Bản đồ Việt Nam là một đồ dùng học tập không thể thiếu khi chúng ta học môn Lịch sử và Địa lý. Nhờ có tấm bản đồ này, những kiến thức về tự nhiên, khí hậu, … xem thêm…sông ngòi, các tỉnh thành,… trên đất nước ta trở nên thân thuộc, sinh động và dễ tiếp thu hơn. Tuy nhiên, việc miêu tả lại tấm bản đồ Việt Nam dường như không phải là việc dễ dàng. Toplist mời bạn tham khảo một số bài văn miêu tả tấm bản đồ sau đây để chúng ta có kĩ năng viết bài tốt hơn.
Bài văn tả tấm bản đồ Việt Nam số 1
Lớp học của em là một căn phòng quét vôi màu xanh dịu. Ở gần bàn giáo viên có một tấm bản đồ Việt Nam. Chắc nó đã được treo lâu lắm rồi nên khung gỗ đã xỉn đen màu véc-ni nhưng bản đồ dường như còn mới bởi được bao bên ngoài một tấm ni lông trong suốt.
Tấm bản đồ có kích thước bằng mặt bàn giáo viên. Trên bản đồ là sự phối hợp nhiều màu chỉ các đặc điểm của mọi miền. Màu xanh nước biển là màu của biển, màu xanh lá mạ là màu chỉ đồng bằng, màu vàng chanh là màu đồi núi, cao nguyên, nét vẽ càng đậm là chỉ núi đồi rất cao… Nhờ vào sự phân biệt đó mà em dễ dàng nhận biết được một vùng của Tổ quốc.
Một nửa bên trái của bản đồ là hình đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta. Người ta nói đó là đất nước hình chữ S. Riêng em, em lại thấy nước chúng ta giống như một con rồng khổng lồ đang uốn lượn bay lên với những cái vây đầy hào quang và nhiều màu sắc. Màu nào cũng đẹp, màu nào cũng tươi. Mà địa phận mỗi tỉnh đều có hình thù rất đáng yêu.
Em nhìn thấy được màu xanh lá mạ của tỉnh Bến Tre, màu hồng phấn của thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội, màu vàng nhạt của tỉnh Quảng Bình, màu da cam của tỉnh Nghệ An, màu tím của tỉnh Cao Bằng… Trên tấm bản đồ em cũng thấy những con sông từ phía tây dãy Trường Sơn chảy ra biển. Con sông Hồng ở miền Bắc và Cửu Long Giang xòe chín nhánh phù sa màu mỡ ở đồng bằng Nam Bộ.
Nổi lên ở vùng biển Côn Đảo – Vũng Tàu là một khoang dầu. Nơi đây là nguồn vàng đen rất quý giá của Tổ quốc. Nhìn sang bên phải tấm bản đồ, em nhận thấy ngay địa phận quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được nổi lên bởi màu xanh nhạt giữa màu xanh da trời. Những hòn đảo ấy có những kí hiệu như bông hoa cúc màu đỏ. Đó chính là các đảo san hô ngũ sắc với những cánh rừng với cấu trúc tuyệt mỹ thường nằm chìm dưới mặt biển, ngàn năm nay vẫn nghe tiếng hát của biển khơi.
Những cánh rừng san hô này em đã từng xem ở ti vi. Chúng quả là những lâu đài cổ tích cho đủ loại cá đẹp đến chiêm ngưỡng và vũ hội. Người ta gọi đất nước mình là bán đảo quả không ngoa. Từ vùng Trà Cổ tỉnh Quảng Ninh chúng ta men theo bờ biển cong cong dịu dàng thon thả hình chữ S đến điểm cuối cùng của cực nam Tổ quốc là mũi Cà Mau, biển vẫn dạt dào sóng vỗ theo chiều dài trên một ngàn bảy trăm ki-lô-mét.
Biển vỗ sóng bốn bề xung quanh đảo Phú Quốc. Ở chỗ gần bờ không sâu lắm cho nên nó phủ một màu xanh nhạt. Ra xa hơn một chút màu sắc của nước biển đã đổi khác, đó là màu xanh da trời. Trong màu xanh da trời bạt ngàn ấy, màu xanh dương nổi lên như hình của Thánh Gióng đang cưỡi ngựa bay về trời. Có lẽ nơi này là nơi sâu nhất của biển Đông.
Nhìn tấm bản đồ, em cũng thấy được phía bắc nước ta tiếp giáp với đất nước Trung Quốc hùng vĩ. Qua dãy Trường Sơn là nước Lào và nước Cam-pu-chia. Tất cả các nước bạn đều được in màu xanh xanh. Ngoài cùng của tấm bản đồ được viền bằng bốn đường màu đỏ. Phần lề của nó là màu vàng chanh trông rất tươi.
Mỗi lần bước vào lớp, tấm bản đồ cứ như chào mời chúng em lại với nó. Và cứ mỗi lần đến bên, em lại bị nó thôi miên. Bao nhiêu điều bổ ích về đất nước Việt Nam… từ những đỉnh núi cao chất ngất chạm đỉnh trời cho đến những dòng sông hiền hòa vỗ sóng, từ miền cao nguyên đất đỏ với những rừng cà phê hoa trắng cho đến những vùng cát trắng gió Lào của miền Trung chỉ có cỏ, mây và những trảng cây trinh nữ… Tất cả đều gợi lên trong em một dáng hình, một thế đứng ngàn đời của nước Việt Nam thân yêu.
Bài văn tả tấm bản đồ Việt Nam số 2
Hồi đầu năm học, không biết ai đã gửi tặng mẹ tấm bản đồ Việt Nam. Mẹ cho em trang trí phòng học của mình. Vị trí mà em chọn treo tấm bản đồ lên đó ngay cạnh cửa sổ kê bàn học. Những lúc học bài xong, em thường ngước lên bản đồ tìm cái địa danh mà bố bảo là nơi chôn nhau cắt rốn của bố.
Tấm bản đồ được bố thuê thợ đóng khung và lồng vào trong một tấm mi ca nên dễ lau chùi bụi bặm mà không làm cho nó bị trầy xước. Kích thước tấm bản đồ cũng xấp xỉ bằng tấm lịch cỡ lớn. Chiều ngang độ năm mươi phân, chiều dài độ bảy mươi phân. Tấm bản đồ không chỉ vẽ hình dáng của đất nước Việt Nam mà còn về đường biên giới liên quan đến Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc.
Đất nước Việt Nam được hiện lên rất rõ nhờ vạch biên giới được in bằng màu mực đen đứt đoạn. Đúng là nó giống hệt chữ S mềm mại và duyên dáng. Các màu sắc được dùng trên tấm bản đồ phù hợp với việc phân bố địa hình trên cả nước. Những vùng xanh đậm kéo dài mãi từ cao nguyên Đồng Văn chạy dọc theo biên giới Việt – Lào cho đến tận cực Nam Trung Bộ, đó chính là dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Đồng bằng Bắc bộ, ven biển miền Trung và đồng bằng Nam Bộ được tô bằng màu xanh nhàn nhạt và hình những cây lúa. Biển Đông vùng biển bạc của Tổ quốc thì được tô màu xanh da trời rồi đậm dần ra ngoài khơi nơi có đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ở trung tâm khu vực phía Bắc nơi có đánh một vòng tròn to bằng nắp chai nước suối, ở giữa là ngôi sao năm cánh màu đỏ, đó chính là trái tim của Tổ quốc – Thủ đô Hà Nội thân yêu của chúng ta. Ở đó có quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Bác Hồ kính yêu đã đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và bây giờ là nơi Bác đang nằm yên nghỉ ở đó.
Các thành phố lớn như Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh được khoanh bằng những vòng tròn nhỏ hơn. Các thủ phủ của các tỉnh trong cả nước đều được ghi rõ lên tấm bản đồ. Chỉ cần lướt qua trên mặt bản đồ em có thể nhận ra địa danh của những vùng cần tìm.
Đây là tấm bản đồ hành chính mà hiện em đang treo ở phòng học của mình. Bố nói: ‘‘Bây giờ và cả khi con lên học cấp hai, cấp ba, tấm bản đồ này sẽ giúp con nhiều, nhất là khi học môn Địa lí Việt Nam đấy con ạ! Hãy giữ gìn cẩn thận nghe con!”
Bài văn tả tấm bản đồ Việt Nam số 3
Để thuận lợi cho việc học địa lý của anh trai em, bố đã mua cho anh một tấm bản đồ Việt Nam. Phòng học của anh trai em được sắp xếp gọn gàng, có giấy dán tường xung quanh nhưng nổi bật nhất vẫn là tấm bản đồ Việt Nam. Từ nhỏ em đã tiếp xúc với tấm bản đồ ấy và học hỏi rất nhiều từ nó.
Tấm bản đồ hình chữ nhật, to, chiều dài 80 xăng-ti-mét, chiều rộng 50 xăng-ti-mét. Bản đồ có dạng hình chữ nhật, khung của nó được làm bằng nhựa. Bốn rìa ngoài được làm thành những thanh nhựa màu đen. Dây treo bản đồ làm bằng sợi dây cước, móc bản đồ lên cái đinh mũ. Nổi bật ở giữa là hình ảnh nước Việt Nam thon thon hình chữ S.
Trên bản đồ tầm có các màu, dùng để biểu đạt sự phân bố địa hình của các vùng trong cả nước. Màu xanh lá là vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ. Màu xanh nhạt và đậm dần phía đông biểu thị độ sâu dần của biển và đại dương. Nổi bật ở giữa vùng biển ấy là biển Đông. Đằng xa kia là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Phía trên bản đồ đó là vị trí của nước Trung Quốc – Nước đông dân và giàu có thứ hai trên thế giới. Còn phía bên trái là các nước láng giềng của Việt Nam như: Campuchia, Thái Lan, Lào… Ở trung tâm khu vực phía Bắc nơi có đánh một vòng tròn ở giữa là ngôi sao năm cánh màu đỏ, đó chính là trái tim của Tổ quốc – thủ đô Hà Nội.
Các thành phố lớn như Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng hay Thành phố Hồ Chí Minh được khoanh bằng những vòng tròn nhỏ hơn. Các thành phố, tỉnh khác cũng được viết trên bản đồ một cách rõ ràng. Góc trái bản đồ, khung ghi phần chú thích các kí hiệu trên bản đồ, tỉ lệ xích của bản đồ. Đọc bảng chú thích, em hiểu được mọi kí hiệu hình vẽ trên bản đồ.
Từ khi em bắt đầu học địa lý, với sự trợ giúp của bản đồ em càng ngày càng cảm thấy yêu môn địa lý và đất nước mình hơn. Em có ước mơ có thể đưa gia đình đi du lịch khắp đất nước Việt Nam để trải nghiệm và khám phá những điều mới lạ.
Bài văn tả tấm bản đồ Việt Nam số 4
Góc học tập của em tuy hẹp nhưng xinh xắn, thoáng mát nhờ ba em đã sắp xếp rất gọn gàng và đẹp mắt. Ở các góc tường, ba tự tay trang trí hình ảnh hài hòa. Nổi bật nhất là tấm bản đồ Việt Nam được treo sát tường phía trái bàn học.
Tấm bản đồ hình chữ nhật, dài tám mươi xăng-ti-mét, rộng sáu mươi xăng-ti-mét. Bản đồ được in bằng màu mực bóng trên giấy dày láng mịn. Nó được ép nhựa, căng trong khung nhôm cẩn thận. Dây treo bản đồ làm bằng sợi tổng hợp, móc bản đồ lên cái đinh mũ, tạo thành một tam giác cân xinh xắn.
Lãnh thổ Việt Nam màu đỏ, hình cong như chữ S, nổi bật trên nền xanh nước biển của vùng Biển Đông. Trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng là các đảo lớn nhỏ như: Vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà, Cái Bầu… Phía biển Đà Nẵng là quần đảo Hoàng Sa – Việt Nam, vùng biển Khánh Hòa có quần đảo Trường Sa – Việt Nam. Đảo Phú Quốc giàu và đẹp ở cực Nam lãnh thổ nhỏ bằng hộp diêm nom thật dễ thương.
Ngay sát cạnh đó, vịnh Thái Lan với đường bờ biển lồi lõm, nhấp nhô. Phía Bắc Việt Nam giáp Trung Quốc. Biểu tượng đường biên giới trên bản đồ là những đường in đen, hình chữ I, nằm ngang ở phía Bắc, phân ranh rõ rệt Việt Nam với các tỉnh Trung Quốc. Phía Tây Việt Nam là hai nước anh em Lào và Cam-pu-chia. Vùng Biển Hồ của nước Cam-pu-chia được vẽ trên bản đồ với dòng sông Cửu Long rẽ hai nhánh lớn là sông Tiền Giang và sông Hậu Giang, chảy vào lãnh thổ Việt Nam.
Tất cả con sông trên bản đồ đều được tô màu xanh lá cây đậm. Dọc theo sườn Tây lãnh thổ Tổ quốc, dãy Trường Sơn trùng điệp được tô màu nâu đậm. Vùng núi phía Bắc với đỉnh Phan-xi-păng của dãy Hoàng Liên Sơn được ghi chú bằng một hình tam giác ghi rõ độ cao. Kế đó, uốn lượn từ biên giới phía bắc, đi vào Việt Nam là dòng Hồng Hà với đồng bằng sông Hồng.
Thủ đô Hà Nội nổi bật ngôi sao màu đỏ với lá cờ Việt Nam. Các thành phố lớn được đánh dấu bằng một chấm tròn. Em nhìn thấy thành phố thân yêu của mình: Thành phố Hồ Chí Minh cạnh con sông Bến Nghé, cảng Nhà Rồng. Màu sắc bản đồ nổi bật, rõ ràng từng nét gập ghềnh, lô nhô, lồi lõm của bờ biển duyên hải miền Trung. Việt Nam với sông ngòi và đồng bằng được ghi chú rõ ràng.
Góc trái bản đồ, khung ghi phần chú thích các kí hiệu trên bản đồ, tỉ lệ xích của bản đồ rộng độ hai bàn tay em. Đọc bảng chú thích, em hiểuđược mọi kí hiệu hình vẽ trên bản đồ và thuộc ngay bài địa lí: Thiên nhiên Việt Nam. Ba em khi treo tấm bản đồ lên tường nói vui rằng: “Con sẽ học thuộc bài Địa lí nhanh hơn. Khi nào đủ tiền, cha con mình đi du lịch từ ải Nam Quan đến biển Cà Mau.”.
Hằng ngày, ngồi học cạnh tấm bản đồ, em thêm yêu đất nước Việt Nam. Mỗi một ghi chú địa danh trên bản đồ như một nơi hấp dẫn ngọt ngào, hứa hẹn một kì du lịch thú vị. Em sẽ cố gắng học giỏi để cống hiến sức mình cho đất nước và có thể đi khắp mọi nơi trên đất mẹ.. Tấm bản đồ dường như trở thành Mẹ Tổ quốc thiêng liêng nhắc nhở em phải học tốt để vươn đến một tương lai sáng rạng.
Bài văn tả tấm bản đồ Việt Nam số 5
Trong phòng làm việc của bố, có lẽ tấm bản đồ Việt Nam là đồ vật em quý nhất.
Tấm bản đồ hình chữ nhật với chiều dài là tám mươi xăng ti mét và chiều rộng là sáu mươi xăng ti mét. Bản đồ Việt Nam được in trên tờ giấy cứng bọc một lớp nhựa trong bên ngoài để tránh nước làm hư. Đầu và đuôi tấm bản đồ là hai ống tre nẹp vào để cố định tờ giấy. Hai đầu nẹp bên trên được luồng một sợi dây cước chắc chắn tạo thành cái móc, móc vào cái đinh mà ba đã đóng trước.
Tiêu đề “BẢN ĐỒ VIỆT NAM” được in hoa to nhất, nổi bật ở phía đầu tờ giấy. Ở góc phải bên dưới tấm bản đồ là phần chú thích với diện tích vừa đủ để người đứng gần nhìn thấy. Hình đất nước Việt Nam được phóng to ngay trung tâm tờ giấy. Với dáng cong như chữ S, Việt Nam hiện ra với màu xanh lá cây nổi bật. Một bên là ranh giới biển Đông, bên kia là các nước láng giềng.
Phía Bắc ta giáp Trung Quốc,phía Tây là hai nước Lào và Campuchia. Theo chú thích, các dấu chấm đỏ lớn là các thành phố trên đất nước ta. Chấm to nhất phải kể đến là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các dòng sông được vẽ bằng mực xanh đặc trưng. Với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Trong đó, vùng biển hồ của Campuchia rẽ hai nhánh sông Tiền, sông Hậu vào Việt Nam.
Vùng núi được vẽ bằng màu xanh lá cây. Dài nhất phải kể đến dãy Hoàng Liên Sơn xinh đẹp. Thủ đô Hà Nội được đánh dấu bằng ngôi sao màu đỏ của lá cờ Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh với chấm tròn to màu đỏ. Việt Nam với đường bờ biển gấp khúc ở nhiều chỗ. Nước ta còn bao gồm các đảo như Hoàng Sa gần bờ biển Đà Nẵng, Trường Sa thuộc Khánh Hòa, đảo Phú Quốc… Phía dưới tấm bản đồ là tỉ lệ xích và các kí hiệu đồng bằng, sông ngòi,… được chú thích.
Tấm bản đồ giúp em hiểu biết thêm nhiều thứ về thiên nhiên và đất nước Việt Nam, thêm yêu tổ quốc ta. Em hứa sẽ cố gắng học giỏi chăm ngoan để có thể đi du lịch khám phá tất cả các vùng đất trên đất nước Việt Nam quê hương yêu dấu của ta.
Bài văn tả tấm bản đồ Việt Nam số 6
Lớp em có treo một tấm bản đồ Việt Nam. Hằng ngày, đến lớp học, em đều nhìn thấy tấm bản đồ đó.
Tấm bản đồ được in bằng giấy trắng rất đẹp, dài đến hơn một mét. Nhìn lên bản đồ, em thấy nước ta hình chữ S, nằm sát bên bờ biển Đông. Tấm bản đồ in nhiều loại kí hiệu và nhiều màu sắc khác nhau. Màu xanh nước biển là màu xanh của biển; màu xanh lá mạ là màu chỉ đồng bằng; mà nâu là của đồi núi… nhìn màu xanh vời vợi trên bản đồ, em như thấy tiếng lao xao, rì rầm của biển.
Em mơ ước sẽ trở thành một người lính hải quân tay cầm súng đứng hiên ngang trên mũi tàu để bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Nhìn màu xanh lá mạ của đồng bằng Bắc Bộ, em như thấy những biển lúa tít tắp tận chân trời. Mỗi tên núi, tên sông, tên địa phương,… trên khắp các miền đất nước đều nói về nguồn gốc của đất nước ta.
Theo truyện cũ của Tây Nguyên thì hồi xưa có một con chim khổng lồ đẻ ra quả trứng và từ quả trứng ấy, đất nước Việt Nam ra đời. Đất nước đã từng có Sơn Tinh đắp đê, có chị Tấm làm hoàng hậu mà vẫn trèo cây hái cau, có Thạch Sanh diệt trăn tinh về vẫn ngủ trên gốc đa, có tiếng đàn Tơ-rưng trên vùng Tây Nguyên hùng vĩ.
Trên bản đồ, thấy một kí hiệu màu đỏ, đó là Hà Nội, nơi trước kia vua Quang Trung đã dẫn quân vào thành Thăng Long để đánh đuổi giặc ngoại xâm, là nơi còn ghi lại hình ảnh của Bác Hồ kính yêu đọc bản Tuyên Ngôn độc lập ở vườn hoa Ba Đình lịch sử. Nhìn về Việt Bắc, em lại nhớ lời thơ của bác Tố Hữu: “Có Việt Bắc mồ chôn giặc Pháp”. Rồi đến Tây Bắc, có Điện Biên Phủ đã từng thấm máu các chiến sĩ. “Chín năm làm một Điện Biên – Nên cành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Đi về phía Nam, em sẽ đến sông Bến Hải, đến thành phố Huế với sông Hương trong xanh dịu hiền, đến Thành Phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng, nơi xưa kia Bác Hồ ta đi tìm đường cứu nước. Nhắc đến miền Nam, em lại nhớ tới Đồng Tháp Mười, nơi không những có vựa thóc lớn mà còn có hương sen. “Tháp Mười đẹp nhất bông sen – Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Ôi! Việt Nam! Có phải người là Mã Lương cầm bút thần vẽ cảnh giàu đẹp của Tổ quốc. Lớn lên, em ước mong sẽ là một nhạc sĩ hoặc một nhà thơ để có thể viết được những bài hát thật hay hoặc những bài thơ đẹp ca ngợi đất nước Việt Nam thân yêu.
Bài văn tả tấm bản đồ Việt Nam số 7
Không biết tấm bản đồ Việt Nam treo ở gần bàn cô giáo có tự bao giờ. Nó vẫn còn đẹp và mới lắm!
Tấm bản đồ có kích thước bằng mặt bàn của giáo viên. Trên bản đồ có ít nhất là năm màu cơ bản dùng để biểu thị sự phân bố địa hình của các vùng trong cả nước. Màu xanh nhạt và đậm dần về phía đông là màu của biển cả đại dương. Màu xanh lá mạ là vùng đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ và ven biển miền Trung. Màu gạch là màu đồi núi cao nguyên. Càng đậm bao nhiêu là địa hình càng cao bấy nhiêu.
Người ta gọi đất nước mình là bán đảo quả không sai. Từ vùng Trà Cổ tỉnh Quảng Ninh chúng ta men theo bờ biển cong cong dịu dàng, thon thả hình chữ “S” đến cuối cùng của cực Nam Tổ quốc là mũi Cà Mau, bờ biển của ta quả là dài và đẹp đến vô cùng.
Rồi biển lại tiếp tục rẽ ngoặt bao lấy địa phương tỉnh Kiên Giang. Nhìn từ Bắc chí Nam mỗi vùng đều được thể hiện một màu sắc riêng biệt. Thành phố Hà Nội màu hồng phấn. Thành phố Hồ Chí Minh màu gạch nung. Các tỉnh Bắc bộ, Nam bộ màu xanh lá mạ rồi những dòng sông lớn như Hồng Hà, Cửu Long… uốn lượn như những dải lụa màu ngọc bích đổ ra biển Đông.
Con sông Hồng chở nặng phù sa bồi đắp cho đồng bằng Bắc bộ. Và ở kia, con sông Cửu Long xòe chín nhánh bồi đắp phù sa màu mỡ cho đồng bằng Nam bộ – vựa lúa của Tổ quốc.
Tất cả đều gợi lên trong em một dáng hình, một thế đứng ngàn đời, thế đứng của một con rồng đang cất mình bay lên.
Bài văn tả tấm bản đồ Việt Nam số 8
Mỗi ngày đến trường là một niềm vui , em tung tăng cắp sách tới trường, tới lớp, được gặp bạn bè, thầy cô … Trong lớp có rất nhiều đồ vật như: bảng đen, chiếc đồng hồ treo tường… nhưng đồ vật em thích nhất trong lớp đó là tấm bản đồ Việt Nam.
Bản đồ cao khoảng hơn một mét và rộng bằng một cánh tay của em. Bên ngoài, nó được bọc một tấm ni lông mỏng để giữ bản đồ sạch hơn. Đối với mọi người, có lẽ cái bản đồ này rất xấu và cũ kĩ nhưng đối với em thì chiếc bản đồ này là vật vô giá không có đồ vật nào trong lớp sánh bằng.
Bản đồ có dạng hình chữ nhật, khung của nó được làm bằng nhựa. Bốn mép ngoài được các nhà thiết kế làm thành những thanh nhựa màu đen rất chắc chắn. Giữa các thanh nhựa đó có kẽ những đường viền thẳng băng màu trắng và xanh trông rất đẹp. Bản đồ được đặt chễm chệ trên tường là nhờ mấy chiếc đinh này được bẻ cong lại để giữ bản đồ đứng yên trên tường mà không bị ngã đè lên học sinh.
Ở giữa khung, người ta lồng vào đó một tấm giấy có vẽ bản đồ thu nhỏ rồi dán keo để nó dính chặt. Dưới bản đồ có phần chú thích giúp chúng em dễ tìm hiểu về đất nước Việt Nam thân yêu của mình. Mình đố các bạn có biết nước Việt Nam mình có hình gì nào không? À, hình chữ S đấy các bạn ạ? Bên phải được sơn một màu xanh dương rất rộng có đề chữ “Biển Đông”.
Phía trên bản đồ đó là vị trí của nước Trung Quốc, một đất nước rất nhiều dân số. Còn phía bên trái là các nước láng giềng của Việt Nam như: Lào, Campuchia, Thái Lan…. Ôi trông nó thật hấp dẫn làm sao! Vào tiết Địa lí cô hay cho chúng em xác định các vị trí của bài học trên bản đồ. Lúc nào lên bảng em cũng được cô khen là giỏi vì luôn xác định đúng vị trí của nó.
Bản đồ này là một người thành viên rất có ích của lớp Năm A chúng em. Nó luôn nhắc nhở chúng em học tập thật tốt để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp thêm. Em sẽ siêng năng giữ gìn nó để bản đồ không bị rách và lau chùi nó mỗingày để bản đồ luôn không bị bám bụi.
Em rất yêu quý và thích tấm bản đồ này. Em xem nó như một đồ vật gần gũi với em khi ở lớp. Dù còn mấy tháng nữa em sẽ rời xa ngôi trường để đến một ngôi trường mới. Em tự hứa với lòng sẽ cố gắng học thật tốt để sau này lớn lên sẽ là nhà thiết kế những đồ vật ngộ nghĩnh dễ thương làm cho cuộc sống đẹp hơn .
Bài văn tả tấm bản đồ Việt Nam số 9
“Việt Nam đất nước ta ơi,
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.
Cánh cò bay lả dập dờn,
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.”
Nhắc đến dải đất hình chữ S thân thương là gợi nhắc biết bao địa danh, bao thắng cảnh, bao con người. Từ nhỏ, em đã được biết đến những vùng miền, địa danh đó qua tấm bản đồ Việt Nam treo ở phòng khách. Bước vào cửa nhà em là tấm bản đồ sẽ hiện ra ngay trước mặt, bởi nó được đặt đối diện với cửa chính.
Tấm bản đồ bằng hình chữ nhật treo dọc, to bằng cái bảng xanh trên lớp học. Ông em đã đóng nó trong một chiếc khung gỗ màu nâu sẫm. Trên bề mặt khung khắc họa những nét chạm trổ điêu luyện. Chiếc khung này đã kẹp giữ tấm bản đồ rất vững chắc. Thoáng nhìn, tấm bản đồ rực rỡ sắc màu. Đất nước Việt Nam được in đường viền đen đậm. Mỗi một tỉnh thành, người ta tinh tế chọn cho những màu riêng, nào vàng, nào xanh, nào nâu.
Thủ đô Hà Nội màu đỏ tươi kèm theo ngôi sao vàng. Ngăn cách các tỉnh thành là đường đen nhạt. Phía bắc dải đất là đất nước Trung Quốc vàng nhạt rộng lớn. Phía tây có in lãnh thổ nước Lào, Thái Lan và Cam-pu-chia. Đặc biệt phía đông của dải đất chính là biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vùng biển được người ta in hình màu xanh. Chỉ cần nhìn ngắm tấm bản đồ thôi, chúng ta cũng có thể tưởng tượng ra cảnh sông nước mênh mông, xanh mát.
Ở góc dưới phía bên phải có một ô nhỏ hình vuông chú thích. Nhờ phần khung chú thích này, em đã biết cách tìm hiểu bản đồ, từ đó, em biết nhiều vùng núi, miền biển, con sông hay địa danh của đất nước ta. Hà Giang là nơi địa đầu của tổ quốc, mũi Cà Mau là điểm cuối cùng của nước ta ở phía Nam. Ôi! Đất nước ta vừa nhiều núi mà cũng lắm sông biết nhường nào!
Đỉnh Phan – xi – păng cao vút mù sương, dãy Trường Sơn dài vời vợi, vùng núi dọc ven Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Các dòng sông được kí hiệu màu xanh, chúng ngoằn ngoèo uốn lượn như những chú rắn tí hon đang ưỡn mình trên mặt đất. Em thích nhất là đảo và bãi biển. Chỉ cần nhìn bản đồ, em biết mình đã được đặt chân tới những đâu. Em đã được tới đảo Phú Quốc ngoài biển Đông, được tới bãi biển Sầm Sơn, bãi biển Cửa Lò ở tận miền Trung.
Ngày còn nhỏ, em thường thắc mắc tại sao trên bản đồ, khoảng cách từ Hà Nội tới những nơi du lịch gần như thế mà đi đường rất lâu. Hóa ra, bản đồ là hình ảnh thu nhỏ của đất nước mà thôi. Khi em tìm thấy khu vực Thành phố Đà Lạt, bà em bảo đó là thành phố mờ sương tuyệt đẹp và chính là nơi cô em đang sinh sống. Bà dặn em mau lớn để vào đó thăm cô và các em.
Thật tuyệt vời khi trong nhà em lại treo một tấm bản đồ đất nước Việt Nam. Có nó, cả dải đất chữ S như thu gọn trong tầm mắt. Nhìn bản đồ, hẳn ai cũng thấy yêu mảnh đất này đến lạ.
Bài văn tả tấm bản đồ Việt Nam số 10
Tấm bản đồ là một đồ dùng học tập rất quan trọng trong một Lịch sử và Địa lý. Vì thế, ở trường em, mỗi lớp có một tấm bản đồ riêng được đóng khung treo trên bục giảng cạnh bảng và bàn giáo viên.
Tấm bản đồ lớp em không to lắm chỉ bằng hai phần ba bàn giáo viên. Trên bản đồ có rất nhiều màu và kí hiệu khác nhau và nó được chú giải ở phía dưới bản đồ để mọi người có thể phân biệt các vùng miền của Tổ quốc một cách dễ dàng hơn.
Trong bản đồ có kí hiệu màu cam thể hiện vùng núi cao, màu vàng thể hiện vùng đất liền và màu xanh lá mạ thể hiện vùng đồng bằng còn xanh nước biển thể hiện vùng biển. Những mũi tên xanh đỏ đi lên, đi xuống thể hiện rõ các mùa của nước ta.
Trên bản đồ, có tên tất cả các tỉnh của đất nước ta. Không những vậy nó còn cho ta biết tỉnh đó ở kinh độ, vĩ độ nào. Em cảm thấy tấm bản đồ này rất ý nghĩa vì nó cho ta biết về vị trí của từng tỉnh thành trên cả nước mà em chưa có cơ hội đi qua. Một ngày nào đó, em sẽ đi khắp mọi miền đất nước để khám phá vẻ đẹp về khung cảnh thiên nhiên và con người trên đất nước mình.
Nước ta cong cong hình chữ S, bên trái tiếp giáp các nước như: Lào, Campuchia, Trung Quốc. Bên phải tiếp giáp với biển Đông. Vùng biển nước ta có hai quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa.
Mỗi lần nhìn lên tấm bản đồ, học sinh chúng em sẽ học tập tốt hơn môn Địa lý bởi tấm bản đồ như một đất nước được thu nhỏ lại khiến ta có thể quan sát và hiểu biết thêm rất nhiều điều. Em rất thích tấm bản đồ này vì nó có ý nghĩa lớn trong việc học tập, nâng cao vốn hiểu biết của mình. Và quan trọng, nhìn vào tấm bản đồ, em càng thêm yêu đất nước mình hơn.
Bài văn tả tấm bản đồ Việt Nam số 11
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 10 của em, bố đã tặng cho em tấm bản đồ Việt Nam. Em rất vui và thích thú với món quà đặc biệt này.
Khi bố mang về, bản đồ cuộn tròn gọn gàng, dài như ống tre màu trắng. Khi trải ra, bản đồ dần hiện ra với đúng dáng vốn có của nó. Nó có thể hình dung là một bức tranh lớn được in trên một mặt của tờ giấy A0. Bức tranh đó nổi bật với hình ảnh đất nước Việt Nam như đôi quang gánh của mẹ đang oằn mình gánh hai vựa thóc lớn đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Màu sắc trên bản đồ trông rất bắt mắt: nào là màu xanh nhạt, màu xanh da trời, màu vàng nhạt, màu vàng đậm, thỉnh thoảng có điểm xuyết màu đỏ. Bố em nói các màu sắc, kí hiệu trên bản đồ đều có ý nghĩa nhất định và chúng ta cần cẩn thận, tỉ mỉ tìm ra. Vừa nói, bố em vừa chỉ vào khung chú giải đặt phía dưới tấm bản đồ với rất nhiều kí hiệu đủ hình dạng, màu sắc khác nhau kèm đó là lời chú thích, quả là thú vị!
Phía trên đầu bản đồ ghi to, rõ ràng dòng chữ màu đen: “Bản đồ tự nhiên Việt Nam”. Phía cuối lại ghi tỉ lệ bản đồ cùng với các con số nhỏ nhỏ, xinh xinh xếp hàng đều nhau. Sợ bản đồ bị nhàu nát, bố đã dán lại và làm một khung treo ngay ngắn tấm bản đồ lên góc học tập nhỏ của em.
Em rất thích tấm bản đồ này, hằng ngày em sẽ xem nó thật kĩ càng để có thể khám phá hết những điều thú vị mà bản đồ mang lại.
Bạn thích bài viết nào trong những bài văn tả tấm bản đồ Việt Nam ở trên ? Hi vọng qua bài viết này, bạn đọc có thể chọn lọc được chi tiết miêu tả, sắp xếp từ ngữ, câu văn giàu hình ảnh để bài viết chất lượng nhất. Chúc các bạn thành công.