Không chỉ nổi tiếng với những món ăn ngon mà những địa điểm du lịch Sóc Trăng cũng rất thu hút du khách đến khám phá. Bạn sẽ phải ngạc nhiên với vẻ đẹp từ … xem thêm…những ngôi chùa cổ kính mang kiến trúc độc đáo cho đến các cảnh đẹp của các khu du lịch sinh thái do thiên nhiên ban tặng. Hãy cùng Toplist điểm qua những địa điểm tham quan nghỉ dưỡng đặc sắc không thể bỏ qua khi đến với Sóc Trăng. Đó là những ngôi chùa Khmer Sóc Trăng, những địa danh thú vị đã và đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan chiêm ngưỡng.
Chùa Dơi Sóc Trăng (Mahatup)
Chùa Dơi còn gọi chùa Mã Tộc (hay chùa Mahatúp) nằm bên đường Văn Ngọc Chính (có bảng chỉ dẫn) thuộc Phường 3, thành phố Sóc Trăng. Sở dĩ có cái tên đặc biệt này là vì chùa là ngôi nhà của những bầy dơi đông đúc. Ngôi chùa là không gian văn hóa duy nhất thờ Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng. Theo thư tịch cổ còn lại có ghi chép: Chùa được khởi công xây dựng vào từ năm 1569, cách nay đã hơn 440 năm. Ban đầu, chính điện của chùa chỉ được xây dựng bằng tre lá, sau đó được xây lại bằng gạch, mái lợp ngói. Năm 1960, chùa được sửa chữa lớn ở chánh điện và cho đến khi có được vẻ khang trang đẹp đẽ như hiện nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Ngay từ cổng vào, du khách không khỏi choáng ngợp trước màu vàng rực, óng bao phủ gần như toàn bộ chùa Dơi. Bạn cũng sẽ bắt gặp ở đây họa tiết tiêu biểu trong kiến trúc Khmer với nhiều tháp nhỏ trên mái chùa, phía đầu hồi chạm trổ hình rắn Naga uốn lượn đầy tinh xảo.
Điều thích thú nhất với du khách khi đến chùa Dơi là được chiêm ngưỡng cảnh hàng nghìn chú dơi treo mình lủng lẳng như trái cây trên cành lá. Lúc cao điểm chùa thu hút tới hơn một triệu con dơi. Mặc dù ở Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa thanh tịnh, vườn cây bóng mát, nhưng việc dơi chỉ chọn chùa Mã Tộc làm nơi cư trú dường như vẫn là điều bí ẩn. Vì thế, khi hoàng hôn buông xuống, khung cảnh ở chùa rộn ràng khác lạ, với âm thanh náo động của bầy dơi vỗ cánh, gọi đàn đi kiếm ăn đêm. Kỳ lạ thay, chúng bay thành hàng và lượn vài vòng trên bầu trời khu vực chùa chứ không bao giờ bay thẳng qua nóc ngôi chính điện. Dù chưa thể giải thích vì sao nhưng nhiều người liên tưởng điều này giống như lời cầu khẩn đức Phật ban phước lành của bầy dơi trước khi đi.
Địa chỉ: Phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Chùa “Một Cột” Sóc Trăng
Nếu như tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có chùa Một Cột với quy mô lớn, đẹp, cổ xưa thì chùa Một Cột ở Sóc Trăng cũng được thiết kế đúng với nguyên bản như hai địa phương vừa nêu và được xây dựng với lối thiết kế trang trọng, tao nhã không kém. Chùa cao khoảng 8m, có 18 bậc lên xuống rộng 1m. Toàn bộ ngôi chùa được nâng đỡ bằng một cột tròn đường kính 2m âm xuống ao sen. Xung quanh được bao bọc bởi 4 tượng rồng ngẩng đầu về 4 hướng. Quanh cột trụ, các nghệ nhân còn trang trí những áng mây trắng. Trong chính điện có bệ thờ có bức tượng Phật Quan Âm làm bằng thạch cao đứng trên tòa sen hồng. Phía sau là bức tranh vẽ cảnh dòng sông núi non cây cối, đặc biệt là có bụi tre ngà và hình con chim phượng đang chao lượn ngậm chuỗi hạt trai. Mái uốn cong với bờ đao cổ kính, trên đỉnh mái có phù điêu lưỡng long tranh châu. Bốn góc mái trang trí phù điêu ngư hóa Long.
Từ trên đài cao, du khách bắt gặp nét an nhiên, nho nhã của hàng ngàn đóa sen nở rộ quanh năm. Cạnh đó còn rất nhiều bức tượng Phật kể về cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuống tóc đi tu để mong mang lại sự an nhiên cho con người. Cạnh ao sen chùa Một Cột là một dãy tượng khá to lớn với những vị tướng hình thù dũng mãnh, tượng trưng cho quyền lực của đấng siêu nhiên. Dưới gốc cây bồ đề “cổ” là tượng Phật Bà Quan Âm rất đẹp, đĩnh đạc, uy nghi. Phía trước chùa còn có miếu thờ Bà chúa xứ rất khang trang, sạch, đẹp. Chùa “Một Cột” nhìn từ ngoài vào rất thanh mảnh và có nét riêng độc đáo, vừa có nét chung của truyền thống đình, chùa ở phương Đông và là ngôi chùa “một cột” duy nhất ở miền Tây tính đến thời điểm này. Không chỉ là nơi linh thiêng, có khung cảnh đẹp, trầm mặc, cổ kính thu hút nhiều du khách đến tham quan, chùa còn là địa chỉ nhân đạo với các hoạt động thường xuyên như cấp phát gạo, các suất ăn miễn phí cho người nghèo, sách, dụng cụ học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Địa chỉ: Phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Chùa Đất Sét
Sóc Trăng không chỉ nổi tiếng với những ngôi chùa cổ của Khmer mà nơi đây còn thu hút khách du lịch với chùa Đất Sét có hơn 1000 tượng Phật và những cây nến đốt được đến 100 năm. Hành trình về Sóc Trăng không thể bỏ quên Chùa Đất Sét hay còn gọi lạ Bửu Sơn Tự. Chùa Đất Sét được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20 bởi nghệ nhân Ngô Kim Tòng. Chùa Đất Sét nằm trên đường Tôn Đức Thắng của Tp. Sóc Trăng, với lịch sử hơn 200 năm, ngôi chùa này là dấu ấn ghi nhận một người con nghèo khó nhưng ngộ đạo, đam mê với nghề tạc tượng – ông Ngô Kim Tòng. Đến với ngôi chùa, du khách mới thật sự thấm hết cái ngạc nhiên về cái tài của ông.
Ngoài cơ hội tham quan thưởng ngoạn những tuyệt tác này, du khách còn có cơ hội ngắm nhìn và giải mã những bức hoành phi treo khắp điện thờ cũng được làm bởi chính nghệ nhân Ngô Kim Tòng. Các tác phẩm tượng Phật, linh thú, đỉnh trầm, bảo tháp… được tạo ra từ đất sét, thoạt nhìn không ai có thể tin là thật. Sự đan xen của các tượng Phật uy nghiêm, muôn thú với nhiều nét cổ xưa trong kinh Phật, nhiều bệ thờ đầy tính văn hóa nhân văn…khiến ngôi chùa Đất Sét này trở thành một nơi linh thiêng của con người Sóc Trăng và khách du lịch. Mỗi năm đến mùa lễ tết, Chùa Đất Sét lại đón nhận hàng ngàn lượt khách du lịch xa gần. Về nơi đây để cảm nhận những nét tâm linh cùng cái tài của một nghệ nhân trong quá khứ.
Địa chỉ: 286 Tôn Đức Thắng, Phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Chùa Kh’leang
Kh’leang là một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất ở Sóc Trăng được xây dựng vào giữa thế kỷ 16. Chùa có bức tượng Phật ngồi trên đài sen cao 6,8 m. Chùa Kh’Leang tọa lạc trên một khuôn viên rộng 3.825m2, được xây dựng từ năm 1533. Lúc đầu chỉ là ngôi chùa lợp lá sau nhiều lần trùng tu được xây cất bằng gạch ngói. Kiến trúc hiện nay là do lần trùng tu cách đây hơn 80 năm. Chùa Khleang là một trong những chùa Khmer cổ kính và đẹp nổi tiếng ở Sóc Trăng. Vị trí chùa ngay trung tâm thị xã, bên bờ sông Trăng thơ mộng chia đôi thị xã, trong một khuôn viên rộng lớn, được bao bọc bằng hàng rào, với cổng ra vào được trang trí những hoa văn cổ truyền Khmer, dưới những tán cổ thụ mát rượi.
Với đường nét kiến trúc cân xứng, hài hòa, gắn liền với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đa dạng và hầu hết đều thể hiện được những nét đặc trưng trong nghệ thuật truyền thống của người Khmer, chính điện chùa Khleang thực sự là công trình có giá trị về mặt nghệ thuật và thẩm mỹ. Giữa các mẫu trang trí nghệ thuật Khmer, ta còn bắt gặp tác phẩm của người Kinh ở bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ. Điều này phản ánh sự giao thoa văn hóa giữa 3 dân tộc, trong quá trình cộng cư lâu dài đã kết hợp các yếu tố tinh hoa trong nghệ thuật, học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển.
Địa chỉ: Số 6 Tôn Đức Thắng, Phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Chùa Chén Kiểu
Gọi là chùa Chén Kiểu vì chùa được trang trí bằng những chiếc bát, đĩa bằng sành sứ cùng phong cách kiến trúc lạ. Trong hành trình thăm thú những ngôi chùa ở Sóc Trăng, chùa Chén Kiểu là một trong những ngôi chùa sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách. Nếu chùa Kh’Leang mang dáng vẻ uy nghiêm, trang trọng thì chùa Chén Kiểu lại toát lên vẻ tôn nghiêm nhưng gần gũi bởi các họa tiết trang trí độc đáo từ những vật dụng vô cùng thân thuộc trong đời sống. Đó là những món đồ sành sứ dùng trong gia đình như cốc, bát, chén, đĩa…Chính vì thế mà ngôi chùa này có tên là chùa Chén Kiểu.
Các nghệ nhân Khmer đã khéo léo tận dụng số chén, đĩa này để trang trí các bức tường, cột tháp, tạo nên một công trình kiến trúc hài hòa, ấn tượng. Những đồ còn mới được ốp trực tiếp lên tường, hay làm thành những con tiện hàng rào bao quanh các dãy hành lang hay tay vịn cầu thang, còn những đồ đã vỡ hay sứt mẻ được sắp xếp và ghép thành các hoa văn trang trí lạ mắt. Chùa còn là nơi lưu giữ một số kỷ vật quý giá của ông Trần Trinh Huy, người nổi tiếng với danh xưng “công tử Bạc Liêu”. Đó là bộ trường kỷ cẩn xà cừ với hai chiếc giường cổ quý hiếm mùa đông và mùa hè, được trang trí bằng ốc xà cừ, trị giá hàng tỷ đồng. Với những đặc điểm kiến trúc ấn tượng, chùa Chén Kiểu không chỉ là địa điểm tâm linh để mọi người đến cúng viếng mà còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách thập phương.
Địa chỉ: Xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Chợ nổi Ngã Năm
Chợ nổi Ngã Năm là khu chợ nổi tiếng bậc nhất của tỉnh Sóc Trăng. Sở dĩ có tên như vậy vì chợ nằm ngay vị trí trung tâm, từ đây chia thành 5 nhánh sông xuôi về những địa phương lân cận. Chợ nổi là một trong những địa chỉ buôn bán tấp nập bậc nhất của người dân Sóc Trăng, đồng thời còn trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo các tín đồ xê dịch ghé đến khám phá. Theo nhiều ghi chép, Chợ nổi Ngã Năm đã hình thành từ thời kỳ Pháp thuộc. Tên gọi Ngã Năm cũng xuất hiện khi người Pháp đào kênh quản lộ Phụng Hiệp. Con kênh này cùng với dòng kênh Xáng cắt ngang kênh Xẻo Chính hình thành ngã 5 đổ về các tỉnh Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp. Từ đó đến nay, chợ nổi Ngã Năm là nơi người dân giao thương, buôn bán, hàng hóa tụ về đây rồi lại được thương lái đưa đi khắp các tỉnh miền Tây. Chợ nổi Ngã Năm là nơi người dân Sóc Trăng và các địa phương lân cận tập trung về để giao thương, buôn bán. Các gia đình mang trái cây, thủy hải sản, nông sản… ra chợ bán cho thương lái. Còn các tiểu thương thì mang quần áo, giày dép, đồ ăn, thức uống… nhập từ chợ đầu mối về bán cho bà con. Không khí mua bán tại đây mỗi ngày đều rất sôi động, ồn ã, tấp nập.
Thường chợ sẽ họp từ 4h sáng. Các thương lái đổ về đây rất sớm để mua hàng hóa với giá tốt từ người dân. Đến khoảng 6h là lúc chợ đông đúc nhất, người người nhà nhà đổ ra chợ mua sắm, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần. Chợ nổi Ngã Năm bán gần như đầy đủ mọi thứ, mỗi thuyền sẽ cắm một cây cọc, trên cọc treo những mặt hàng mà họ bán để người mua dễ dàng nhận diện. Giữa buổi sáng tinh sương, khi mặt trời còn chưa mọc, không khí tại đây đã vô cùng rộn rã. Bạn sẽ nghe tiếng người mua chào hàng, người bán trả giá, tiếng động cơ thuyền máy ầm ĩ, mọi thanh âm hòa vào nhau tạo nên không khí đặc trưng của chợ nổi. Khi đến Chợ nổi Ngã Năm, bạn chắc chắn không thể bỏ lỡ những món ăn sáng thơm ngon. Chợ có nhiều ghe nhỏ bán đủ thứ từ cà phê, sinh tố, nước ép, thuốc lá, cơm tấm, hủ tiếu, Bún nước lèo Sóc Trăng, bún xào. Những lò than rực hồng, bên trên là nồi nước lèo bốc khói nghi ngút, mùi hương thơm lừng làm nên vẻ đẹp riêng của nơi đây.
Địa chỉ: Thị xã Ngã Năm, Huyện Thạnh Trị, Tỉnh Sóc Trăng.
Vườn cò Tân Long
Vườn cò Tân Long nằm trên địa phận thị xã Ngã Năm, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng hơn 60km. Nơi đây không chỉ đơn thuần là sân chim mà còn được mệnh danh là khu bảo tồn loài cò nhờ sở hữu các điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi để chúng sinh trưởng, phát triển. Số lượng cá thể gia tăng nhanh chóng đã giúp Vườn cò Tân Long trở thành điểm tham quan, du lịch lý tưởng của Sóc Trăng. Rất nhiều người chọn đến đây để được trải nghiệm cảm giác hòa mình vào không gian bao la và thiên nhiên thanh bình. Trong hành trình du lịch Sóc Trăng, sau khi ghé đến những địa điểm check-in nổi tiếng như Chợ nổi Ngã Năm, chùa Chén Kiểu, Bảo tàng Khmer… thì vườn cò chắc chắn sẽ mang lại cho bạn trải nghiệm khác biệt. Nơi đây có không khí trong lành, mát mẻ, sự thư thái và nhẹ nhõm là những gì bạn cảm nhận được khi bước vào không gian xanh mướt và thanh bình này.
Vườn cò Tân Long có diện tích 1,5 ha, là nơi sinh sống của rất nhiều loại cò quý hiếm. Vườn cò Tân Long nằm trên địa phận xã Long Bình, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, do gia đình ông Huỳnh Văn Mười, 73 tuổi quản lý. Nhiều loài chim, cò tại đây như: cò gà, cò trắng, cò trâu, cồng cộc… chung sống hòa thuận tại nơi này. Ngoài ngắm từng đàn cò sải cánh, khi đến với nơi đây bạn còn có thể được thưởng thức nhiều món đặc sản dân dã của Sóc Trăng hay miền sông nước nói chung. Tại vườn cò Tân Long, có xây dựng một tháp quan sát cao hơn 10 mét để làm địa điểm chiêm ngưỡng cò đang sinh sống ở đây. Khách du lịch có thể phóng tầm mắt bao quát hết cả khu vườn, chiêm ngưỡng khung cảnh từng đàn cò quần tụ trắng cả khu vườn vào lúc sáng sớm. Hơn 40 năm nay, vườn cò Tân Long đã góp phần thúc đẩy du lịch Sóc Trăng phát triển với lượng khách lớn hàng năm.
Địa chỉ: Ấp Tân Bình, Xã Long Bình, Huyện Ngã Năm, Tỉnh Sóc Trăng.
Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng
Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng là một trong những công trình Phật giáo Bắc tông lớn ở tỉnh Sóc Trăng được đưa vào hoạt động từ năm 2020. Công trình có tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng được xây dựng trên khu đất rộng gần 6 ha, bao gồm các hạng mục như chánh điện, nhà hậu tổ, hội trường, nhà tiếp khách, cổng tam quan… do các nhà hảo tâm và Phật tử đóng góp. Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng không chỉ có ý nghĩa về mặt tôn giáo đối với người dân địa phương, mà còn là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo thu hút nhiều Phật tử cùng tín đồ du lịch tìm đến tham quan, chiêm bái. Đến thăm Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng, bạn sẽ bị ấn tượng bởi các công trình kiến trúc quy mô lớn với lối thiết kế độc đáo. Trong khuôn viên Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng được bối trí nhiều hạng mục như chánh điện, nhà hậu tổ, gác chuông, lầu trống, cổng tam quan… với kết cấu mái lợp ngói, rường cột bằng gỗ lim, tường gạch nền vàng và lối đi lát gạch tàu đặc trưng của kiến trúc đình chùa Nam Bộ.
Từ ngoài bước vào là cổng tam quan đề bảng “Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng”, hai bên cổng phụ được chạm nổi lời Phật răng dạy về “Từ Bi”, “Trí Tuệ”. Phần cổng được xây theo lối gác mái cong đầu đao lợp bằng ngói đỏ, phía tầng trên của cổng tam quan là nơi đặt gác chuông và tượng thờ làm toát lên vẻ uy nghiêm như một ranh giới đưa bạn tách biệt khỏi cuộc sống ồn ào, vội vã. Đi qua cổng tam quan là khoảng sân lát gạch tàu rộng rãi dẫn vào khu chánh điện. Trong sân là hai hàng tượng 18 vị La Hán bằng đá hoa cương được đặt song song nhau. Phía bên phải là tháp chuông đặt đại hồng chung (chuông đồng) nặng 1,5 tấn, bên trái là tháp trống với phần giá gỗ được chạm trổ công phu, tinh tế. Nằm tại ngay trung tâm Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng là Đại Hùng Bửu Điện xây dựng theo dạng hình chữ nhật, được lợp ngói tám mái theo phong cách thời vua triều Trần. Cũng như nhiều kiến trúc chùa ở Sóc Trăng khác, phần mái Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng được thiết kế theo kiểu “tàu đao lá mái” tức là góc mái hơi uốn cong ngược và trang trí kèm hình tượng Xi Vẫn. Triền mái thiền viện không xoè quá rộng như chùa Lăng Ca mà chỉ hơi hếch ở phần góc tạo sự nhẹ nhàng, thanh thoát cho cả công trình.
Địa chỉ: Số 69 Trần Nhân Tông, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Bảo tàng Khmer
Nằm trên đường Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Khmer Sóc Trăng sở hữu vị trí ngay trong trung tâm thành phố cách Chùa Kh’leang và Bửu Sơn Tự không xa. Từ các điểm lưu trú thuộc khu vực nội thành, bạn chỉ cần chạy dọc theo cung đường Hai Bà Trưng từ Công viên 30/4 qua Cầu Quay chừng 450m là đã có thể nhìn thấy bảo tàng bên phía tay trái. Bởi vì cung đường đến đây khá dễ đi nên tín đồ du lịch có kinh nghiệm tham quan bảo tàng thường chọn di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô tự lái. Các loại phương tiện này sẽ giúp bạn dễ dàng khám phá thêm nhiều hàng quán ăn uống cùng điểm du lịch hấp dẫn. Bảo tàng Sóc Trăng sở hữu 2 đặc điểm nổi bật đó là nét kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa Khmer như Chùa Som Rong, Sà Lôn… và bộ sưu tập hiện vật văn hóa của người dân tộc này. Về kiến trúc, những ngôi nhà thuộc hệ thống bảo tàng chủ yếu có mái nhọn và cong. Nơi đây được chia thành 2 khu vực chính là nơi trưng bày hiện vật (gọi là nhà hội Masacum) và khu văn phòng. Không gian văn hóa rộng 2.344m2 với nhà trưng bày hiện vật rộng 368m2 là điểm sáng của bảo tàng tỉnh.
Đối với bộ sưu tập hiện vật, tại đây sở hữu hàng ngàn đồ dùng, vật dụng đã gắn bó cùng đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân Khmer tại Sóc Trăng qua bao đời. Số lượng hiện vật ở Bảo tàng Khmer Sóc Trăng đến nay đã đạt cột mốc 13 ngàn món. Từ những công cụ lao động thô sơ đến trang phục cổ truyền, nhạc cụ và thậm chí là kiến trúc nhà cửa… tất cả đều có mặt tại điểm tham quan này. Bạn dừng chân nơi đây sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng tận mắt đồng thời chạm nhẹ vào hiện vật để cảm nhận nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân Khmer miền đất Tây Nam Bộ. Bảo tàng Khmer Sóc Trăng chắc chắn sẽ mang đến bạn trải nghiệm khám phá đặc biệt khó quên trong chuyến du lịch của mình. Mọi người nhanh tay lưu ngay địa điểm tham quan thú vị này vào cẩm nang du lịch cá nhân để không quên ghé thăm khi có dịp dừng chân tại xứ sở chùa vàng nhé.
Địa chỉ: Số 53, đường Tôn Đức Thắng, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Khu du lịch sinh thái Bình An
Khu du lịch sinh thái Bình An có không gian thoáng mát, vườn hoa kiểng bốn mùa cùng với các công trình kiến trúc đa dạng, tiêu biểu cho 3 miền đất nước. Nơi đây có nhiều trò chơi giải trí dành cho mọi lứa tuổi; nhà sàn nghỉ mát thư giãn cùng với các tác phẩm điêu khắc mỹ thuật, phóng tác lại các truyện, tích dân gian. Ngoài ra, du khách có thể dành thời gian đến tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ ca nhạc, khiêu vũ vào chiều tối. Đây là điểm có nhiều hoạt động, dịch vụ: vui chơi giải trí, nhà hàng ăn uống, biểu diễn sân khấu, lưu trú… Hệ thống cây xanh, hoa trái, bể bơi, ao cá, đu quay… được bố trí hợp lý, hài hoà, gần gũi với thiên nhiên vừa yên tĩnh nhưng vẫn sinh động. Khu du lịch có thể đáp ứng nhu cầu và sở thích của nhiều lứa tuổi, nhiều đối tượng.
Qua cổng, phía sau sân khấu ta có thể nhìn thấy một trái núi nhân tạo cao khoảng ba bốn chục mét, trên đỉnh là bức tượng Phật Bà Quan Âm khá lớn. Dưới chân núi là ao cá; cây cối được trồng rất tự nhiên; những lối mòn len lỏi giữa những tảng đá to, nhỏ khấp khểnh mô phỏng lối mòn trên núi đá. Dây leo đeo bám cây cối rậm rịt. Trong lòng quả núi là một khách sạn mini. Cạnh trái núi là một ngôi biệt thự hai tầng, mô tuýp kiến trúc kết hợp kiểu Nga – Trung Đông. Khu du lịch sinh thái Bình An ra đời đã phá tan sự bình lặng vốn có của một thị xã mang đậm dấu ấn văn hoá Khmer ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Địa chỉ: Quốc lộ 1A, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Nhắc tới những khu du lịch nơi đây, ta không thể không nhắc đến các địa điểm tham quan đặc sắc trên. Đến với nơi đây, cũng là dịp để du khách tận hưởng một không gian lý thú kỳ vĩ trong mỗi ngôi chùa, ẩn bên trong đó là một câu chuyện huyền thoại đặc sắc, thú vị mang đậm sắc văn hóa Khmer Nam Bộ.