương để ăn trong năm và làm quà biếu khách đến chơi. Theo thời gian, nghề làm tương nếp đã trở thành nghề truyền thống của người dân địa phương và là thứ ẩm thực đặc sản đang dần vươn xa ra các thị trường trong và ngoài tỉnh. Ai một lần đến với xã
Úc Kỳ đều không thể bỏ qua cơ hội nếm thử vị ngọt đậm đà thơm lừng của tương nếp.
Món đặc sản này được làm từ hạt lúa nếp Thầu dầu, một trong những điều tạo nên
đặc trưng khác với các vùng làm tương nếp khác.
Tương nếp được nông dân chế biến có hương vị đặc trưng, có màu vàng óng của nước tương, mềm và nhuyễn. Tương nếp ở đây được làm từ 3 nguyên liệu chính là gạo nếp, đỗ tương và muối trắng. Cũng giống như tương của một số vùng miền khác được chế biến từ gạo nếp, đỗ tương và muối, song tương nếp Úc Kỳ lại mang hương vị riêng bởi thứ gạo nếp mà người dân địa phương sử dụng là nếp Thầu dầu, một loại nếp đặc biệt hiện được trồng ở 2 xã Úc Kỳ và Xuân Phương, huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Làm tương nếp Úc Kỳ phải rất công phu tỉ mỉ, đồng thời cũng phải là người có kinh nghiệm thì mới làm được tương ngon. Không chỉ có nguyên liệu chuẩn bị, bí quyết truyền thống, trong mỗi hũ tương Úc Kỳ còn mang theo cả tâm tư, tình cảm của người làm tương, có như thế mới làm ra được hũ tương ngon.
Gạo nếp Thầu dầu được lựa chọn kỹ lưỡng, đó là những hạt gạo được phơi đủ nắng, không gãy, nát và có mùi thơm của gạo mới để chế biến thành tương. Gạo nếp Thầu dầu được nấu thành cơm sao cho chín đều và không bị khô, sau đó trải ra nia sạch phơi, đảo đều qua 3 ngày rồi lấy lá ngái đậy lên trên để ủ, đến khi cơm lên mốc có màu vàng hoa cau là được. Đến với Úc Kỳ bất cứ mùa nào trong
năm, các gia đình đều có chum tương nếp thơm nồng.
Bánh ngải
Đây là món bánh truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tày. Hàng năm cứ vào mỗi dịp lễ tết đặc biệt, người Tày thường làm món bánh này để cúng bái tổ tiên. Món ăn này đã được truyền từ rất nhiều thế hệ khác nhau. Cho đến tận ngày nay, món bánh ngon này vẫn luôn là niềm tự hào vô bờ bến của người Tày trên mảnh đất Thái Nguyên này. Nếu như bạn thường xuyên ăn ngải cứu chắc chắn bạn sẽ biết tới những công dụng thần kỳ trong việc chữa bệnh của loại cây này. Bởi vậy, ngải cứu được xem là một loại dược phẩm tốt cho sức khỏe. Chính vì thế, người dân nơi đây đã làm nên món bánh ngải Thái Nguyên thơm ngon nức tiếng đến như vậy. Dưới bàn tay tinh tế của người Tày, những chiếc bánh ngải xanh mướt một màu ra đời trông thật bắt mắt và cuốn hút.
Do đó, trong số các món ăn ngon đặc sản của người Tày, món bánh ngải luôn là một trong những món ăn đặc sản nổi tiếng được nhiều người biết tới nhất. Món bánh này thoạt nhìn sẽ thấy hơi giống món bánh dày nhưng nó lại có màu xanh rất đặc trưng. Về hình thù thì nó giống hệt như bánh dày. Bánh ngải cứu thường được làm vào mỗi dịp tết Thanh minh hay dịp rằm tháng 7. Do vậy, nếu bạn đi du lịch Thái Nguyên vào dịp này thì nhất định sẽ được thưởng thức món bánh ngon độc đáo này của người Tày. Tuy là món bánh dân dã nhưng vào những dịp quan trọng, người Tày thường làm bánh và dâng lên tổ tiên như muốn thể hiện sự thành kính, biết ơn.
Tôm cuốn Thừa Lâm
Tôm cuốn được biết đến là món ăn lâu đời, độc đáo của người dân thôn Thù Lâm, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Với những nguyên liệu đơn giản, thế nhưng sức hấp dẫn của món ăn này không chỉ được người dân địa phương công nhận mà còn được tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 món ăn đặc sản tiêu biểu của cả nước.
Để làm món tôm cuốn, phải có các nguyên liệu tôm tươi nhặt rửa sạch rồi xâu vào que tăm để đến khi rán tôm không bị cong. Trứng gà rán, giò nạc và thịt mỡ lợn luộc rồi thái chỉ dài chừng 5 – 6 cm. Củ hành chần qua nước sôi rồi kẹp cùng con tôm rán, ít giò nạc, trứng rán, thịt mỡ luộc và dùng hành cuộn lại. Khi ăn có thể chấm cùng nước mắm chanh tỏi ớt… Khi ăn bạn sẽ cảm thấy thích thú với vị thơm giòn từ tôm chiên, vị thanh từ các loại rau thơm, vị béo từ thịt giò, trứng rán… Đặc biệt, món ăn này rất thích hợp trong những ngày lễ Tết, chống ngán rất tốt.
Trám đen Hà Châu, Thái Nguyên
Cây trám đen được trồng ở Hà Châu từ hàng trăm năm trước. Đến nay, nhiều cây trám cổ thụ ấy vẫn còn và tỏa bóng mát sum suê. Trám đen là cây thân gỗ, ra hoa vào tháng hai, quả chín vào tháng bảy âm lịch hàng năm. Nhưng mùa trám có thể kéo dài đến hết tháng chín do trám không chín cùng lúc mà cây chín trước, cây chín sau. Quả trám hình thoi, khi chín có màu đen, cùi trám vàng, nhân bên trong hạt trắng ngần.
Trám đen có thể được chế biến là trám om và trám nấu. Trám om chấm tương, ăn kèm với thịt ba chỉ luộc thì rất tuyệt. Trám nấu được om chín và đổ vào vại ngâm ăn dần. Nếu có dịp đến đây, chắc chắn bạn sẽ được những người dân thân thiện thiết đãi món đặc sản này. Ngày nay, trám giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Trám không kén đất nhưng có lẽ đất đai phì nhiêu màu mỡ ven sông Cầu đã tạo nên vị béo bùi, hương thơm và lớp thịt dày, chặt cho quả trám Hà Châu, khiến nó trở thành thứ đặc sản mà tư thương khắp miền tìm mua rồi đưa nó vượt khỏi mảnh đất này để làm nên những bữa cơm dân dã nhưng nhiều dư vị của biết bao gia đình.
Đậu phụ Bình Long
Giờ đây, mỗi lần nghe
tên xã Bình Long, huyện Võ Nhai thì không ai không biết nghề làm đậu phụ thơm
ngon nổi tiếng. Làm đậu phụ cũng cần có những công đoạn hết sức khéo léo, tỉ mỉ và cả sự lành nghề thì mới có được những mẻ đậu ngon hấp dẫn cả vị giác và thị giác. Tuy nhiên làng đậu Bình Long có những bí quyết làm đậu riêng mà người ngoài khó biết được. Nguyên liệu chính để làm đậu phụ chính là hạt đậu tương. Những hạt đậu được trồng tại đất Bình Long này tròn hạt vàng óng và đều. Trong những khâu làm đậu, thì khâu đun sôi nước đậu đã qua lọc và pha nước chua. Nước chua cho vào nước đậu phải là một tỉ lệ hoàn hảo, nếu quá tay đậu sẽ bị cứng hơi chát và xác còn nếu ít nước chua thì đậu nhão và nát.
Khác với mọi địa phương, đậu được ép trong một khuôn dài và cắt thành từng bìa nhỏ. Đậu phụ Bình Long ép trong khuôn lớn, mỗi bìa đậu chừng 1 kg. Món đậu này chúng ta có thể chế biến thành nhiều kiểu khác nhau, tuy nhiên để cảm nhận rõ và giữ lại được vị cơ bản nhất của đậu Bình Long, thì chúng ta chỉ cần thưởng thức đậu trắng chấm mắm tôm. Ngon mát và dễ thưởng thức vô cùng, miếng đậu mềm mịn thơm ngon béo ngậy tan trong miệng, nó hấp dẫn tới mức ăn mãi không thấy chán.
Nem chua Đại Từ
Không giống với các loại nem chua khác có thể bóc ra là ăn được ngay, nem chua Đại Từ cần có một thao tác nhỏ nữa là nướng bằng than củi hoặc lăn qua chảo mới có thể ăn được. Với thành phần gồm có thịt nạc mông, tỏi, rượu, hạt tiêu, thính và lá ổi, mỗi chiếc nem được gói cẩn thận bằng lá chuối và có thể được đến vài ngày. Để có được những chiếc nem chất lượng, người ta chỉ dùng thịt ở hai quả mông của lợn. Thịt được rửa sạch và lọc kỹ, thái mỏng ngang thớ rồi trộn cùng tỏi băm nhuyễn, tiêu xay, rượu trắng và thính gạo rang thơm.
Sau khi nguyên liệu để gói nem được hoàn tất, những chiếc nem sẽ được gói cẩn thận lại bằng lá chuối và lá ổi. Lớp lá trong cùng thường được dùng bằng lá ổi có vị bùi, chát thích hợp, lớp ngoài là lớp áo bằng lá chuối còn tươi, nem được gói vừa phải, không cần chặt quá và kín gió để chóng lên men và để được lâu. Dùng lá chuối gói nem để tạo dáng và có màu xanh tươi, bóng bẩy đẹp mắt. Nem để từ 3 – 4 ngày là ăn được. Khi ăn nem chua Đại Từ, người ta thường gói kèm với các loại lá sung, đinh lăng… Tùy theo sở thích, người ăn có thể chấm thêm với nước mắm chanh ớt pha tỏi hay tương ớt, tạo thêm vị thơm ngon của món nem này.
Thưởng thức nem chua Đại Từ bạn sẽ cảm nhận được vị bùi của lá ổi hòa quyện trong cái mềm ngọt của thịt, hương thơm lựng của mùi lá chuối nướng vùi trong than củi. Nếu không có điều kiện nướng nem bằng than củi bạn có thể bóc ra rồi cho vào nướng trong lò vi sóng, hoặc lăn qua chảo khoảng một phút cho vừa chín tới là có thể dùng được. Hương vị của nem chua Đại Từ không thể lẫn với bất kỳ loại nem chua nào khác. Nếu có dịp về Đại Từ dự hội Núi Văn – Núi Võ tại Đền thờ Lưu Nhân Chú, tỉnh Thái Nguyên bạn nhớ mua mấy quả nem chua về làm quà cho gia đình và bè bạn. Ai đã từng một lần thưởng thức, chắc hẳn sẽ khó lòng quên được.
Mỳ gạo Hùng Sơn
Mỳ gạo Hùng Sơn có độ giòn, dẻo, thơm đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên mà mỳ gạo Hùng Sơn lại được yêu thích như vậy. Người dân nơi đây làm mỳ bằng một loại gạo đặc biệt là gạo bao thai Định Hóa. Gạo đem về nhặt sạch, vo kỹ, ngâm 8 tiếng rồi xay ra thành bột. Thứ bột dẻo dẻo, sánh sánh được lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ lại qua đêm, sáng hôm sau tráng bánh. Người ta bóc bánh đặt vào khuôn, đem phơi và cắt bánh thành những sợi mỳ đều đặn. Điều đặc biệt của loại mỳ này là không sử dụng hàn the hay bất kỳ một chất hóa học nào. Vì vậy mỳ có độ trắng dẻo hoàn toàn tự nhiên, dậy lên mùi thơm của gạo, khi ăn vị ngọt của thứ gạo đồi cứ đọng lại nơi đầu lưỡi đem lại cảm giác khó quên.
Mỳ gạo Hùng Sơn có màu trắng hoàn toàn tự nhiên, đượm vị thơm của gạo, khi ăn rất ngọt và thơm. Bạn có thể đến tận nơi
để mua mỳ về làm quà nếu có dịp ghé qua mảnh đất này. Đây thực sự là món quà
quê ấm áp và đầy ý nghĩa cho mọi người. Dù có từ lâu nhưng mỳ Hùng Sơn chỉ thực sự được người dân trong tỉnh biết đến cách đây một vài năm nhờ những lần xuất hiện tại các kỳ hội chợ dưới T.P Thái Nguyên. Khi mới xuất hiện, thứ mỳ gạo này ít được biết đến, tuy nhiên theo thời gian, cùng với những ưu điểm nổi trội như cái ngọt của bột bao thai, sợi mỳ dai không bị nhừ nát nên mỳ Hùng Sơn đã để lại ấn tượng với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Xôi thập cẩm
Người Dao cũng ăn gạo tẻ là lương thực chính trong các bữa ăn thông thường, nhưng ngoài ra, mỗi gia đình đều dành ra một khoảng ruộng nhất định để trồng cây nếp nương nấu xôi. Trong nhà đồng bào người Dao luôn luôn có gạo nếp để sẵn. Như một lẽ dĩ nhiên, phụ nữ Dao ai ai cũng biết đồ xôi. Những hạt nếp trắng trong mẩy đều sẽ được chia thành các phần khác nhau đem vo sạch rồi ngâm riêng từng phần một. Phần được trộn với quả gấc để tạo màu đỏ, phần được ngâm với cây lá liễn để tạo màu tím, phần được ngâm với lá nếp để tạo màu xanh, còn màu vàng thì trộn với quả dành dành. Có thể tùy theo từng gia đình, sẽ có những cây, lá tạo màu khác nhau. Theo năm tháng, những người phụ nữ Dao cũng thuần thục để ngâm sao cho màu vừa đủ tươi, hạt nếp đủ mềm.
Thế rồi, hạt nếp được nhuộm màu sẽ cho riêng vào từng chõ khác nhau (đối với việc nấu xôi khối lượng lớn) hoặc trong một chõ to được dùng lá dong hay lá chuối, ngăn thành các ô cho từng màu xôi. Nhỏ lửa, vừa nước và kiên trì thì xôi mới chín đều thơm ngon. Đây là cả một kho kinh nghiệm mà người phụ nữ Dao phải nấu qua nhiều chõ xôi mới có được, nếu ít nước, đồ xôi sẽ sống, mà nhiều nước thì xôi nát dưới đáy bịt kín hơi, không lên được tạo ra một sản phẩm mà các cụ vẫn gọi là “trên sống dưới khê tứ bề nát bét”.
Nấu xôi trên bếp củi sẽ ngon đúng điệu, mỗi chõ xôi thông thường đun trong 1 đến 2 giờ đồng hồ. Sau đó người Dao sẽ lấy xôi ra và trộn đều các màu xôi khác nhau thành xôi thập cẩm. Có một chú ý rằng, đĩa xôi đầu tiên sẽ mang cúng gia tiên và khi tuần hương hết, mọi người trong gia đình mới thưởng thức xôi. Hạt nếp nương, hạt nếp của núi rừng đã được đồng bào khéo léo nấu lên món xôi thập cẩm thơm ngon hấp dẫn và đẹp mắt, chỉ nhìn thôi, ai ai cũng muốn được thưởng thức.
Măng đắng Ngàn Me
Điều kiện thích hợp nên ở Thái Nguyên quanh năm luôn có măng để thưởng thức. Nhưng phổ biến nhất phải kể đến măng đắng Ngàn Me. Thứ măng vừa nhú lên khỏi mặt đất mang lại hương vị khó quên cho ai từng thưởng thức. Măng đắng Ngàn Me có vụ đắng giòn và ngon nhất là vào mùa xuân. Măng đắng có thể luộc chấm muối, măng đắng nấu ốc suối hoặc đem ngâm giấm đều tuyệt vời. Nếu không thích vị đắng của măng bạn có thể ngâm qua nước muối 1 – 2 giờ hoặc chẻ đôi rồi đem luộc sơ nhé.
Măng đắng Ngàn Me có vị đắng, giòn, thơm mùi tre nứa đặc trưng. Người ta có thể luộc măng chấm cùng muối ớt hay mắm tôm đều ngon. Hoặc bạn đã từng thưởng thức món măng đắng ngàn me nấu ốc suối ngon tuyệt chưa, sự hòa quện giữa măng và ốc ngon đến khó tả, ăn mãi mà không hề thấy chán. Có người lại thích món giấm măng tỏi ớt, sơ chế măng, thái lát rồi ngâm với giấm, tỏi ớt khoảng mươi hôm đến nửa tháng là chúng ta có một lọ giấm thơm ngon. Có rất nhiều thực khách thích vị đắng nguyên bản của măng, nên không chế biến cầu kì, nhằm giữa lại vị đặc trưng nhất. Tuy nhiên, nếu không ăn được vị đắng nhiều, bạn có thể thái măng ngâm nước muối trong 1 – 2 giờ, hoặc chẻ dọc măng và luộc qua.
Theo kinh nghiệm người dân Đồng Hỷ, măng đầu mùa bao giờ cũng ngon hơn cây măng cuối mùa, có lẽ vì mọi dưỡng chất đã dồn cho những cây đầu tiên nên tới cuối mùa năng lượng của nó đã cạn rồi. Mùa măng chính là mùa xuân, mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc.
Rau bò khai
Rau bò khai còn có nhiều tên gọi khác như dây dương, rau nghiến, long châu sói, rau ngót leo… Rau có hình dạng như rau ngót nhưng ngọn to mềm và mập hơn. Người ta thường dùng phần ngọn và lá non rau bò khai để chế biến món ăn. Rau có mùi vị khai đặc trưng nên khi chế biến người ta thường vò lá cho át bớt mùi. Tuy nhiên sự ngon ngọt của rau luôn khiến người ta thèm thuồng mà quên đi mùi vị khó ngửi này.
Hương vị của rau bò khai rất đặc biệt. Nó không hề bị lẫn với các loại rau rừng khác, là sự hoà quyện của hương đất, hương rừng và sự tinh khiết của khí trời vùng núi cao. Điểm đáng chú ý nhất của món ăn này chính là mùi hơi… khai. Vì vậy, khi chế biến món ăn, người ta sẽ phải vò qua lá rau cho bớt mùi khai. Mặc dù vậy thì khi ăn vẫn không thể tránh khỏi được việc có chút mùi nhẹ sau khi ăn. Chúng ta hoàn toàn có thể liên tưởng đến cảnh tượng sau khi ăn bún đậu mắm tôm xong, thì ăn rau bò khai xong cũng tương tự, chỉ khác ở độ “mùi mẫn” khác nhau mà thôi.
Nham
Nham hay nham trám là một món ăn chế biến cầu kỳ từ quả trám và được xem như món ăn truyền thống của người Thái Nguyên. Người ta thường ăn nham vào mùa quả trám chín. Một món nham hoàn chỉnh thường gồm rất nhiều nguyên liệu. Trong đó không thể thiếu quả trám đem ỏm tách hạt thái nhỏ. Nham thường có hai loại nham cá sống và nham cá nướng. Nham cá sống thì thái chỉ thịt cá, nham cá nướng thì cá được nướng trên than hoa. Trộn chúng lại cùng vừng, lạc, lá khế, lá nhội là có ngay món nham đầy đủ hương vị dân dã. Nham có thể ăn kèm bánh tráng hoặc bánh đa đều rất hấp dẫn.
Vào khoảng tháng bảy, tháng tám, âm lịch trám đen đã chín, “nắng tháng bảy nảy trám, nắng tháng tám rám trái hồng” và đây là lúc người Hà Châu làm món nham nhiều nhất. Nhưng muốn làm món đặc sản nham mà không phải vào mùa trám phải biết bảo quản trám đen bằng cách cho trám đun chín sau đó cho muối vào ngâm ngân đọng lại và để trám đến vài ba tháng vẫn có thể sử dụng được. Theo truyền thống, trám đen Hà Châu được trồng rải rác ở soi bãi ven sông Cầu. Soi rộng, vườn nhà rộng đâu đâu cũng thấy trám mọc, đặc biệt là chỉ một loại trám đen. Quả trám đen hình thoi lúc non màu trắng, lúc già chín màu xanh đen.
Mùa trám, các chủ buôn từ phương xa về Hà Châu đặt hàng mua, gia chủ chỉ việc hái trám xuống là lấy tiền. Quả trám xưa nay vẫn là loại quả được nhân dân vùng Hà Châu ven sông Cầu gìn giữ như một đặc sản riêng của quê hương. Trám om, trám kho thịt, xôi nếp trám. Đặc biệt là nham trám đã kể trên là món ăn được nhân dân địa phương sử dụng mỗi khi quê hương có lễ hội, có cỗ hoặc đãi khách. Xưa kia món nham trám đen đã từng được dâng cúng thành hoàng và người dân coi đó là sản vật quý, kết tinh sự tài hoa khéo léo trong chế biến món ăn của người dân địa phương.
Bánh tro
Bánh tro hay bánh nẳng là thứ bánh độc đáo của người Tày ở Thái Nguyên. Đây cũng là thứ bánh nổi tiếng ở nhiều địa phương tuy nhiên bánh tro Thái Nguyên lại có phong vị riêng biệt không lẫn vào đâu. Nếp gói bánh thường là nếp vải, nếp cái hoa vàng. Phần lá bên ngoài người Tày dùng lá chít. Những cái lá chít đủ dài để gói và đủ dẻo để không bị rách. Nước tro ngâm bánh phải lọc lấy nước trong và ngâm không quá lâu. Những hạt nếp sau khi nấu có màu vàng nhạt, trong veo và dẻo bùi. Bánh tro Thái Nguyên ăn kèm với mật mía thì ngon không chỗ nào chê.
Ngày trước bánh tro thường được làm trong lễ giết sâu bọ. Ngày nay khi ghé Thái Nguyên bạn có thể thưởng thức bánh tro vào bất kỳ mùa nào trong năm. Ở một miền quê yên bình Phú Bình của tỉnh Thái Nguyên còn giữ một nét phong tục rất độc đáo: Cứ ngày rằm, ngày đầu tháng hay mỗi khi nhà có cúng bái là sẽ làm món bánh tro, món bánh cổ truyền của người dân nơi đây.
Nếu có dịp ghé qua Thái Nguyên, hãy thưởng thức những món ăn ngon nơi đây. Chắc chắn bạn sẽ rất bất ngờ với hương vị thơm ngon và sự độc đáo, ngon lạ của các món ăn nơi này.