Việt Nam hiện nay đang có nhiều điều kiện để phát triển mạnh ngành du lịch hơn cả những nước khác trong cùng khu vực. Nhưng thực tế cho thấy, ngành du lịch của … xem thêm…nước ta vẫn không có gì nổi bật thu hút được nhiều du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Bởi vậy, Toplist xin đưa ra một vài giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển.
Chú trọng an toàn cho du khách tại Việt Nam
Tệ nạn xã hội đã và đang là một vấn đề cần được sự quan tâm chặt chẽ bởi chính quyền địa phương cũng như của toàn thể người dân trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, vấn đề này càng được quan tâm hơn nữa trong việc phát triển ngành du lịch nước nhà. Nạn móc túi, cướp bóc, ăn xin, lừa đảo,… đã trở thành một ấn tượng không tốt trong lòng du khách khi đến với Việt Nam. Họ cảm thấy sợ hãi và không an tâm khi tham quan các danh lam thắng cảnh, thưởng thức món ăn ở các nhà hàng và thậm chí là khi lưu trú nhà nghỉ hay khách sạn. Bởi vậy, để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn thì chúng ta cần chú trọng an toàn cho các du khách bằng việc có biện pháp giải quyết triệt để các tệ nạn xã hội.
Chuyên nghiệp hóa dịch vụ
Hiện nay, số lượng dịch vụ tại bất kỳ điểm du lịch nào cũng tăng nhanh một cách đáng kể. Tuy nhiên, do không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp nên chất lượng dịch vụ còn rất thấp và không mang tính cạnh tranh. Ngành du lịch thực sự còn thiếu đội ngũ nhân viên có kỹ năng, chuyên nghiệp trong giao tiếp, quản lý cũng như chất lượng phục vụ. Bởi vậy cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ giúp Việt Nam có khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch.
Tạo sản phẩm du lịch độc đáo
Phần lớn các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ, vốn ít và chỉ tập trung khai thác những tài nguyên có sẵn hoặc “sao chép” các sản phẩm du lịch. Đây là một trong những điểm yếu làm cho ngành du lịch Việt Nam trở nên chậm phát triển. Bởi vậy cần chú trọng việc tạo ra các sản phẩm đặc trưng, nổi bật của từng vùng miền để tạo nên nét độc đáo tại mỗi điểm du lịch, đồng thời quảng bá được hình ảnh Việt Nam đến với du khách.
Cải tạo giao thông tại các thành phố lớn
Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai cửa ngõ chính đón khách quốc tế bằng đường hàng không đến với Việt Nam. Tuy nhiên, giao thông là vấn đề đáng lo ngại nhất đối với hai thành phố này bởi cơ sở hạ tầng và đặc biệt là ý thức của người tham gia giao thông còn rất thấp. Hình ảnh tắc đường, lấn làn, vỉa hè hàng ngày đã và đang trở thành một mối lo ngại đối với du khách khi đặt chân tới Việt Nam. Bởi vậy mà chúng ta cần cải tạo giao thông tại các thành phố lớn, tiêu biểu là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để góp phần tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách.
Đa dạng hóa hình thức du lịch
Bắt kịp xu hướng du lịch của thế giới với nhiều sự thay đổi, hướng tới những giá trị mới mang tính độc đáo, nguyên sơ đang là một thách thức lớn với ngành du lịch Việt Nam. Bởi vừa phải phát triển dịch vụ đồng thời phải bảo tồn các điểm du lịch mang tính tự nhiên, hướng về cội nguồn, thiên nhiên đối với Việt Nam là hết sức khó khăn. Song, nếu không muốn đứng trước nguy cơ tụt hậu, mất thị phần trong ngành du lịch thì cần phải đa dạng hóa hình thức du lịch theo xu hướng của thế giới, đồng thời vẫn đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại trong dịch vụ.
Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Việt Nam là đất nước hoàn toàn có nhiều điều kiện để phát triển ngành du lịch so với các nước khác trong toàn khu vực nhưng chính chất lượng của quá trình quảng bá hình ảnh đã khiến ít du khách quốc tế biết đến Việt Nam. Với việc sở hữu những Di sản văn hóa, những điểm đến hấp dẫn như: Hạ Long, Huế, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang,… thì Việt Nam cần chú trọng hơn chất lượng quảng bá hình ảnh của mình để tạo được tiếng vang, sức hấp dẫn trong lòng du khách.
Thay đổi nhận thức du lịch từ cấp quản lý nhà nước
Công tác quản lý ngành du lịch còn gặp nhiều bất cập và chưa hiệu quả, tiêu biểu là công tác quản lý an ninh, an toàn, đảm bảo phát triển bền vững còn yếu kém, chưa bảo tồn và phát huy được giá trị của di sản cũng như công tác bảo vệ môi trường. Ngành du lịch Việt Nam cần tổ chức bồi dưỡng kiến thức giao tiếp, ứng xử, quản lý cho các cán bộ, hướng dẫn viên, và người dân nhằm đưa ngành du lịch nước nhà phát triển.
Bảo tồn các khu di tích văn hóa mang tính lịch sử
Hiện nay, không gian thắng cảnh và di sản văn hóa đang bị xâm hại, tiêu biểu là việc khai thác nguồn tài nguyên với mục đích kinh tế nhằm phá vỡ cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường và làm mất đi không gian thiêng liêng của di tích. Ngành du lịch Việt Nam cần có biện pháp bảo tồn các khu di tích văn hóa để vừa gìn giữ được những di tích cho con cháu đời sau, vừa giới thiệu được những nét văn hóa với du khách quốc tế.
Xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam
Du lịch Việt Nam cần tăng cường việc xây dựng hình ảnh du lịch đến với bạn bè quốc tế bằng cách tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, tổ chức thông tin hướng dẫn, hỗ trợ du khách tại các điểm du lịch, đặc biệt là xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành, nhiệt tình đối với du khách. Bằng việc làm này sẽ khiến du lịch Việt Nam có được hình ảnh tốt trong mắt du khách.
Phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp
Những điểm du lịch ở Việt Nam cần tạo được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cũng như những khu vực không hút thuốc lá, không bán đồ, trèo kéo khách, bổ sung thực đơn tăng cường rau, củ, các món ăn ít béo, tổ chức các câu lạc bộ sức khỏe cho du khách. Các dịch vụ này cần được bổ sung, tăng cường song cũng phải đảm bảo về chất lượng dịch vụ.
Những giải pháp trên đây là biện pháp góp phần đưa ngành du lịch Việt Nam phát triển. Song có lẽ là chưa đủ và chúng ta cần học hỏi và sửa đổi để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế.