“Quảng Ngãi – sức hút mới của du lịch biển miền Trung”, câu nói này chắc đã không còn xa lạ với nhiều người. Cách đây 3 đến 4 năm, thương hiệu Quảng Ngãi bỗng … xem thêm…nổi lên trong cộng đồng du lịch. Nhắc đến Quảng Ngãi ấn tượng nhất điều gì? Mía đường, cá bống sông Trà, kẹo gương, hương quế Trà Bồng, don,…? Nhưng có dịp đến Quảng Ngãi chắc chắn bạn sẽ luyến tiếc khi không được ghé thăm những thắng cảnh tuyệt đẹp sau đây.
Đảo Lý Sơn – Thiên đường trên mặt đất
Đảo Lý Sơn giống như một ốc đảo thần tiên giấu mình trong vẻ đẹp hoang sơ giữa biển trời bao la. Nếu có dịp du lịch Lý Sơn bạn sẽ được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp thú vị về hòn đảo được mệnh danh là “thiên đường giữa biển khơi”, như một báu vật tự nhiên của Quảng Ngãi.
Từ thành phố Quảng Ngãi, bạn sẽ đi tới cảng Sa Kỳ để tham quan đảo Lý Sơn. Đây là điểm duy nhất để du khách du lịch Lý Sơn có thể bắt tàu đến tham quan đảo. Con đường nơi đây sẽ đem lại cho bạn cảm giác thanh bình đến lạ. Hai bên đường là những dải lúa chín vàng, bông lúa trĩu nặng đong đưa theo làn gió bồng bềnh, dặt dìu trôi miên man. Gần về phía biển, hương lúa quyện lẫn vị mằn mặn theo gió biển thổi vào. Bạn sẽ cảm nhận được biển đã rất gần, mùi của biển khiến ai cũng náo nức. Vẻ đẹp của khung cảnh đồng quê thanh bình khiến con đường dài chừng 20km ra cảng trở nên rất gần đối với du khách.
Thiên đường giữa biển khơi. Hiện nay, hiện nay ngoài chuyến tàu chậm đi mất khoảng gần 2 tiếng để ra đảo, du khách có thể đi tàu cao tốc chỉ mất chưa đầy 1 tiếng. Nếu muốn ngắm phong cảnh và lênh đênh trên biển bạn có thể chọn tàu chậm. Bởi tàu này chủ yếu dành cho người dân biển đảo vào đất liền mua sắm, buôn bán làm ăn xa. Hàng hóa chất lên tàu khá nhiều, đủ các loại từ thực phẩm đến cả gia cầm, gia súc. Nơi đây vừa là cảng cá, cũng là nơi buôn bán hầu như tất cả các thứ thiết yếu trên cảng.
Đảo Lý Sơn còn có tên gọi là cù lao Ré. Theo các vị cao niên trên đảo, có tên gọi như vậy là vì xưa kia trên đảo có rất nhiều cây ré. Vỏ cây ré dùng để buộc đồ rất bền. Đảo được khai phá vào đời vua Lê Kính Tông (năm 1604). Hiện nay trên đảo còn thờ tám vị tiền hiền từng khai canh trên mảnh đất này và được ngư dân kính trọng gọi là “Bát tổ”. Huyện đảo Lý Sơn vỏn vẹn 10 km2 với dân số chừng 2 vạn người, chia thành hai xã An Vĩnh và An Hải. Dân cư sống trên đảo chủ yếu bằng nghề nông, đánh bắt hải sản. Nông sản chính ở đây là tỏi. Tuy diện tích khá nhỏ nhưng nơi đây có đến gần 100 di tích với một quần thể các đền, chùa, miếu mạo, những ngôi mộ gió của các chiến binh Hoàng Sa một thời giong buồm ra khơi giữ gìn chủ quyền biển đảo cho quốc gia. Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, song có lẽ nhờ ở xa đất liền, ít bị ảnh hưởng bởi chiến tranh cũng như việc tu bổ, tôn tạo di tích theo kiểu “tân trang” nên hầu hết các di tích của Lý Sơn còn nguyên vẹn, ít bị xâm hại. Đáng đến thăm nhất là chùa Hang, chùa Đục, đình làng Lý Hải, quần thể di tích Âm Linh Tự, nghĩa trang bộ đội Hoàng Sa…
Du lịch Lý Sơn sẽ làm say đắm lòng người với nước biển xanh biếc, ánh nắng vàng chảy trên từng ngọn cây, đọt cỏ trong như thủy tinh, bầu trời trong veo đẹp đến ngỡ ngàng. Và gió như bay từ muôn phía ùa đến ngập hồn du khách.
Sa Huỳnh – bãi cát vàng
Nằm về cực Nam tỉnh Quảng Ngãi, cạnh quốc lộ 1A và cách thành phố Quảng Ngãi chừng 60km về phía Đông Nam, Sa Huỳnh là một địa danh nổi tiếng thuộc địa phận hai xã Phổ Châu và Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Nguyên ban đầu nơi đây có tên Sa Hoàng với ý nghĩa “bãi cát vàng”, sau do chữ “Hoàng” trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên đã phải biến âm đọc trại mà thành ra Sa Huỳnh như hiện nay.
Không chỉ là vùng di chỉ khảo cổ có giá trị với hàng loạt mộ chum và nhiều hiện vật tiêu biểu cho một nền văn hóa cổ xưa bị chìm khuất dưới lòng đất mà mãi đến đầu thế kỷ 20 mới được phát lộ, Sa Huỳnh còn được biết đến với một bãi biển đẹp chạy dài 5 – 6km cong cong hình lưỡi liềm, được trang điểm bởi dãy núi Cấm, thắng cảnh ghềnh đá Châu Me và những đảo Khỉ, hòn Bẹp, hòn Dù, hòn Khu Ông, hòn Son… xa xa ngoài biển khơi, trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách vào các ngày cuối tuần hay các dịp lễ, tết…
Nằm tại Km 985, bãi tắm Sa Huỳnh thật lý tưởng với bãi cát vàng óng ả và làn nước biển trong xanh, nơi đây đáy biển thoai thoải và không có bãi đá ngầm. Cách bờ chừng hơn một hải lý là dải đá ngầm cùng rạn san hô, nơi tập trung những đàn cá muôn màu và cả một thế giới đại dương kỳ ảo như trong truyện thần tiên… Du khách có thể ngồi thuyền đi dọc theo núi Cấm, tham quan hang Én, hang Hóc Mó đặc biệt hang Hóc Mó càng lộng lẫy hơn vào mỗi độ xuân về, khi rừng mai vàng nở rực cả một khoảng trời tạo nên nét nhấn nhá độc đáo giữa biển trời bao la… Du khách cũng có thể tắm ở những bãi tắm Hóc Mó, Bàu Nú đầy vẻ hoang sơ hay khám phá đảo khỉ với nhiều loài động vật hoang dã qúy hiếm…
Đến với biển Sa huỳnh, sẽ là thiếu sót nếu du khách không thưởng thức những hải sản còn tươi rói vừa được ngư dân đánh bắt, từ tôm, mực, ghẹ, cua Huỳnh đế… đến món cá nục cuốn bánh tráng rất dân dã mà vô cùng khoái khẩu. Đặc sản nổi tiếng nhất của Sa Huỳnh là mắm nhum và cua Huỳnh đế. Con nhum (cầu gai) vốn đã hiếm và chỉ có thể bắt theo mùa, nên để làm được thành mắm thì lại càng qúy hiếm hơn. Mắm nhum Sa Huỳnh đã một thời là mắm “ngự” khi vào thời vua Minh Mạng, hàng năm địa phương phải “tiến” về kinh đô 12 cân. Khác với các loài cua thông thường, cua Huỳnh đế là giống cua lớn có toàn thân màu đỏ gạch, mỗi con cân nặng đến cả ký; không phải chế biến cầu kỳ, chỉ cần luộc rồi chắm muối ăn đã đủ cảm nhận hết vị bùi béo, ngọt thơm của loài cua độc đáo này.
Một phó sản khác từ biển là muối – Sa Huỳnh nổi tiếng là vựa muối lớn ở miền Trung với các cánh đồng muối có diện tích gần 500ha, cho sản lượng muối hàng năm đến hàng trăm ngàn tấn. Muối Sa Huỳnh có chất lượng tốt, được tín nhiệm từ lâu tại các thị trường miền Trung và Tây nguyên.
Thác Trắng – Suối tóc của nàng tiên buông thả trên ghềnh đá
Nếu bạn muốn chọn một địa điểm thăm thú, dạo chơi, trải nghiệm thì đừng bỏ qua thác Trắng. Khu sinh thái thác Trắng hiện tại được nhiều bạn trên cả nước biết đến. Dòng thác trắng xóa trên độ cao khoảng hơn 40 mét chảy xuống giống như suối tóc êm ái của nàng tiên buông thả tự nhiên. Đặc biệt khung cảnh xung quanh thác Trắng toàn là đồi núi hoang vu bạn sẽ đắm chìm trong màu xanh của lá, hoa, của núi rừng yên tĩnh, trong lành và vô cùng hùng vĩ của dòng thác Trắng được xem là biểu tượng của huyện Minh Long. Cho nên nếu đến với huyện miền núi Minh Long được biết đến nhiều bởi những tấm vải thổ cẩm, cồng chiêng, rượu cần của người dân tộc Cor thì bạn đừng quên ghé thăm thác Trắng nhé. Một thắng cảnh tuyệt đẹp nếu bạn bỏ qua thì tiếc lắm đấy.
Bạn đến thác Trắng vào dịp lễ, tết sẽ bị choáng ngợp bởi một “biển người” rầm rồ, hồ hởi thăm thú, vui chơi, liên hoan. Nếu muốn tắm bạn cũng không có cơ hội đâu nhé! Cho nên bạn muốn thanh tĩnh, thư giãn, buông bỏ buồn phiền thì nên đến đây vào những ngày bình thường. Thác Trắng hùng vĩ, thơ mộng luôn luôn mở rộng vòng tay chào đón bạn, “an ủi”, ‘chở che”. Từ trung tâm huyện Minh Long bạn chỉ cần đi bộ 40 phút là tới với suối tóc mộng mơ tuyệt đẹp .
Ngoài ra nếu bạn muốn đắm mình trong dòng suối mát này thì sẽ có các hồ nước trong vắt nước xanh biếc nằm dưới chân thác là địa điểm tắm lí tưởng cho bạn. Nhưng lưu ý hồ nước này sâu lắm bạn ơi, nếu không biết bơi thì đừng ham hố nhé.
Núi Thiên Ấn – toàn cảnh thành phố trong tầm mắt của bạn
Với người Quảng xa quê, “đệ nhất thắng cảnh” núi Thiên Ấn là cái tên trở đi trở lại trong lòng họ mỗi khi nhớ về quê hương. Từ lâu nay, cùng với sông Trà, núi Thiên Ấn là biểu tượng của vùng đất Quảng Ngãi. Núi Ấn sông Trà Quảng Ngãi thường được nghe nhắc đến nhiều với mỹ danh “Thiên Ấn niêm hà”. Tên gọi này được cụ Nguyễn Cư Trinh (1714 – 1767) đặt lúc làm trấn phủ ở đây, tức ấn trời đóng trên sông.
Núi Thiên Ấn thực chất có độ cao bằng một ngọn đồi khoảng hơn 100 mét so với mực nước biển, nằm giữa đồng bằng huyện Sơn Tịnh ở tả ngạn của sông Trà Khúc, cách thành phố Quảng Ngãi 3,5 km về hướng Bắc. Nhìn từ phía hữu ngạn sông Trà, núi có hình thang cân tựa một chiếc ấn của trời cao niêm xuống dòng sông. Đỉnh của núi là một vùng đồng bằng khá rộng và bằng phẳng. Du khách có thể đi lên đỉnh núi bằng nhiều cách khác nhau, bằng xe máy hoặc ô tô. Con đường men lên đỉnh núi từ phía nam, đường xoắn ốc, nhưng không gây trở ngại cho các phương tiện di chuyển. Ngoài ra ở đây còn có những bậc thang, đường tắt kè đá dành riêng cho người đi bộ.
Lịch sử núi Thiên Ấn là huyền thoại gắn liền với vị thiền sư thế danh là Lê Duyệt, pháp danh Minh Hải, tự Phật Bảo, hiệu là Pháp Hóa hòa thượng, sinh năm Giáp Thân (1644) thuộc dòng thiền Lâm Tế. Vị thiền sư này lên núi Thiên Ấn, dựng một thảo am và tu thiền. Theo truyền thuyết kể lại, ngài chỉ ăn lá cây, củ rừng và uống nước trong hang để sống. Nhưng rồi nước trong hang cũng cạn kiệt, vị Hòa thượng quyết tâm đào một cái giếng nước. Với sự giúp đỡ thêm của một vị sư trẻ, hai thầy trò hòa thượng đào giếng trong vòng 3 tháng nhưng không được kết quả gì. Sau khi ngồi thiền 7 ngày 7 đêm không ăn không ngủ, tấm lòng của vị hòa thượng được Bồ Tát rung động, Bồ Tát xuất hiện và mách bảo ông hướng đào thấy nước. Khi tìm thấy nguồn nước, vị tăng sư trẻ cũng biến mất ngay sau đó. Để tỏ lòng thành kính, người ta đặt tên cho cái giếng này là giếng Phật với sự tích nước giếng không bao giờ cạn.
Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để nhìn được toàn cảnh Quảng Ngãi với một khoảng không tươi xanh, hùng vĩ. Quảng Ngãi dường như được thu nhỏ trong tầm mắt khi đứng ở đỉnh núi Thiên Ấn. Về phía tây du khách có thể nhìn thấy bức tường thành hiên ngang sừng sững giữa đất trời của rặng Thạch Bích. Phóng tầm mắt sang hướng đông có thể thấy cửa Đại Cổ Lũy, với Cổ Lũy Cô thôn và mặt biển lung linh óng ánh dưới sự soi chiếu của ánh nắng mặt trời. Trái với màu xanh ngọc bích thì hướng Bắc sẽ là màu xanh của đồng lúa xanh tươi và dãy núi Long Đầu uy nghiêm. Hướng nam là phố phường đô thị Quảng ngãi với núi Thiên Bút bồng bềnh mây trôi. Và gần nhất, không thể không kể đến cầu Trà Khúc bắc ngang sông Trà, luôn là niềm cảm hứng bất tận cho nhiếp ảnh và thi ca. Phía đông sườn núi Thiên Ấn là chùa Thiên Ấn nổi tiếng nằm giữa bạt ngàn cỏ cây và nằm dưới bóng cây cổ thụ.
Biển Mỹ Khê – bãi tắm lí tưởng, kín đáo
Với những làn sóng rì rào từ vùng nước xanh trong vỗ vào bờ cát trắng trải dài mịn màng trong không gian thơ mộng, lãng đãng mây trời, biển Mỹ Khê chắc chắn sẽ thu hút bạn ngay từ lần đầu đầu đặt chân đến. Không chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng, bãi biển Mỹ Khê còn sở hữu nét thiên nhiên hoang sơ của những cánh rừng dương xanh bát ngát chiếm trọn một phần bờ cát của cung biển uốn lưỡi liềm nên thơ.
Gần bờ biển là những xóm chài đơn sơ bình yên cùng những người dân chài xứ Quảng hiền hòa và mộc mạc. Trên mặt biển, những chiếc thuyền thúng, thuyền câu trôi lững lờ trên mặt biển êm ả như càng tô điểm thêm những nét bình dị của cuộc sống con người nơi đây vào bức tranh phong cảnh biển vốn đã vô cùng thơ mộng, nên thơ.
Đến với biển Mỹ Khê – Quảng Ngãi, không chỉ được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên của biển cả đẹp như tranh vẽ, tận hưởng không gian yên bình, hòa mình vào làn nước trong mát xua tan đi bao mệt mỏi của cuộc sống mà bạn còn có thể tổ chức cắm trại bên bờ, tổ chức những trò chơi trên biển và cùng vui đùa thích thú với người thân, bạn bè.
Đã đặt chân đến đây rồi thì bạn đừng quên thưởng thức những món ăn ngon được chế biến từ nguồn hải sản đa dạng phong phú của nguồn nước ngọt thượng nguồn sông Kinh đổ về hòa cùng vị mặn của vùng biển Mỹ Khê.
Cỗ Lũy cô thôn – thắng cảnh hiếm thấy quy tụ tất cả cảnh sông biển, núi non, làng mạc
Xa ồn ào nhân thế mà không dứt bỏ cõi đời. Ở nơi quạnh vắng nhưng chẳng để mình đơn độc. Hòa vào thiên nhiên mà không chìm khuất, u trầm. Thôn Cổ Lũy nằm cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 10km về hướng Đông, thuộc Nghĩa Phú, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Cổ Lũy cô thôn nổi tiếng gắn liền với địa danh núi và sông Phú Thọ. Hai địa danh này là thắng cảnh đã nổi tiếng từ xa xưa với quần thể đá Granit nhiều hình dáng, ngọn núi thấp cùng bóng dừa bao quanh đổ bóng xuống dòng sông phẳng lặng như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Và điều làm hấp dẫn người thưởng ngoạn chính là quang cảnh bao la, mênh mông của đồng lúa, dòng sông uốn lượn cùng dải biển dài xa tít khi đứng nhìn từ những tảng đá khổng lồ trên đỉnh núi.
Không những thế, đây còn là nơi tọa lạc của rất nhiều thành cổ của người chăm cùng với nhiều truyền thuyết có giá trị lịch sử cao được ghi lại. Tuy nhiên, đến với Cổ Lũy hôm nay ta không còn tìm lại cảnh tường thành đồ sộ của nơi được mệnh danh là án ngữ cửa biển của người Chăm, quan cảnh chỉ còn sót lại một vài di tích nhỏ đổ nát, tuy nhiên chừng đó thôi cũng đủ giúp ta cảm nhận về một vùng đất có bề dày lịch sử.
Đứng từ đỉnh núi Phú Thọ nhìn xuống, Cổ Lũy cô thôn giống như một bức tranh phong cảnh nhiều màu sắc: màu xanh của dừa pha lẫn màu trắng xóa của sóng biển, màu vàng nhạt của cát lấp lánh lung linh phản chiếu trong sắc thanh thiên của nền trời. Tất cả những sắc màu ấy đã làm cho Cổ Lũy cô thôn đẹp mơ màng quyến rũ khách tham quan. Từ xưa núi Phú Thọ và Cổ Lũy cô thôn được xem là một trong những thắng cảnh của Quảng Ngãi và là nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều thi nhân mặc khách.
Đến với Cổ Lũy cô thôn, khách tham quan không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp, nghỉ ngơi, giải trí sau ngày lao động mệt nhọc mà còn được thưởng thức nhiều món hải sản quý như tôm hùm, mực nang, sò huyết, cua, cá… đầy thú vị.
Thắng cảnh Cổ Lũy cô thôn – một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp như xưa và còn được tô điểm thêm những rừng dừa xanh ngát, những bản thuyền cùng những ngôi nhà ngói khang trang với cuộc sống nhộn nhịp sôi nổi hôm nay.
Bãi Dừa – Tư Nghĩa
Bãi Dừa – Tư Nghĩa là 1 trong những địa điểm du lịch Quảng Ngãi nổi tiếng, du khách sẽ có nhiều cơ hội thỏa thích ngắm nhìn một bầu khung cảnh bát ngát cùng với dịp thưởng thức những trái dừa nơi đây, hương vị thơm ngon cùng khung cảnh hấp dẫn sẽ đưa đẩy những tâm hồn mộng mơ trở về với tuổi thơ và những trò trơi khám phá đầy thú vị, vui nhộn.
Cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi gần 10km về phía Đông, Bãi Dừa luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các tour du lịch trong ngày cuối tuần hoặc du lịch ngày tết với một không gian nên thơ, trữ tình. Nếu bạn đang tìm kiếm sự hiện đại, náo nhiệt thì Bãi Dừa có lẽ không phải là lựa chọn hàng đầu, nhưng nếu bạn muốn quay về với thiên nhiên, lắng nghe gió hát rì rào dưới những hàng dừa xanh mướt thì bạn nên đến Bãi Dừa.
Chính vì sự đặc trưng của bãi Dừa vừa cho trái giải khát, vừa tạo bức tranh nên thơ mà Khu du lịch sinh thái bãi Dừa giữ nguyên vẹn rừng dừa hơn 200 cây. Cũng nhờ rừng dừa mà bãi bồi được giữ vững theo năm tháng, dân làng thôn Thu Xà được bình yên mỗi khi mùa mưa bão đến. Bên bãi Dừa bây giờ còn có hàng quán được bố trí theo kiểu bè nổi dọc dòng sông Vực Hồng. Sau khi tham quan trải nghiệm, khi mặt trời đứng bóng, du khách hãy ghé các bè nổi để thưởng thức các món ăn được chế biến từ cá, tôm tươi ngon.
Bãi Dừa hiện ra như bức tranh thủy mặc với những nét chấm phá nhẹ nhàng, tĩnh lặng. Bãi Dừa không chỉ là điểm dừng chân lý tưởng cho tour du lịch trong ngày mà còn là sự trở về tuổi thơ đầy tiếc nuối và thơ mộng. Nhờ có sự đa dạng và diện tích rộng lớn của những cây dừa mà nơi này bỗng chốc trở nên thu hút hơn bao giờ hết.
Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, cách TP.Quảng Ngãi 25 km về phía nam.
Khu lưu niệm được xây dựng từ ngôi nhà của ông bà Phạm Văn Nga – Phạm Thị Thuần, song thân của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Về sau, ngôi nhà này do vợ chồng ông Phạm Văn Phúng (anh cả của cố Thủ tướng) sửa sang, coi giữ. Chính tại ngôi nhà ngày, vị Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được sinh ra và trải qua những tháng ngày thơ ấu.
Từ sau khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ trần năm 2000, ngôi nhà trở thành nhà lưu niệm, đón đồng chí, đồng bào cả nước và du khách quốc tế đến viếng, thắp nhang tưởng nhớ. Năm 2006, Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định đầu tư, tôn tạo Khu lưu niệm cố Thủ tướng ở khu vực phía đông ngôi nhà cũ. Năm 2008, Khu lưu niệm hoàn thành và được đưa vào sử dụng với diện tích 2 ha, gồm các hạng mục nhà đón khách, phòng chiếu phim, nhà trưng bày, tủ sách lưu giữ các tác phẩm của cố Thủ tướng, sân vườn, đường nội bộ. Cũng trong dịp này, khu mộ của thân sinh cố Thủ tướng cùng ngôi nhà thờ họ Phạm, nơi thờ các vị tiền bối tộc họ Phạm tại làng Thi Phổ, đồng thời là nơi sống, làm việc của cố Thủ tướng những năm 1936 – 1937 (sau khi mãn hạn tù Côn Đảo) cũng được trùng tu.
Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ những kỷ vật quý báu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của cố Thủ tướng, mà còn là nơi giáo dục, bồi dưỡng truyền thống cách mạng của dân tộc, của quê hương đối với các thế hệ mai sau. Đặc biệt trong thời gian gần đây, lượng khách đến tham quan, chương trình và tìm hiểu nơi đây ngày càng tăng. Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn, giàu ý nghĩa của tỉnh Quảng Ngãi.
Thành cổ Châu Sa
Theo một thống kê mới nhất của viện bảo tàng quốc gia thì Thành Cổ Châu Sa được coi là một khu vực lưu giữ lại nhiều niệm nhất về văn hóa người Chăm Pa tại Quảng Ngãi, với nét kiến trúc độc đáo cùng một bề dày những hào sâu bao quanh, Thành Cổ Châu Sa chắc chắn sẽ là nơi du lịch rất lý tưởng cho mọi người khám phá.
Thành nằm trên tuyến quốc lộ 24B đi cảng Sa Kỳ – Dung Quất, thuộc xã Tịnh Châu, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 7 km về phía đông bắc, phía nam giáp sông Trà Khúc, bắc giáp sông Hàm Giang về cảng biển Sa Kỳ. Thành có 2 gọng thành, nối thành nội với sông Trà Khúc.
Theo các nhà khảo cổ học, thành Châu Sa là tòa thành đất có quy mô lớn và còn nguyên vẹn nhất so với thành Chămpa khác ở miền Trung Việt Nam. Đây là một trong những trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa quan trọng của vương quốc Chiêm Thành năm xưa. Các nhà nghiên cứu cho rằng người Chăm xây dựng thành Châu Sa nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những cuộc dấy loạn, quấy phá của các tiểu quốc…
Thành Châu Sa hiện vẫn còn khá nguyên vẹn. Nhiều đoạn trở thành hàng rào phân ranh, thành cổng ngõ, lối trồng cây lâu năm… của người dân trong vùng. Bất kỳ thời điểm nào trong năm, về thành cổ Châu Sa, du khách không chỉ nghe những câu chuyện sử xưa, mà còn được đắm mình trong không gian xanh, trải nghiệm cuộc sống bình yên của người dân nơi đây.
Biển Khe Hai
Nếu như đảo Lý Sơn có thiên nhiên hùng vĩ, biển Sa Huỳnh quyến rũ thì du lịch biển Khe Hai ấn tượng du khách với vẻ đẹp mộc mạc, yên bình và hiền hòa là điểm đến lý tưởng để “đi trốn” những ngày trời hè nắng nóng, oi ả.
Biển Khe Hai thuộc địa phận xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cách cảng Dung Quất khoảng 8km về hướng Tây và có vị trí gần với biển Rạng của tỉnh Quảng Nam. Bãi biển Khe Hai nằm sâu trong vịnh Dung Quất, được bao bọc bởi mũi Bàn Than và hòn Ông nên có biển lặng và gió êm.
Biển Khe Hai còn được gọi là biển Thiên Đường, bởi sở hữu phong cảnh đẹp tựa như bức tranh thủy mặc quyến rũ lòng người. Cách di chuyển tới bãi biển Khe Hai Quảng Ngãi, bạn đi theo hướng quốc lộ 1 từ thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn theo hướng Bắc khoảng 8km là tới ngã ba Dốc Sỏi. Tiếp theo, bạn đi theo hướng về cảng Dung Quất tiếp 4km rẽ theo hướng Bắc khoảng 2km, sau đó đi vào con đường đất và đi qua khu rừng dương là tới bãi biển Khe Hai.
Được ví như lưỡi liềm cùng những bờ cát trắng, bãi biển Khe Hai đang dần trở nên thu hút rất đông đảo các khách du lịch tới tham quan và khám phá. Sự mộng tưởng kỳ lạ hay những nét bình yên vô cùng dịu dàng luôn mang đến cho mọi người cảm giác khó quên về một vùng biển đẹp và rất bình yên thơ mộng.
Thời gian đẹp nhất du lịch biển Khe Hai là từ tháng 3 đến tháng 8, lúc này trời nắng đẹp, trong xanh và ít mưa bão thích hợp để thư giãn tắm biển mát mẻ, đi dạo biển ngắm cảnh.
Tóm lại, nhiều người đến thăm các thắng cảnh của Quảng Ngãi đều muốn một lần quay lại nơi đây. Nếu được quảng bá nhiều hơn chắc chắn Quảng Ngãi sẽ được biết đến với những cảnh đẹp tuyệt diệu của thiên nhiên và tạo hóa chứ không phải chỉ có những ẩm thực như quế Trà Bồng, mạch nha, don,… nữa.