Top 10 Địa điểm du lịch nổi tiếng nhất tỉnh Lai Châu

Lai Châu hiện đang là một trong những điểm đến rất thu hút du khách, bởi thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất này những dãy núi cao hùng vĩ, những hang động … xem thêm…kỳ ảo cùng vô số cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Hãy cùng Toplist đi tìm hiểu về các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Lai Châu ngay sau đây nhé.

Đèo Ô Quý Hồ

Đèo Ô Quy Hồ hay Đèo Hoàng Liên Sơn là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo cũng chính là ranh giới giữa hai tỉnh. Do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ, tuy nhiên du khách đến Tây Bắc Việt Nam thường biết đến đèo dưới tên Ô Quý Hồ. Tương truyền ở vùng núi này, trước hay hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Từ đó, theo thời gian chính tiếng kêu ô quy hồ của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hoang dại ở độ cao gần 2.000 m này.

Vẻ đẹp của đèo Ô Quý Hồ luôn luôn biến ảo: Bên phía Lào Cai thì mù sương, bên phía Lai Châu thì nắng ấm; mùa đông thì có băng tuyết, mùa hạ thường có mây bao phủ bồng bềnh, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Từ đỉnh đèo ngày đẹp trời du khách có cơ hội ngắm toàn cảnh con đường ô tô vượt đèo chạy qua rừng núi hùng vĩ để sang Bình Lư hay về Du Lịch SaPa. Gặp hôm trời nắng đẹp còn được ngắm nhìn vẻ kiêu hùng của đỉnh núi Fansipan từ hướng Lai Châu. Còn mùa đông giá lạnh, có những ngày dưới 0°C, phong cảnh đèo Ô Quý Hồ đẹp lạ lùng, ít nơi nào có được bởi tuyết bay trắng rừng. Dưới chân đèo về phía Sa Pa là Thác Bạc, một trong 10 thác nước đẹp nhất Lào Cai, luôn được giới trẻ tìm đến khám phá. Vẻ đẹp của đường đèo Ô Quý Hồ từ lâu đã thu hút rất đông du khách quốc tế tới chiêm ngưỡng và nơi đây cũng là nguồn cảm xúc sáng tạo của nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam như: Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Nguyễn Thành Long, Võ An Ninh, Vĩnh Cát, Ma Văn Kháng, Lò Ngân Sủn…


Đèo Ô Quý Hồ chạy men sườn dãy Hoàng Liên, nơi được coi là con đường cao nhất Việt Nam dài hun hút, lẩn khuất trong những vách núi, thoắt ẩn thoắt hiện, phong cảnh núi rừng hùng vĩ và ấn tượng. Vào những ngày trời trong, ít mây, bạn ngắm được những chiếc ô tô từ từ lên dốc nhỏ xíu, được ngắm nhìn những bản làng xa xa từ phía Lai Châu, những dãy núi nhấp nhô trập trùng trông như những bức tranh thủy mặc và tất nhiên, có thể có cả đỉnh Fansipan cao ngạo giữa trời mây…

Địa chỉ: Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu

Đèo Ô Quý Hồ
Đèo Ô Quý Hồ

Thác Tác Tình

Thác Tác Tình còn có tên gọi khác là thác Tác Tình hay theo cách gọi thân thương của người dân nơi đây là thác Tình. Đây là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn và thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm ngưỡng.

Nằm trên địa phận xã Bình Lư thuộc huyện Tam Đường- thác Tình nằm giữa một vùng núi non trùng điệp, nhìn từ xa thác giống như một dải lụa mềm mại đang thả mình trong không gian bao la của núi rừng hùng vĩ. Không biết từ khi nào cuộc sống của người Dao và cư dân địa phương đã gắn bó chặt chẽ với thác Tình, nguồn nước trong mát vẫn hối hả chảy ngày đêm của thác chính là tư liệu cho quá trình sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của bà con nơi đây. Thác Tác Tình đẹp là vậy nhưng ít ai biết được rằng đằng sau vẻ đẹp mê hồn ấy là một câu chuyện tình hết sức u buồn.

Truyện kể lại rằng: Xưa kia, từ lâu lắm rồi không ai còn nhớ vào thời gian nào, tại một bản người dân tộc Dao dưới chân thác có một nàng Lở Lan xinh đẹp, vẻ đẹp của nàng được ví như những đoá Lan rừng – đẹp và ngào ngạt hương thơm. Nàng đem lòng yêu một chàng trai trong bản, cả hai thương nhau và quấn quýt như con hươu, con nai trên rừng bên nhau sớm tối. Nhưng hạnh phúc không được bao lâu thì tai hoạ đã ập xuống đầu hai người, tình yêu của họ đã gặp muôn vàn trắc trở, trông gai vì bị kẻ gian âm mưu hãm hại chia cách, không thể nên duyên chồng vợ. Để giữ trọn tình yêu thuỷ chung của mình và lời thề ước giữa hai người, nàng Lở Lan đã trẫm mình xuồng dòng thác. Cảm phục trước hành động của cô gái trẻ, người dân nơi đây đã đặt tên cho ngọn thác là thác Tác Tình để tưởng nhớ đến cô cùng với mong ước tác hợp cho chuyện tình của hai người.

Với tên thác đầy ý nghĩa, cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ của núi rừng Tây Bắc và câu chuyện tình mãnh liệt, thuỷ chung của đôi trai gái đã tạo nên một ngọn thác vừa mang vẻ đẹp quyến rũ lại vừa huyền bí làm say đắm lòng người. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, biến cố của lịch sử thác Tình vẫn giữ được những nét đẹp nguyên sơ, hùng vĩ. Thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng du khách thăm quan, để rồi khi đã đặt chân đến nơi đây ai ai cũng đọng lại những ấn tượng không thể phai mờ về thác Tình – ngọn thác của tình yêu.

Địa chỉ: Tam Đường, Tam Đường, Lai Châu

Thác Tác Tình
Thác Tác Tình

Động Tiên Sơn

Động Tiên Sơn nằm trên địa bàn huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu với 36 cung động kỳ ảo, nằm trong truyền thuyết về 99 ngọn núi và 99 hồ nước của đồng bào Lự (Tây Bắc) là biểu tượng cho vẻ đẹp tự nhiên của rừng núi nơi đây.

Nằm kề đường 4D — con đường nối liền Thị xã Lào Cai, Sa Pa, Thị xã Lai Châu với Điện Biên Phủ. Khu vực động có cảnh đẹp hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn, với đỉnh Phan Xi Păng nổi tiếng quanh năm ẩn hiện trong mây trắng, hợp cảnh cùng dòng Nậm Giê uốn lượn quanh co luẩn khuất trong những dãy núi.

Động thuộc địa phận xã Bình Lư, huyện Tam Đường cách Sa Pa 50 Km. Động có tên xưa gọi là động Đán Đón, hiểu theo nghĩa phổ thông là động Đá Trắng, ngày nay người ta thường gọi là động Tiên Sơn hoặc động Bình Lư. Động gồm 49 khoang (49 cung) nối tiếp nhau chạy dài thông qua hai sườn núi, càng vào sâu các cung càng lớn. Trong Động có nhiều thạch nhũ muôn hình muôn vẻ, mầu sắc huyền ảo. Nét đặc trưng là lòng Động có dòng suối trong vắt chảy qua, luồn lách qua các cung động suốt bốn mùa. Tạo cho người xem cảm giác thú vị xen lẫn ngỡ ngàng.

Động Tiên Sơn gắn liền với truyền thuyết về 99 ngọn núi và 99 hồ nước trong xanh phẳng lặng của đồng bào Lự nơi đây. Truyền thuyết kể rằng, 99 ngọn núi chính là biểu tượng cho 99 chàng trai khỏe mạnh, cường tráng còn 99 hồ nước trong xanh chính là hình ảnh của 99 người con gái cần cù, xinh đẹp. Những ngọn núi và hồ nước nối tiếp nhau tạo nên bức tường thành ôm giữ một vùng đất đai trù phú, phì nhiêu. Nếu so với nhiều động khác đang ngày càng thay đổi bởi sự sắp đặt của con người thì động Tiên Sơn vẫn giữ được vẻ tự nhiên. Đi sâu vào động, những khối đá, thạch nhũ muôn hình, vạn dạng dần lộ ra đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Trong động còn có mạch nước ngầm, chảy thành dòng suối nhỏ len qua từng khe đá tạo nên những tiếng róc rách rất vui tai.

Theo các tài liệu nghiên cứu, động Tiên Sơn được kiến tạo từ carxto (một dạng đá vôi) hàng triệu năm. Trong động có 36 cung khác nhau, nối tiếp chạy qua hai sườn núi, càng vào sâu không gian động càng được mở rộng. Mỗi cung động được nhân dân quanh vùng đặt tên linh thiêng như Mẫu Âu Cơ, Lạc Long Quân, Bà Chúa Kho… Tuy vậy, khi vào sâu trong động, người thưởng ngoạn sẽ không gặp những hình ảnh hương khói nghi ngút thường thấy trong các khu động khác, thay vào đó là một không gian thoáng đãng, trong lành.

Địa chỉ: Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu

Động Tiên Sơn
Động Tiên Sơn

Di tích đồn Mường Tè

Đồn Mường Tè được công nhận là di tích lịch sử văn hoa cấp tỉnh ngày 31 tháng 12 năm 2008 theo quýêt định số 2354/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lai Châu. Di tích nằm trên đồi “Phụ độn” tức là núi đồn thuộc bản Nậm Củm – xã Mường Tè – Huyện Mường Tè – tỉnh Lai Châu. Được xây dựng trên đỉnh của ngọn đồi khá cao và hiểm trở, nằm giữa ngã ba của suèi Nậm Củm và sông Đà rất thuận tiện cho việc quan sát bốn phía và lối thoát ra sông Đà sang Mù Cả khi bị tấn công.

Tháng 4 – 1890 thực dân Pháp chiếm xong toàn bộ tỉnh Lai Châu sau khi lần lượt dập tắt các phong trào khởi nghĩa của nhân dân thực dân Pháp bắt tay vào việc xây dựng bộ máy thống trị bằng nhiều âm mưu thủ đoạn thâm độc, nhiều Taä ở các Châu, M­êng đã làm tay sai cho thực dân Pháp.

Ngày 27/3/1916 thực dân Pháp thành lập đạo quan binh thứ 4 Lai Châu gồm: Lai Châu, Châu Quỳnh Nhai, sở Đại lý và Châu Điện Biên; các khu biên giới phía Bắc gồm: Mường Tè, Mường Nhé, Mường Bum (Mường Tè), Mao Xà Phìn (Sìn Hồ).

Theo Nghị định số: 2016 ngày 6 tháng 9 năm 1917 của toàn quyền Đông Dương, các đồn ở A Pa Chải và Mường Tè được thành lập do người Pháp chỉ huy và người địa phương có nhiệm vụ canh giữ để đảm bảo an ninh cho vùng biên giới phía Bắc.

Đến năm 1929 thống sứ Bắc Kỳ cho phép tập hợp ba khu biên giới: Mường Tè, Mường Nhé, Mường Bum thành một tập đoàn hành chính đặt dưới sự kiểm soát của một viên trung uý người Pháp chỉ huy ở cứ điểm đồn Mường Tè, từ đó người dân địa phương thường gọi đây là đồn Mường Tè.

Địa chỉ: Nậm Củm, Mường Tè, Lai Châu

Di tích đồn Mường Tè
Di tích đồn Mường Tè

Động Pu Sam Cáp

Động Pu Sam Cáp là một trong những hang động dạng karst tuyệt đẹp mà Lai Châu sở hữu, là hang động thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan đến mỗi năm. Động Pu Sam Cáp còn được so sánh với những hang động ở Vịnh Hạ Long và Phong Nha Kẻ Bàng.

Quần thể động Pu Sam Cáp thuộc hệ thống dãy Pu Sam Cáp có độ cao khoảng 1300m đến 1700m so với mặt nước biển. Động nằm trên tỉnh lộ 129 nối thành phố Lai Châu với huyện Sìn Hồ, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km. Trải dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, là địa giới thiên nhiên giữa thành phố Lai Châu, huyện Tam Đường và huyện Sìn Hồ. Đây là dãy núi đá vôi hình thành từ kỷ nguyên kiến tạo, theo địa hình catster với sườn núi thoải về hướng Nam và dốc đứng, chia cắt về hướng Bắc.

Quần thể hang động Pu Sam Cáp là một tác phẩm hoàn mỹ của thiên nhiên, với hơn 10 hang lớn nhỏ. Trong đó có 3 hang động lớn, cũng là 3 hang động tiêu biểu cho quần thể này đã và đang trong quá trình được đưa vào khai thác là: Động Thiên Môn, Động Thiên Đường và Động Thủy Tinh.

Đầu tiên là động Thiên Môn hiện ra với vòm cửa lớn, nhìn vào trong hun hút. Bước đi vào khoảng tối huyền bí đó ta như thấy được hơi mát lạnh từ đá, những làn gió khẽ lướt qua. Những cột thạch nhũ mọc lên trên nền hang động chảy xuống. Từng giọt nước lắng trên đá tí tách nhỏ xuống có thể làm ướt tóc của bạn. Trong nền hang rộng, có rất nhiều những viên bi nhũ, kết tinh của hàng triệu năm vận động của những dòng nước chắt lọc từ đá. Những viên bi nằm chồng lên nhau tạo nên vô số các hình hài vừa quen vừa lạ. Đi đến trung tâm động Thiên Môn bạn sẽ ngỡ ngàng bởi vòm hang cao, rộng, phía dưới bằng phẳng. Có một chút ánh sáng lộ thiên từ cuối động tạo nên một không gian tương phản sáng tối hư hư thực thực.

Động Thiên Đường với những hình ảnh nguyên sơ, tự nhiên đầy hấp dẫn, động Thiên Đường thu vào tầm mắt bạn như một bức tranh sơn thủy. Đường xuống động là đường đi cảm giác mạnh bằng một sợi dây leo, men theo sườn vách đá. Càng đi sâu vào bên trong động, bạn như bắt gặp một không gian đa sắc, đa chiều… Lộng lẫy bốn bề là những cột tháp nhũ trắng trong như những cột thủy tinh quanh hồ nước. Và những cột đá, thạch nhũ với những hình dạng kỳ lạ, sẽ khiến bạn có nhiều tưởng tượng phong phú.

Động Thủy Tinh cũng là động cuối cùng trong quần thể 3 động lớn của Pu Sam Cáp. Động Thủy Tinh chưa được khám phá nhiều bởi địa hình khá hiểm trở, nằm cheo leo trên nền cao của quần thể động. Và cũng là hang động hấp dẫn những ai yêu khám phá và ưa thích mạo hiểm. Những gì động Thủy Tinh đang có vẫn còn là một bí ẩn chưa được giải đáp.

Địa chỉ: Bế Văn Đàn, Nậm Loỏng, Lai Châu

Động Pu Sam Cap
Động Pu Sam Cap

Đỉnh PuTaLeng

Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, Putaleng thuộc địa phận xã Tả Lèng, Huyện Phong Thổ, Tỉnh Lai Châu. Trong tiếng H’Mông, Putaleng được gọi là Pú Tả Lèng, trong đó chữ “Pú” nghĩa là núi.Với độ cao 3049m, Putaleng là đỉnh núi cao thứ hai ở Việt Nam, được mệnh danh là “nóc nhà thứ hai ở Đông Dương” chỉ đứng sau đỉnh Fansipan cao 3.143 m. Với độ cao đáng nể như vậy, Putaleng là điểm đến thách thức mọi phượt thủ, ngay cả dân phượt chuyên nghiệp.Trekking Putaleng không phải chuyện dễ dàng. Thông thường, để leo lên đỉnh núi và quay xuống, bạn sẽ mất khoảng từ 3 – 4 ngày. Còn nếu bạn muốn nghỉ ngơi nhiều hơn hoặc muốn dừng chân để cắm trại, thời gian có thể sẽ kéo dài từ 5 – 6 ngày.

Để chinh phục được Putaleng, bạn cần phải vượt qua quãng đường rất hiểm trở với nhiều đoạn đường dốc cao dựng đứng, trèo đèo, lội suối hay băng qua cánh rừng nguyên sinh âm u, rậm rạp… Nhưng bù lại, phần thưởng mà bạn nhận được sẽ vô cùng hấp dẫn. Đỉnh Putaleng sừng sững lúc ẩn lúc hiện trong lớp sương mù dày đặc, cùng với đó là vẻ đẹp tuyệt mỹ của rừng hoa đỗ quyên trên đường đi.

Chinh phục Putaleng, bạn có thể đi vào tất cả các mùa trong năm. Nhưng theo nhiều thông tin thì nên đi vào tháng 5 – mùa hoa đỗ quyên nở rộ cả núi rừng. Vào mùa này, đất trời Tây Bắc nói chung và Tả Lèng nói riêng như khoác lên mình chiếc áo được tô điểm rực rỡ bởi rừng hoa hoa đỗ quyên với đủ sắc hồng phấn, tím, đỏ… đầy mê hoặc.

Để được ngắm nhìn bức tranh núi rừng hùng vĩ mà vẫn nên thơ ấy, bạn phải chinh phục được 1500m đầu tiên. Càng lên cao, đỗ quyên càng nhiều. Có những chỗ hoa rải kín trên tảng đá, lối đi tạo thành một thảm hoa vô cùng êm ái và quyến rũ.

Nếu như đỗ quyên hồng, đỗ quyên trắng hay đỗ quyên tím khá nhỏ và thấp, chỉ cao khoảng 2m thì đỗ quyên vàng lại thực sự nổi bật nhờ một “ngoại hình” to lớn. Chúng thường là những cây cổ thụ, cao tới hơn 10m, cố gắng vươn mình để đón cái nắng, cái gió nơi rừng núi hoang sơ. Con đường khám phá Putaleng cũng vất vả và gian nan giống như các ngọn núi khác. Nhưng cái cảm giác được đứng trên độ cao 3049m, thu vào tầm mắt những gì đẹp nhất của núi rừng là khoảnh khắc khó quên với mỗi người.

Địa chỉ: Tả Lèng, Tam Đường, Lai Châu

Đỉnh Pu Ta Leng
Đỉnh Pu Ta Leng

Huyện Sìn Hồ

Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, nằm cách thành phố Lai Châu khoảng 60 km về phía Tây. Phía Đông Bắc giáp huyện Phong Thổ; phía Đông giáp thành phố Lai Châu và huyện Tam Đường; phía Đông Nam giáp huyện Than Uyên; phía Tây giáp huyện Nậm Nhùn; phía Nam giáp huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) và huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La); phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Khí hậu huyện Sìn Hồ mang đặc điểm của vùng nhiệt đới núi cao Tây Bắc, ít chịu ảnh hưởng của bão. Thời tiết quanh năm chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa đông lạnh và mưa ít, mùa hè nóng mưa nhiều và ẩm ướt. Lượng mưa bình quân năm ở mức tương đối cao khoảng 2.604 mm/năm và phân bố không đồng đều. Lượng mưa của các xã vùng cao ở mức 2.600 – 2.700 mm/năm, lượng mưa ở các xã vùng thấp và các xã dọc sông Nậm Na ở mức 2.480 – 2.750mm/năm. Lượng mưa cao nhất là vào tháng 6 và tháng 7 hàng năm chiếm tới 70% lượng mưa trung bình của cả năm. Độ ẩm trung bình trong năm từ 80 – 86 %, tháng cao nhất là tháng 7 dao động từ 85 – 90%, tháng thấp nhất vào tháng 3 dao động từ 70 – 80%. Tổng số giờ nắng trong năm trung bình từ 1.850 – 1.900 giờ.

Sìn Hồ có mạng lưới sông, suối khá dày đặc, đa dạng, trong huyện có 02 sông chính chảy qua là sông Đà và sông Nậm Na ngoài ra còn các dòng suối với trữ lượng nước lớn như: Suối Nậm Mạ, suối Nậm Múng, suối Nậm Tăm, suối Phiêng Ớt. Đặc biệt, huyện có 08 xã nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La. Điều kiện địa hình, khí hậu, thủy văn, sông ngòi thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và phát triển du lịch sinh thái, thắng cảnh và nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó huyện còn có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, hang động, núi đá tự nhiên nổi tiếng như: Núi Đá ô, Động Quan âm, Cổng trời… Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc sinh sống như dân tộc Thái, Dao, Lự, H’Mông… với bản sắc văn hoá riêng, có những lời ca, tiếng hát, say sưa trong điệu xòe của người Thái, điệu múa và tiếng khèn ngân nga của người H’Mông. Hàng năm vào các dịp lễ Tết các bạn còn được chiêm ngưỡng lễ hội Gầu Tào, một lễ hội truyền thống của người H’Mông.

Sìn Hồ còn là nơi nổi tiếng bởi ẩm thực đặc sắc của người Thái, Mông như: Rêu đá cộng với lá cây rừng, món cá nướng, lạp thịt, gỏi cá đượm vị cay của ớt, thơm nồng của “mắc khén”, hạt tiêu rừng, xả, gừng, canh măng chua… sẽ không thể quên sự tài hoa, khéo léo của phụ nữ vùng Tây bắc và trong mỗi các món ẩm thực còn thấm đậm trữ tình.

Địa chỉ: Sìn Hồ, Lai Châu

Huyện Sìn Hồ
Huyện Sìn Hồ

Bản Nà Luồng

Bản Nà Luồng, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, Lai Châu là nơi cư trú của hơn 90 hộ dân với 400 nhân khẩu dân tộc Lào. Nơi đây khung cảnh còn hoang sơ và các giá trị văn hóa truyền thống vẫn còn được người dân lưu giữ nên không bị đổi thay theo thời gian. Điều này đã giúp bản người Lào ở Nà Luông trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Theo lời giải thích của người dân địa phương nơi đây, dịch theo nghĩa của tiếng dân tộc Lào thì từ “Luồng” có nghĩa là “con rồng”, “Nà” có nghĩa là “ruộng”. Tương truyền, nơi đây là mảnh đất trù phú, địa hình bằng phẳng có núi non xanh biếc lại có dòng Nậm Mu trong vắt, hiền hòa chảy quanh năm, thuận lợi cho việc cấy lúa, trồng ngô. Cảnh sắc thơ mộng con người lại chân thật, giàu lòng mến khách, nên rồng thường xuống tắm và nằm nghỉ trên bãi ruộng…

Sau khoảng 20 phút trên con đường cấp phối quanh co uốn quanh các sườn núi, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi cảnh vật thiên nhiên nơi đây. Trong ánh nắng vàng của buổi chiều tà, dòng Nậm Mu đầu bản lấp lánh dưới ánh mặt trời như rát bạc. Nhìn từ trên cao xuống, đập vào mắt du khách là cánh đồng lúa vàng óng đang vào mùa gặt. Nà Luồng hiện ra với những nếp nhà sàn cổ, những đụn khói lam chiều phảng phất trong những bóng cây cổ thụ.

Đến nay, cuộc sống của người dân bản địa phần lớn còn mang tính tự cung, tự cấp. Các món ăn chủ yếu được chế biến từ những sản phẩm của nhà làm ra như: rau rừng, cá suối nướng, cơm lam… Tuy cách trung tâm huyện lỵ chừng 10km, nhưng rất lâu rồi bà con đã tự trồng rau ăn phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày và góp phần vào việc phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, đàn ông dân tộc Lào giỏi nghề mộc, đóng đồ gỗ, đan lát và chài lưới. Còn phụ nữ dân tộc Lào giỏi trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm và canh cửi. Các chị, em luôn dành thời gian thêu thùa, may vá tự trang trí họa tiết hoa văn trên trang phục của mình. Từng họa tiết hoa văn, từng đường kim mũi chỉ đều là sự kiên trì, nhẫn nại, là tình yêu thiên nhiên, là khát khao cháy bỏng về cuộc sống ngày mai tươi đẹp.

Đến bản Nà Luồng, ngoài việc được trải nghiệm cuộc sống lao động sản xuất thường ngày của người dân bên những thửa ruộng bậc thang, cánh rừng gần như nguyên sơ hay những thảm thực vật và động vật rất phong phú, đa dạng, du khách còn được hòa cùng không gian văn hóa đặc trưng, truyền thống. Những bộ trang phục đẹp mắt, hàm răng đen bóng của các thiếu nữ đến những bài ca dân vũ cổ xưa bên điệu khèn, tiếng sáo hay tục té nước (Bun Vốc Nặm) trong những dịp hội hè, lễ tết, cưới xin… Tất cả như hòa quện vào nhau tạo lên một Nà Luồng đặc sắc, thân thiện và mến khách.

Địa chỉ: Nà Luồng, Nà Tăm, Tam Đường, Lai Châu

Bản Nà Luồng
Bản Nà Luồng

Bạch Mộc Lương Tử

Bạch Mộc Lương Tử là cái tên mỹ miều mà du khách đặt cho dãy núi Kỳ Quan San. Nằm ở ranh giới hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, sở hữu độ cao 3.046 m so với mực nước biển, Bạch Mộc Lương Tử đứng thứ 4 trong top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Đứng từ vị trí đỉnh núi, du khách có thể thể thỏa đam mê “săn mây” cũng như tận hưởng không khí giữa biển trời rộng lớn. Không hề nói quá khi ‘bình minh trên mây’ đã thực sự trở thành thương hiệu của Bạch Mộc.

Cũng giống như những tỉnh miền núi Tây Bắc khác, thời tiết ở Bạch Mộc Lương Tử đặc trưng mát mẻ vào mùa hè và lạnh giá vào mùa đông. Thời điểm được xem là lý tưởng nhất để chinh phục ngọn núi này chính là khoảng thời gian giao mùa giữa mùa xuân và mùa hè bởi lúc này thời tiết không còn quá lạnh nhưng cũng chưa nóng quá.

Nổi bật với sự kì vĩ, hoang sơ nhưng đầy thơ mộng và kì ảo, Bạch Mộc Lương Tử trở thành điểm hấp dẫn không thể bỏ qua với những ai đam mê du lịch mạo hiểm, thích thử thách ý chí của bản thân. Nơi đây được mệnh danh là Thiên đường mây vùng Tây Bắc, là điểm đến đầy hứa hẹn cho những đôi chân thích chinh phục.

Địa chỉ: Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu

Bạch Mộc Lương Tử
Bạch Mộc Lương Tử

Hang kháng chiến Nà Củng

“Hang Nà Củng” nằm ở bản Nà Củng thuộc xã Mường So – huyện Phong Thổ – tỉnh Lai Châu. Trước khi chia tách tỉnh năm 2004 thì Hang Nà Củng thuộc Bản Nà Củng – xã Mường So – huyện Tam Đường – Tỉnh Lai Châu (cũ).

Di tích nằm trên đỉnh của một ngọn núi thấp, phía dưới là cánh đồng Tùng So sải cánh cò bay và con suối Nậm So trước cửa hang để rồi đổ ra dòng Nậm Na. Đứng trước cửa hang có thể nhìn thấy dòng suối nước chảy mềm mại như một chiếc khăn tay màu trắng của một thiếu nữ thiết tha trong gió. Hoà quyện vào đó là cánh đồng Tùng So với muôn vàn ô thửa, hứa hẹn những mùa bội thu, đời sống nhân dân trên địa bàn ấm no, hạnh phúc.

Khi đi đến di tích du khách thăm quan có thể đi bằng nhiều phương tiện khác nhau, nhưng để thuận tiện nhất du khách nên sử dụng xe máy để vừa đi chúng ta vừa có thể thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên kỳ thú, hưởng thụ cái gió mát dịu, cái nắng dịu dàng của vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, hơn nữa mỗi chặng đường mà du khách đi qua, mỗi địa danh du khách dừng lại đều mang một nét văn hoá rất riêng, rất độc đáo. Từ nhà cửa, trang phục, sinh hoạt sản xuất đều làm cho du khách say mê và đắm chìm trong cảm súc mới. Tại di tích có một bãi bằng lớn, có thể cải tạo phục vụ mục đích coi giữ phương tiện của du khách.

Ngoài ra du khách có thể đến với di tích bằng đường bộ từ Thành phố Điện Biên có chiến thắng lịch sử vang dội đã làm chấn động toàn cầu. Với chiều dài khoảng 180km du khách sẽ được thay đổi một bầu không khí khác hẳn, du khách được sống với tự nhiên, sống với những sinh lực tiềm tàng giúp cho du khách tháo bỏ được mọi ưu phiền trong cuộc sống mưu sinh. Khi đến với di tích bất kỳ một du khách nào cũng cảm thấy như chút bỏ được những lo âu, phiền muộn. Du khách sẽ bị cuốn theo cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ với những dãy núi đá sừng sững bao bọc, lọt thỏm trong đó là một thung lũng nhỏ với các dòng suối dịu mát, hiền hoà.

Địa chỉ: Mường So, Phong Thổ, Lai Châu

Hang kháng chiến Nà Củng
Hang kháng chiến Nà Củng

Trên đây là các địa điểm du lịch rất nổi tiếng ở Lai Châu, nếu có điều kiện các bạn hãy cùng bạn bè hoặc gia đình đến để trải nghiệm những cảnh sắc độc đáo mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này, chắc chắn sẽ có những kỷ niệm đẹp về cảnh vật và con người nơi đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *