Huyện Tư Nghĩa là một trong những huyện giáp ranh gần với thành phố Quảng Ngãi, nằm trên tuyến đường cao tốc quan trọng của cả nước – cao tốc Quảng Ngãi – Bình … xem thêm…Định (trên QL1A). Là một huyện đồng bằng, hầu hết ranh giới địa lí nằm dồn về phía Nam, chỉ có một phần nhỏ giáp biển, nhưng không vì thế Tư Nghĩa đánh mất đi vẻ đẹp riêng của mình. Về với Tư Nghĩa, thăm thú nhiều nơi và thưởng thức những món ăn ở đây chắc chắn sẽ là những trải nghiệm vô cùng thú vị khi bạn có dịp ghé ngang qua nơi này.
La Hà Thạch Trận
La Hà Thạch Trận là một quần thể gồm 4 ngọn núi, nằm ở thị trấn La Hà. Thạch trận bao gồm các núi: Cao Cổ, đá Chẻ, núi Voi, và núi Hùm. Núi Cao Cổ nằm ở cụm công nghiệp La Hà, thuộc tổ dân phố 4, còn núi Chẻ thì nằm sau lưng đại học Tài chính kế toán, núi Voi nằm ở phía Đông thuộc QL1A, và cuối cùng là núi Hùm nằm ở phía Nam trường THPT số 1 Tư Nghĩa.
Toàn bộ cụm núi La Hà Thạch Trận nằm cách nhau khoảng 300m. Đến đây, bạn có thể đứng ở trên cao của cụm núi Cao Cổ nhìn xuống phía Nam với con mắt tưởng tượng, du khách sẽ thấy đá trải dài khoảng 100m lúp xúp trông như một đoàn quân ra trận. Bên cạnh đó, bạn còn có thể chiêm ngưỡng những tảng đá Granit màu xanh cao vút của núi Đá Chẻ, hình thù sống động như những bầy voi của núi Voi và khi bạn đứng trên đỉnh núi Hùm nhìn xuống phía Bắc sẽ thấy toàn cảnh thị trấn rất đẹp.
Núi Phú Thọ và cổ lũy cô thôn
Núi Phú Thọ (còn gọi là núi Đá, Thạch Sơn) và Cổ Lũy cô thôn nằm ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa. Núi có độ cao 60 m so với mặt biển, rộng chừng 8 héc ta, trông giống như một người khổng lồ chân dầm xuống dòng nước sông Trà, sông Vệ, mặt hướng về biển đông bao la.
Đến thăm núi Phú Thọ, bạn sẽ thấy phong cảnh ở đây “nhất bộ dị trạng”, nghĩa là đi một bước đã thấy hình thù đổi khác. Những tảng đá xám granít khổng lồ tạo thành nhiều hình khối đa dạng như có bàn tay ai sắp đặt. Có những hòn được chồng lên hai tảng đá dựng đứng tạo thành khe hở lớn ở giữa, khi gõ vào phát ra những âm thanh trầm bổng như tiếng chuông: Tiếng trống, nhân dân trong vùng thường gọi là Cấm Bầm Buông, trên núi có chùa Hang, phong cảnh ở đây mang vẻ đẹp hoang sơ với suối nước chảy quanh năm và rêu phong phủ kín chùa.
Tương truyền ở chùa Hang, hằng năm cứ vào tháng 7 (AL) sẽ có một con hổ rất to, nhưng hổ lại hiền và chưa bao giờ ăn thịt người. Bên cạnh đó, còn có thành lũy của người Chàm xưa như: thành Bàn Cờ, thành Hòn Yàng (Vàng). Thành Bàn Cờ nằm trên núi Phú Thọ hướng về Đông Bắc, cách chùa Hang 300m về hướng nam, cũng là một đểm tham quan rất thú vị.
Chùa Ông (Thu Xà)
Chùa Ông (tên chữ Hán là Quan Thánh tự, hay Đại Tự Quan Thánh) tọa lạc ở thị tứ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi; cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 10 km về hướng Đông. Chùa do tứ bang Minh Hương: Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông cùng nhau tạo lập vào năm 1821.
Kiến trúc tổng thể ngôi chùa có hình chữ tam (三 ) với ba ngôi nhà liên kết nhau: tiền đường, chánh điện và hậu cung. Trên đỉnh bờ mái nhà tiền đường đắp nổi 3 chữ Hán “Quan Thánh Tự”. Mặt trước mở 3 cửa lớn và 2 cửa vòm nhỏ. Trong nhà tiền đường có 18 cột chia làm ba gian.
Chùa thờ Quan Công ở gian chính diện, Phật Quan Âm Nam Hải ở gian hậu cung. Ngoài ra, ở hậu cung còn có cụm tượng Thiên Hậu với Thiên Lý Nhãn, Thiên Lý Nhĩ, Cửu Thiên Huyền Nữ và cụm tượng Kim Đẩu với 12 bà mụ, chùa có bố cục chặt chẽ, phong cảnh đẹp, và đặc biệt rất linh thiêng. Về Tư Nghĩa, các bạn nên đến viếng thăm cảnh chùa, ắt hẳn sẽ có những trải nghiệm tâm linh khá thú vị đấy!
Suối Lâm
Suối Lâm là một dòng suối thơ mộng tọa lạc dưới những nếp nhà nằm dưới ven dòng suối lớn, quanh năm nước biển trong xanh và mát mẻ. Suối Lâm có tổng chiều dài khoảng 20km, được bắt nguồn từ xã Sơn Linh và Long Sơn chạy qua một khu rừng và hợp tại sông Trà Khúc.
Đến với suối Lâm, khi các bạn men theo dòng suối để lên đầu nguồn có thể thưởng ngoạn những khung cảnh hữu tình, hoặc ngâm mình ngụp lặn dưới dòng nước ở những vực nước sâu. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý giữ an toàn nhé. Đây là một trong những địa điểm dã ngoại rất lí tưởng mà người dân, đặc biệt là giới trẻ Quảng Ngãi yêu thích.
Bãi dừa
Bãi dừa cách TP. Quảng Ngãi chỉ chừng 9km về hướng đông, thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa. Ở nơi đây, gió từ phía biển đẩy vào, cộng hơi nước từ sông bao trùm lên các bè nổi giữa trưa hè mát rượi. Đến với bãi dừa các bạn sẽ có dịp ngồi bồng bềnh trên các bè nổi, nép mình dưới bóng dừa xanh, thưởng thức các món hải sản vừa mới vớt từ sông, biển lên chế biến, sẽ khó quên với cảnh thiên nhiên, sông nước, êm đềm nơi đây…
Đến đây, bạn không chỉ được nghe những câu chuyện về dấu xưa, hồn phố cổ mà du khách còn tha hồ tận hưởng làn gió biển trong lành, thưởng thức nước dừa tươi ngọt, các món ăn hải sản hấp dẫn trong tiếng lá dừa khua lao xao chẳng khác nào bản tình ca mà tạo hóa đã ban tặng. Còn chần chừ gì nữa mà không ghé ngay Bãi dừa bạn nhỉ.
Suối Khoáng Nóng Nghĩa Thuận
Công viên nước Nghĩa Thuận nằm trong Khu sinh thái nghỉ dưỡng tắm bùn suối nước nóng của Hamya Hotspring and Resort, điểm đến được đông đảo bạn trẻ check-in trong thời gian gần đây.
Suối nước có nhiệt độ nước lên đến gần 100 độ C nguồn nước đảm bảo uống được. Đặc biệt ở đây có 02 loại nước khoáng là nước khoáng Silic nóng và khoáng Silic – Radon nóng rất tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, khu sinh thái với nhiều hoạt động hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng: Nghỉ dưỡng nước khoáng nóng, tắm bùn khoáng; Spa, massage,… Các hoạt động gắn với sinh thái : Khu vực trồng lúa nếp; Khu trồng rau sạch góp phần giữ vững truyền thống của vùng và cung cấp rau sạch phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch; Các hoạt động vui chơi giải trí: Vui chơi cảm giác mạnh: các trò chơi công viên nước, đấu trường bùn; Khu sân tổ chức hoạt động văn hóa cộng đồng.
Địa chỉ: Thôn Mỹ Thạnh Bắc, Nghĩa Thuận, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi
Mình đã tới huyện Tư Nghĩa và rất thích nơi này. Dưới đây là một bài cảm nhận nhỏ, mình viết dành tặng cho nơi đây, cho những con người hiền hòa và thân thiện ở mảnh đất nhỏ miền Trung đầy nắng và gió này. Hi vọng sau bài viết này, sẽ có nhiều hơn những chuyến đi về Tư Nghĩa, cùng những trải nghiệm mới hơn của các bạn!