Miền Bắc – Điểm hẹn du lịch hấp dẫn đối với mỗi du khách trong nước và quốc tế. Nếu bạn muốn ngắm nhìn thiên nhiên với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ hãy lên vùng … xem thêm…núi Tây Bắc nơi có Sapa lành lạnh sương mù, cao nguyên Mộc Châu với những đàn bò sữa trên cỏ non, hay mùa lúa chín vàng ruộng bậc thang Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái. Nếu bạn muốn ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình hãy đến Vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh với hàng ngàn đảo lớn nhỏ nhấp nhô… Cùng với việc khám phá những điểm đến nổi tiếng đó thì ta có thể thỏa sức đắm chìm trong các lễ hội văn hóa ẩm thực và thưởng những đặc sản nổi tiếng nơi đây. Hãy cùng Toplist tìm hiểu top 15 đặc sản ngon nhất miền Bắc Việt Nam qua bài viết dưới đây nhé!
Thịt trâu gác bếp Tây Bắc
Thịt trâu gác bếp còn được mọi người gọi dưới cái tên khác là là thịt trâu khô, thịt trâu hun khói, hoặc thịt trâu sấy. Đây là món ăn truyền thống của dân tộc Thái nhưng hương vị tuyệt vời cũng như việc sản xuất bảo quản phù hợp với bà con miền núi cao Tây Bắc nên món này đã trở lên phổ biến trong đông đảo cộng đồng các dân tộc.
Phần thịt trâu được lựa chọn vô cùng kỹ lưỡng, đem ướp với các loại gia vị ớt, hạt tiêu rừng, gừng,.. sau đó sẽ được đem đi hun khói bằng than, củi. Chính với hương vị đậm đà khó quên cùng với mùi thơm hấp dẫn, thì thịt trâu Tây Bắc đã chinh phục được đông đảo thực khách từ miền núi đến miền xuôi và nó dần trở thành một món ăn phổ biến của mọi nhà.
Ưu điểm dễ vận chuyển nên thịt trâu gác bếp không chỉ là món ngon cho gia đình mà nó còn được phát triển thành món quà độc đáo, ý nghĩa dành tặng người thân, bạn bè trong những dịp đặc biệt. Nhất là vào dịp Tết đến, xuân về mọi người quây quần bên nhau vừa ăn vừa uống vừa nói chuyện, nó như là một mồi nhậu khoái khẩu của các bạn trẻ.
Bánh đậu xanh Hải Dương
Vào thế kỷ XX, tại tỉnh Hải Dương, bánh đậu xanh đã sớm trở thành món ăn đặc trưng nhất của Hải Dương. Chiếc bánh nhỏ xinh lại chứa đựng trong nó biết bao tấm chân tình nồng hậu của người làm bánh, những hương vị thuần túy của vùng đất xứ Bắc Kỳ mà khi ăn dù chỉ một lần cũng đủ để nhớ mãi không quên.
Bánh đậu xanh nơi đây được làm từ bột đậu xanh nguyên chất, trộn chút nước cốt dừa, hương vani, đường tinh luyện,… hương thơm thuần khiết không vướng mùi hương liệu công nghiệp. Bánh thường được chia ra thành những hình vuông nhỏ nhắn vừa ăn.Thưởng thức bánh ngon nhất là khi bạn kết hợp với trà xanh Thái Nguyên. Nhấp một ngụm trà thanh mát quyện với vị béo ngậy dậy hương của bánh đậu xanh quả thực không điều gì có thể sánh được.
Hiện nay, bánh đậu xanh Hải Dương đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước, với rất nhiều tên tuổi như: bánh đậu xanh Nguyên Hương, Minh Ngọc, Hoà An, Bảo Long, Gia Bảo… và trở thành món quà đặc sản không thể bỏ qua khi du khách đặt chân về vùng đất Hải Dương này.
Chả cá Lã Vọng
Vào những năm thời kỳ Pháp thuộc, ở số nhà 14 Hàng Sơn có một gia đình họ Đoàn sinh sống, họ thường lấy nhà mình làm nơi cưu mang nghĩa quân Đề Thám. Chủ nhà hay làm một món chả cá rất ngon đãi khách, lâu dần thành quen, những vị khách ấy đã giúp gia đình mở một quán chuyên bán món ăn ấy, vừa để nuôi sống gia đình, vừa làm nơi tụ họp. Lâu dần, chả cá Lã Võng được gọi thành tên phố.
Trong nhà hàng luôn bày một ông Lã Vọng – Khương Tử Nha ngồi bó gối câu cá – biểu tượng của người tài giỏi nhưng đang phải đợi thời. Vì thế khách ăn quen gọi là chả cá Lã Vọng, ngày nay trở thành tên nhà hàng và cũng là tên của món ăn. Bí quyết làm chả cá chỉ truyền lại cho người con cả họ Đoàn.
Cá được sử dụng ngon nhất ở đây là cá lăng tươi vì loài cá này ít xương, có độ ngọt thịt cao và thịt rất thơm. Cá lăng sau khi được sơ chế sẽ đem ướp với gia vị rồi đem nướng trên than hoa và rán lại trong chảo dầu. Chả cá sẽ được kèm với bún, mắm tôm rất đặc trưng. Chả cá Lã Vọng mang một hương vị rất riêng không đâu có được nên nếu ai có dịp đến thăm Hà Nội thì nhất định không thể bỏ qua món ăn tao nhã này.
Phở bò Nam Định
Đã từ lâu, phở bò Nam Định đã trở nên quen thuộc với mọi người không chỉ trên quê hương Nam Định mà còn ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Gần như phở bò Nam Định đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, trong khi phở Hà Nội có vị thế tại thủ đô thì phở Nam Định cũng không hề thua kém gì phở Hà Nội. Nhưng phở Nam Định có nguồn gốc, xuất xứ riêng và đặc điểm khác biệt không thể lẫn với phở của vùng khác được.
Phở bò Nam Định với hương vị riêng là một phần không thể thiếu trong văn hóa phở Việt Nam. Có nhiều tài liệu cho rằng phở xuất phát đầu tiên tại Nam Định ngay sau khi có nhà máy Dệt Nam Định, những gánh phở cũng xuất hiện. Đó là những gánh phở rong của người làng Vân Cù – Nam Định. Họ đã nghĩ ra một món ăn đêm để phục vụ thợ thuyền của khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam là những công nhân dệt. Ngày này, phở Nam Định khá nổi tiếng trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Một tô phở bò Nam Đình nóng hổi với miếng bò mềm, sợi phở dai dai, nước dùng thì ngọt thanh chắc chắn sẽ khiến ai ăn rồi nhớ mãi. Bạn nên ăn kèm cùng chút ớt chưng và rau sống để thâm đậm đà hương vị hơn.
Bún cá Hải Phòng
Xứng danh ẩm thực đất cảng, bún cá Hải Phòng mang đậm hương vị biển hòa lẫn với hương vị đồng quê làm say mê bao thực khách. Bún cá Hải Phòng được chế biến từ hai loại cá chính đó là cá biển và cá đồng, cá thu ở biển dùng để làm những miếng chả thơm ngon, còn cá trôi, cá trắm ở đồng thì được rán vàng, giòn.
Cá thu được xay nhuyễn, viên cùng thì là, thêm chút bột nghệ nên sau khi rán, chả sẽ thơm mùi thì là hòa quyện với vị cá và có màu vàng sậm nom rất đẹp mắt. Còn cá trôi, hoặc cá trắm thì được làm sạch, ướp gia vị đầy đủ rồi mới đem rán, sau đó để ráo dầu.
Nét tinh tế của bún cá Hải Phòng thể hiện rõ nhất là ở miếng cá đồng, thịt ngọt lại không tanh. Nước dùng phải được ninh bằng xương ống lợn với nước luộc xương cá biển mới ngọt và có mùi đặc trưng. Món bún cá Hải Phòng không thể thiếu dọc mùng và được ăn kèm cùng với rau sống. Rau sống để ăn chung với bún cá phải có đủ rau muống chẻ, hoa chuối thái nhỏ cùng một số loại rau thơm khác thì mới làm nên đúng vị của bún cá nơi đây.
Bát bún cá Hải Phòng khi hoàn thành có màu vàng của chả cá, cá rán, màu xanh thấp thoáng của dọc mùng, màu đỏ của tương ớt trên màu trắng tinh của bún ngập trong nước dùng trong veo đang bốc khói.
Chả mực Hạ Long
Chả mực có lẽ không đâu ngon bằng chả mực Hạ Long – Quảng Ninh, một thương hiệu chả mực nức tiếng xa gần trong và ngoài nước. Chả mực Hạ Long là một trong những món ngon nổi tiếng khắp dọc miền đất nước, món ăn đậm đà hương vị biển, rất nhiều thực khách yêu thích bởi sự dai, giòn và thơm ngon của mực nguyên chất.
Nguyên liệu để làm chả cũng được chọn lựa kỹ càng trước khi đem ra chế biến. Mực được chọn là những con mực mai loại to, còn tươi sống đem sơ chế sạch rồi giã bằng tay mà không hề sử dụng bất kì một loại máy móc nào. Món chả mực với vị béo ngọt và mùi thơm hấp dẫn khó ai có thể cưỡng lại được.
Cách dùng những miếng chả mực thơm ngon rất đơn giản, vừa tiện dụng lại không cầu kỳ. Với chả nóng quý khách chỉ thả vào dầu đun sôi, khi ăn thì chấm với mắm hạt tiêu hoặc tương ớt. Với những gói chả mực lạnh đóng gói, thực khách nên giã đông và chiên lại. Những miếng chả mực thơm ngon đặc biệt sẽ làm cho quý khách mãi không quên với một hương vị đặc trưng của biển nên mới có câu: “Chả mực giã tay, ngon say lòng người”.
Nem nắm Giao Thủy
Theo một số tài liệu cổ còn để lại, khi nhà Trần chọn phủ Thiên Trường làm kinh đô thứ hai, các làng nghề được hình thành và của ngon vật lạ cả nước đổ về đây để tiến vua. Món nem nắm Xuân Thủy (Giao Thủy) là một đặc sản đã được dân tiến lên vua Trần và phát triển từ thời kỳ này.
Đến nay, nem nắm Xuân Thủy được coi là món đặc sản của người dân Nam Định. Món ăn này đã có mặt hầu hết tại thành phố Nam Định và các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình. Ngoài ra còn nổi tiếng ở một số xã như xã Giao An, Giao Thanh, Giao Tiến làng Hoành Nha, xã Xuân Kiên, Xuân Tiến làng Kiên Lao…
Nem nắm có ở nhiều nơi với nhiều cách chế biến nhưng để nem đi vào cả câu ca dao “tay cầm bầu rượu, nắm nem” thì đó đích thị chỉ có thể là nem nắm Giao Thủy – Nam Định. Nem làm bằng thịt nạc mông ngon của con lợn khỏe mạnh không nuôi cám tăng trọng. Thính nem cũng phải làm từ loại gạo tám thơm Hải Hậu để giữ được vị thơm ngon đặc trưng của vùng đất lúa sông Hồng không nơi đâu có được.
Bánh cáy Thái Bình
Bánh cáy là một loại bánh dân gian từ thời xa xưa của vua Lê – chúa Trịnh. Và người làm ra loại bánh này là một người phụ nữ làng Nguyễn tại Thái Bình. Theo đó mà bánh cáy qua bao nhiêu năm tháng vẫn được lưu truyền và giữ được hương vị đến ngày nay.
Bánh cáy Thái Bình có nhiều màu sắc. Người ta chọn loại nếp ngon (nếp cái hoa vàng), mang hạt rang lên thành bỏng rồi giã thành bột, vê tròn thành quả. Quả được thái thành những thanh nhỏ bằng ngón tay, tẩm gấc thành con cái đỏ, tẩm quả dành dành thành con cái vàng, rồi đem rán mỡ giòn tan cộng với mạch nha làm từ mầm lúa ngọt và mát, mứt dừa, vừng, lạc rang thơm tróc vỏ.
Cả nồi mạch nha được nhào trộn với những nguyên vật liệu trên cùng những hạt bỏng trắng tinh, đun vừa lửa đến độ dẻo cần thiết, bánh mềm, đem lèn chặt trong những chiếc khuôn bằng gỗ hình chữ nhật được lót thêm vừng, lạc, mứt dừa. Khi bánh nguội, dóc khuôn lấy ra cắt thành những thanh nhỏ, đóng hộp. Trên ban thờ ngày xuân, những hộp bánh cáy được xếp bên những bánh chưng, bánh dày, mâm ngũ quả… là những thứ không thể thiếu của người Thái Bình.
Thắng cố Bắc Hà
Thắng cố hay còn gọi là “thảng cố” có nghĩa là “canh xương”, là món ăn truyền thống của người Mông từ hàng trăm năm nay. Mỗi dân tộc, vùng miền lại có nguyên liệu, công thức nấu khác nhau mang đặc trưng của từng dân tộc, vùng miền. Tuy nhiên, thắng cố ngon nhất vẫn là thắng cố ngựa ở vùng Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa (Lào Cai), quê hương của món ăn độc đáo này.
Để làm ra món thắng cố rất đơn giản nhưng để làm nên món thắng cố “ngon đúng điệu” thì cần phải có những bí quyết cũng như kinh nghiệm riêng. Gia vị truyền thống để tạo nên món ăn đặc sản, làm say lòng du khách mỗi dịp đến đây bao gồm thảo quả, quế chi, hoa hồi, lá chanh, gừng, sả… cùng nhiều gia vị bí truyền khác.
Món thắng cố chuẩn vị Bắc Hà ngon nhất vẫn là món thắng cố ngựa. Ngựa sau khi mổ sạch sẽ, tất cả lục phủ ngũ tạng sẽ được chặt nhỏ thành từng miếng vừa ăn rồi tẩm ướp với các loại gia vị khoảng chừng 30 phút. Trên bếp lửa rực hồng, một cái nồi cỡ lớn đặt sẵn. Cho tất cả các nguyên liệu đã được tẩm ướp trước vào nồi rồi xào lăn theo kiểu “mỡ nó rán nó”. Đợi vài phút cho miếng thịt hơi săn lại người ta đổ nước vào nồi (hoặc chảo lớn) và cứ thế ninh nhừ vài tiếng đồng hồ sẽ được món thắng cố ngon đúng điệu.
Cá kho làng Vũ Đại
Vào mỗi dịp tết đến xuân về, người dân miền Bắc Bộ thường sử dụng cá kho làng Vũ Đại. Xuất hiện từ khoảng vài chục năm về trước, người dân làng Vũ Đại (Hà Nam) đã nghĩ ra cách kho cá này để bảo quản được lâu, dùng dần trong cả tháng mà vẫn luôn đảm bảo vị đậm đà.
Quá trình chế biến công phu và mất nhiều thời gian tuy nhiên đổi lại bạn sẽ có một nồi cá kho ngon đúng điệu. Thịt cá săn lại, thấm đẫm gia vị, xương mềm rục có thể nhai nát, mùi thơm nức, không hề bị tanh, bạn hoàn toàn có thể đưa món cá kho làng Vũ Đại vào bữa cơm của gia đình mình để mọi người được tận hưởng hương vị đậm chất ẩm thực Bắc Bộ.
Cá kho là món ăn khá quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình Việt. Nhưng để có một tô cá kho ngon chính hiệu với các tiêu chí thịt cá chắc, xương nhừ lại dậy mùi thì khó nơi đâu có thể sánh được với niêu cá kho làng Vũ Đại.
Món cá này được kho bằng cá trắm đen, kho bằng niêu đất trong suốt 10 – 15 giờ đồng hồ. Dưới niêu cá là một lớp giềng giúp cá át đi mùi tanh và tránh cá bị cháy khi kho trong nhiều giờ. Cá kho ngon đúng điệu khi khúc cá có màu nâu sậm, thịt mềm, xương tan ngay trong miệng khi ăn mà không hề bỏ đi một chút nào.
Bánh chưng đen Hà Giang
Lâu nay chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh chiếc bánh chưng xanh truyền thống. Nhưng đã bao giờ các bạn nghe nói đến bánh chưng đen? Đó là loại bánh chưng đặc biệt của người Tày ở Hà Giang. Những ngày Tết, trên bàn thờ cúng gia tiên của người Tày lúc nào cũng có loại bánh chưng đặc biệt này với lớp gạo nếp màu đen bóng rất lạ và đẹp mắt.
Nguyên liệu làm bánh được chọn lọc kỹ lưỡng từ gạo nếp cái hoa vàng, những hạt gạo chắc mẩy, đảm bảo độ dẻo cho bánh. Thịt lợn là lợn đen được bản làng nuôi trong núi, mỡ nạc kết hợp béo ngậy. Vị thơm của đỗ xanh cùng với chút ngậy béo của thịt mỡ quyện chung với hương vị của lá rong núi rừng Tây Bắc đặc biệt không thể bỏ qua xoan muối – nguyên liệu chính tạo nên màu đen đặc trưng của bánh.
Món bánh chưng đen của người Tày nơi đây dường như đã trở thành một tinh hoa đặc biệt. Bánh chưng đen vừa là một món ăn vừa là một phong tục mang nét đẹp không thể thiếu trong những ngày lễ và đặc biệt là Tết nơi đây. Không còn đơn thuần chỉ là một món ăn, bánh chưng đen còn được coi như là một biểu trưng của văn hóa vùng miền nơi này.
Cá thính Phú Thọ
Phú Thọ là vùng đất có nhiều sông suối, ao hồ nên từ lâu cá đã trở thành một món ăn quen thuộc của mảnh đất này. Ngoài các cách chế biến thông thường như cá kho tương, kho trám, cá rán, nấu canh chua… người dân nơi đây còn tinh tế chế biến ra một món ăn độc đáo là cá thính. Cách chế biến này không những tạo nên một món ăn có hương vị độc đáo mà còn giúp bảo quản cá mỗi khi người dân đánh bắt được nhiều. Với phương thức gia truyền truyền từ đời nay sang đời khác, cá thính đã trở thành một món đặc sản của mảnh đất trung du không biết tự bao giờ.
Để làm được một mẻ cá thính thơm ngon phải đòi hỏi sự kì công, tỉ mỉ, khéo léo và tinh tế của người làm ra nó. Khi cá được bắt về, người ta mổ cá, để nguyên vẩy, làm sạch phía bụng cá và thái vừa miếng, sắt đôi cho miếng cá mỏng để dễ ngấm gia vị. Sau đó, dùng thính đã xay mịn trộn vào cá đã ướp muối và xếp cá vào chum hoặc vại. Cuối cùng, úp ngược lọ xuống một cái chậu đựng nước muối sao cho “vung” mo cau không chạm vào nước. Để khoảng 3 tuần có thể mang ra ăn được.
Muốn cá thính thơm ngon hơn, người ta cho thêm vài lá ổi vào cùng. Sau một thời gian, lấy cá ra cạo sạch thính cũ và cho thính mới vào. Miếng cá phải khô, chặt thịt, thơm dậy mùi thính và lá ổi mới đạt yêu cầu. Cá thính để càng lâu càng ngon hơn.
Rượu cần Hòa Bình
Rượu cần của người dân Mường thuộc tỉnh Hòa Bình là một loại đồ uống truyền thống được sản xuất theo kinh nghiệm bí truyền và trở thành đặc sản của vùng đất này. Rượu cần được sử dụng trong những dịp lễ hội, ngày Tết cổ truyền hoặc đám hiếu hỷ đông người tham dự ở các bản làng đồng bào Mường. Ngày nay, với phát triển của xã hội, rượu cần đã được biết đến nhiều hơn, rộng rãi hơn và trở thành một thức uống được mọi người khắp nơi ưa chuộng.
Nguyên liệu chính (cái rượu): Cái rượu được làm từ những loại ngũ cốc thông dụng như ngô (bắp), sắn (khoai mì), gạo nếp, gạo tẻ, hạt ý dĩ, hạt bo bo, hạt cào (một loại cỏ), kê… Mỗi loại cho một hương vị ngọt ngào riêng. Chum, hũ, bình, chóe, ché (còn gọi là ghè) đựng toàn bộ nguyên liệu đã ủ men. Trước đây người Ê Đê thường dùng các loại ché Tuk, ché Tang màu da lươn là những loại ché quý dùng trong dịp lễ lớn nhưng hiện nay họ chỉ dùng các loại ché thường như ché ba. Các cần tre, trúc dài cỡ một mét, được hơ lửa vuốt thẳng ra và đục thông ruột sau đó lại được uốn cong đẹp mắt.
Tôm chua Ba Bể
Tôm chua Ba Bể là món ăn ngon và nổi tiếng của vùng đất Khang Ninh – Ba Bể. Tôm được chọn là tôm còn tươi đem về nhặt sạch râu, rửa sạch để ráo và xóc qua với muối. Gạo nếp phải chọn loại nếp nương hạt tròn đều đem đồ chín rồi trộn với men lá, thêm tỏi, ớt, riềng mỗi thứ một ít đập dập thái chỉ. Sau đó trộn đều tôm, xôi và các loại gia vị vào hũ và đậy kín. Sau một thời gian, tôm ngấm đủ gia vị và lên men sẽ rất thơm, mềm có vị chua ngọt riêng khiến mọi người khó có thể chối từ.
Hồ Ba Bể và vùng phụ cận sông Năng có khá nhiều tôm tép thiên nhiên nên tôm chua là một món ăn rất được người dân nơi đây ưa chuộng. Tôm chua Ba Bể khác với tôm chua vùng biển hay xứ Huế với vị ngọt gắt của đường, chua cay nồng nàn của ớt giềng, tôm chua vùng hồ Ba Bể cũng vị ngọt, chua, cay nhưng lại tự nhiên, hương vị ngọt dìu dịu, chua thanh, hơi cay cay nhưng lại rất đậm đà, riêng biệt.
Tôm chua Ba Bể bạn có thể ăn kèm với thịt luộc, rau sống hay thậm chí chỉ cần ăn với cơm là đã có thể cảm nhận hết được vị ngon của món ăn này rồi.
Bánh ngải Lạng Sơn
Bánh ngải cứu là một món bánh truyền thống của dân tộc Tày – Lạng Sơn. Nguyên liệu chính để làm nên món bánh này là lá ngải cứu và lúa nếp nương. Trải qua các công đoạn chế biến cầu kì như luộc lá ngải với nước vôi, xao lá đến đồ xôi…
Bánh ngải cứu thành phẩm sẽ có màu xanh ngọc dịu mát, có hương vị thơm dẻo của bột nếp. Đặc biệt, bánh ngải sẽ không còn vị đắng, khi ăn người ta sẽ cảm nhận được vị bùi ngọt ngào của nhân vừng hòa trong sự mềm dẻo, thơm ngon của bánh.
Bánh ngải thuộc món bánh chay, tuy được làm từ gạo nếp nhưng rất dễ ăn, mát, không ngấy. Bánh có mùi thơm, dẻo của gạo nếp, vị của lá ngải, vị ngọt của đường và mùi thơm lừng của hạt vừng hòa quyện vào nhau. Nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không thể quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Ngoài ra, bánh ngải còn có khả năng chữa được một số bệnh vì lá cây ngải cứu (còn gọi là ngải diệp) có vị đắng, cay, tính hơi ấm có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, an thai, cầm máu.
Ẩm thực Việt Nam rất phong phú, bài viết trên mới mang tính chất đại diện cho những món đặc sản miền Bắc mà vẫn còn khá nhiều loại đặc sản khác chưa được nhắc tới. Toplist sẽ giới thiệu tới các bạn nhiều món ăn ngon cũng như đặc sản ngon nhất của miền Bắc trong những bài viết sau.