Lạng Sơn là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc với vô vàn những danh thắng tuyệt đẹp và hàng trăm những ngôi đền, ngôi chùa lớn nhỏ mà khi bạn đi du lịch … xem thêm…không thể bỏ lỡ. Ghé đến đây và khám phá các đền chùa tại Lạng Sơn để có thêm thật nhiều hiểu biết. Hàng năm, nhất là tháng giêng, Lạng Sơn thường đón nhiều khách vãn cảnh và cầu an cầu tài ở những ngôi chùa, ngôi đền nổi tiếng linh thiêng này. Hãy cùng Toplist tìm hiểu về những ngôi đền, chùa đẹp và linh thiêng nhất xứ Lạng qua bài viết dưới đây bạn nhé.
Đền Bắc Lệ (Đền Mẫu Thượng Ngàn)
Đền Bắc Lệ là một trong những ngôi đền cổ kính bậc nhất tại Lạng Sơn, nơi những tán cây xum xuê tỏa bóng rùm lấy ngôi đền hàng trăm tuổi. Trải qua thăng trầm của lịch sử, của thời gian nhưng ngôi đền vẫn hiên ngang, vững chãi và là điểm đến tâm linh dành cho du khách tứ phương. Đền Bắc Lệ nằm tại xã Tân Thanh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn và nằm cách trung tâm thành phố Lạng Sơn khoảng 80km. Để đến được nơi đây, bạn phải vượt qua một con đường bằng đất đỏ dài hơn 10km từ trung tâm thị trấn Hữu Lũng. Nơi đây là một quần thể kiến trúc nằm trên một ngọn đồi cao, phía bên dưới là những rặng cây xanh mát tỏa bóng không dưới hàng trăm tuổi. Đền là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn – nữ thần núi. Nhân dân nơi đây quan niệm rằng bà là người trông coi và ban phát nguồn tài sản quý giá cho con người từ núi rừng.
Đến với đền Bắc Lệ Lạng Sơn, du khách như được hòa mình vào không gian của núi rừng. Với kiến trúc 3 gian: Đệ Nhất – Đệ Nhị – Đệ Tam (cung cấm), ngôi đền có diện tích đến 126m2. Phía trước đền là một cổng Tam quan được xây dựng rất lớn để đón chào tất cả du khách thập phương. Sau nhiều lần tu sửa, ngôi đền vẫn giữ được những nét đẹp như ban đầu. Đền chính có cấu trúc chữ Đinh gồm tiền tế và hậu cung. Nhà tiền tế có phần mái được thiết kế với tượng long chầu lưỡng nghi tượng trưng cho trời đất, âm và dương để thể hiện sự hài hòa của vạn vạn vật trong tự nhiên. Lễ hội đền Bắc Lệ Lạng Sơn là một trong những lễ hội lớn tại Lạng Sơn, được tổ chức trong vòng 3 ngày từ ngày 18 đến hết ngày 20 tháng 9 âm lịch hàng năm. Lễ hội bao gồm nhiều phần lễ quan trọng phải kể tới là lễ tắm ngai, lễ chính tiệc, lễ rước… Mỗi năm cứ đến mùa lễ hội, đền lại thu hút hàng ngàn lượt khách từ khắp nơi ghé tới tham quan.
Địa chỉ: Xã Tân Thanh, Hữu Lũng, Lạng Sơn.
Đền Mẫu Đồng Đăng
Đền Mẫu nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng thuộc huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn, cách cửa khẩu Hữu Nghị 4km. Đây là ngôi đền lớn có giá trị đặc biệt về kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử, là nơi nhân dân các dân tộc trong tỉnh, du khách trong nước và quốc tế đến để thờ cúng, sinh hoạt văn hóa tâm linh, nguyện cầu sự che chở của các đấng linh thiêng cho cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, qua đó gắn kết tinh thần cộng đồng và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đền Mẫu Đồng Đăng hay “Đồng Đăng linh tự” là một ngôi đền cổ kính uy nghi nằm trên đỉnh núi. Người đến lễ thường cầu xin sự chở che của các đấng linh thiêng, cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cầu sức khỏe và sự may mắn. Ngày nay đền Mẫu Đồng Đăng không đơn thuần chỉ là nơi cúng bái tâm linh mà còn là một điểm đến dừng chân của khách du lịch khi đến thăm vùng đất địa đầu phía bắc của Tổ Quốc.
Từ xa xưa, nơi đây là một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng. Đồng Đăng linh tự gồm có 5 gian thờ: Phía trong cùng là Tam bảo, nơi thờ Phật Chuẩn Đề và Phật bà Quan Âm, gian kế tiếp phía ngoài là Tam tòa Thánh mẫu, nơi thờ Mẫu đệ nhất Thượng thiên, Mẫu đệ nhị Thượng ngàn và Mẫu đệ tam Thoải phủ; tiếp theo là gian thờ Sơn trang gồm Chúa Thượng ngàn ở giữa, hai bên là Chầu Mười Đồng Mỏ và Chầu Chín; gian giữa chính điện ngoài cùng thờ Chúa Liễu, hai bên là Chầu Bơ và Chầu Lục, gian bên trái thờ Chầu đệ tứ Khâm sai, ngoài ra còn thờ quan Trần Triều Đức Đại Vương, các thánh cô, thánh cậu… Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng giêng, tại đền Mẫu lại diễn ra lễ hội đầu xuân của các dân tộc xứ Lạng. Lễ hội Đồng Đăng trước đây được gọi là hội Lồng Tồng (xuống đồng). Trong lễ hội có các trò chơi như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu thể dục thể thao. Đến với nơi đây, du khách còn được đắm mình trong văn hóa tâm linh, thắp hương cầu mong sức khoẻ, cầu tài, cầu một năm phát lộc, cầu cho quốc thái dân an.
Địa chỉ: Thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn.
Chùa Tam Thanh
Được mệnh danh là “Đệ nhất bát cảnh xứ Lạng”. Chùa Tam Thanh Lạng Sơn từ lâu là một địa chỉ du lịch tâm linh ấn tượng bởi vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ như chống bồng lai, một không gian tuyệt vời giữa thiên tạo và ước vọng của con người. Chùa Tam Thanh tọa lạc bên trong núi đá, còn gọi là động Tam Thanh thuộc thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Theo sử liệu, chùa được xây dựng từ thời nhà Lê. Ngày nay nhiều dấu ấn lịch sử được thể hiện một cách khá rõ nét trên nhiều di tích của chùa. Tên gọi Tam Thanh chỉ quần thể gồm ba hang động Nhất Thanh, Nhị Thanh và Tam Thanh. Chùa Tam Thanh được xây dựng trong động Tam Thanh nên chùa được lấy tên theo động. Trên nền trời mây phủ quanh năm, giữa trùng điệp núi non hiểm trở. Sự hùng vĩ của đất trời biên cương càng làm cho chốn tâm linh trở nên huyền ảo, diệu kỳ và nhuốm màu sắc tâm linh.
Động Tam Thanh nằm tựa mình vào dãy núi có hình đàn voi nằm phục trên thảm cỏ xanh. Cửa động hướng về phía Đông, được những hàng cây cổ thụ bao phủ, che chắn như một án bình phong trấn giữ trước cửa thiền. Bên trong chùa có nhiều dấu ấn văn hóa – lịch sử được thể hiện rõ nét qua nhiều bài thi, phú của các bậc tiền nhân. Điều đặc biệt ở chùa Tam Thanh không chỉ có là nơi thờ tôn tượng Thích Ca và chư Phật. Trong thời kỳ Tam giáo đồng nguyên, có lúc, chùa còn là nơi thờ Khổng Tử và Lão Tử – hai bậc minh triết của Nho giáo và Đạo giáo. Đây có lẽ là điều hiếm có ở bất kỳ một ngôi chùa nào ở Việt Nam. Cảnh đẹp của tạo hóa cùng với bàn tay của con người luôn ước vọng vào những điều tốt đẹp. Chùa Tam Thanh Lạng Sơn – bình dị mà thoát tục, gần gũi mà thanh cao, khiêm cung mà uy vũ.
Địa chỉ: Thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Chùa Thành
Chùa Thành có tên chữ là Diên Khánh tự – có nghĩa là tích điều thiện để có phúc truyền cho đời sau) được biết đến là ngôi chùa cổ bề thế, có kiến trúc nghệ thuật tín ngưỡng, tôn giáo dạng nội công ngoại quốc. Chùa được xây dựng từ khoảng thế kỷ XV, trước kia thuộc Châu Ôn và có tên là Hương Lâm Tự. Năm 1796, chùa được trùng tu và đổi tên thành Diên Khánh Tự. Năm 1993, chùa được xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia. Tương truyền, khi xưa, mỗi lần các sứ thần của hai nước Việt Trung qua lại thì đều vào chùa dâng hương lễ Phật, cầu nguyện bình an, trước khi qua sông đem theo sứ mệnh của mình cho công tác bang giao. Cuối năm 2007, Chùa Thành đón nhận và công bố Kỷ lục Guiness “Ngôi chùa có hệ thống tượng thờ bằng đồng nguyên khối nhiều nhất Việt Nam” với 53 pho. Tất cả các tượng đều có tỉ lệ điêu khắc chuẩn mực hoàn hảo và sống động, tạo nên một tòa thượng điện uy nghiêm mà gần gũi, ấm áp.
Chùa Thành hiện nay là trụ sở của Phật giáo tỉnh Lạng Sơn. Không chỉ đẹp ở kiến trúc nghệ thuật tôn giáo, chùa còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động gắn kết giữa đạo với đời. Mỗi dịp Xuân về, theo truyền thống hàng năm, chùa Thành tổ chức khóa lễ tụng kinh Phúc Đức cho hàng nghìn thanh, thiếu niên nhi đồng phật tử để cầu phúc, cầu an. Theo danh sách lưu tại chùa, hiện nay có trên 5.000 em thanh thiếu niên phật tử. Vào thăm chùa bạn sẽ thấy giữa tam quan của chùa treo một quả chuông nặng 2.100kg thể hiện ý nghĩa cầu cho nước Việt Nam ở thế kỷ 21 được thịnh vượng và quốc thái dân an. Tiếng chuông trầm ấm ngân nga, bay xa hàng chục km. Nếu ai đó một lần được nghe tiếng chuông chùa Thành hòa vào thinh không khi chiều buông, sương phủ mờ trên mặt sông Kỳ Cùng thơ mộng, hẳn sẽ thấy thanh thoát tâm hồn. Bên trong chùa cột gỗ lim to một người ôm cao 9m được đặt trên các chân tảng đá xanh.
Địa chỉ: Phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Đền Kỳ Cùng
Nằm ở phường Vĩnh Trại, bên phía bờ bắc sông Kỳ Cùng. Đền Kỳ Cùng được coi là nơi linh thiêng, vốn là nơi thờ thần Giao Long (thần sông nước) với nhiệm vụ giữ cho quanh năm mưa thuận gió hòa. Nhưng sau đó, đền Kỳ Cùng thờ ông Tuần Tranh. Tương truyền, ông Tuần Tranh là một vị quan dưới thời nhà Trần, được cử lên Lạng Sơn đánh giặc, trấn ải biên thùy. Lịch sử của Đền còn gắn với truyện kể về quan lớn Tuần Tranh, được triều đình nhà Trần cử lên trấn thủ Lạng Sơn, trong thời gian ở tại Lạng Sơn, ông chỉ huy đánh giặc bị thua, quân lính thiệt mạng rất nhiều, ông lại bị vu cáo vào tội dâm ô, đành nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự tử để chứng minh sự trong sạch. Đền Kỳ Cùng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, hiện là nơi thu hút rất đông đảo bà con khách thập phương đến tham quan du lịch và cúng lễ.
Trong đền có bến đá Kỳ Cùng là một trong tám cảnh đẹp của Lạng Sơn được ghi trong “Trấn doanh bát cảnh” xưa Ngô Thì Sỹ gọi với cái tên Kỳ Cùng thạch độ. Sở dĩ như vậy là vì theo sử sách chép lại, ngày xưa bất cứ cuộc hành quân hay cuộc hành trình nào của các sứ giả qua lại Trung Quốc cũng đều phải qua nơi này. Thuyền bè san sát, hai bờ sông lúc nào cũng tấp nập đông đúc vì dân chúng hoặc quan quân hội tụ. Khúc sông Kỳ Cùng ở đoạn này có nhiều tảng đá chắn ngay giữa dòng sông, đá lô nhô trên mặt nước, sóng vỗ vào đá theo mực nước sông, lúc lên lúc xuống tạo thành những lớp sóng tung bọt trắng xóa, trào khắp một dải tràng giang, trông rất ngoạn mục. Tương truyền các sứ thần của Việt Nam mỗi lần đi sứ sang Trung Quốc đều dừng chân tại bến đá, sửa soạn lễ vật lên thắp hương tại đền Kỳ Cùng, cầu cho chuyến đi được bình an, công thành danh toại.
Địa chỉ: Phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Chùa Tiên
Chùa Tiên thường gọi là chùa Song Tiên, tọa lạc ở phố Hoàng Hoa Thám, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Chùa nằm ngang chừng núi Đại Tượng (lên 64 bậc cấp), quả núi đá có hình con voi nằm về phía Nam thị xã Lạng Sơn, cách cầu Kỳ Cùng khoảng 500m, trên đường đi Mai Pha. Sự tích của chùa qua các chuyện kể dân gian đều tập trung vào Ông Tiên ngự trên núi, đã dẫm chân xuống đá biến thành giếng Tiên có đầy nước trong vắt cho dân làng dùng trong những năm hạn hán. Có truyền thuyết khác kể về hai ông Tiên ngồi đánh cờ đến sáng không về trời, đã hóa đá… Chùa nằm trong động, chính giữa thờ chư Phật, Bồ tát. Cung bên phải thờ vị anh hùng Trần Hưng Đạo, cung bên trái thờ Thánh Mẫu. Động còn giữ bút tích của Ngô Thì Sĩ ghi trên bia đá bài Trấn doanh bát cảnh (tám cảnh đẹp của xứ Lạng).
Chùa Tiên thờ Phật, Mẫu và Đức Thánh Trần, có bố cục kiểu “tiền Phật hậu Thánh” gồm cung tam bảo thờ Phật phía ngoài và cung thờ Mẫu, Đức Thánh Trần ở phía trong. Nơi đây còn lưu giữ một hệ thống văn bia phong phú của các văn nhân, thi sĩ, trong đó có bài “Trấn doanh bát cảnh” do Ngô Thì Sỹ cảm tác ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên xứ Lạng. Hàng năm chùa Tiên mở hội ngày 18 tháng Giêng âm lịch, cùng với chùa Nhị Thanh – Tam Giáo (15 – 17 tháng Giêng âm lịch) và Tam Thanh (15 tháng Giêng âm lịch) tạo nên một dịp trẩy hội đông vui. Đằng sau núi Voi – Chùa tiên ở lưng chừng núi trên mặt bằng đá rộng đó là Giếng tiên, miệng giếng rộng 20cm có mạch nước quý chảy quanh năm. Năm 1992 chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Lễ hội chùa Tiên hàng năm vào ngày 18 tháng Giêng (âm lịch).
Địa chỉ: Phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Chùa Bắc Nga
Chùa Bắc Nga hay còn gọi Chùa Tiên Nga (Tiên Nga phật tự) nằm cách thành phố 11 km theo đường quốc lộ 4B từ Lạng Sơn đi Lộc Bình, Đình Lập, Quảng Ninh thuộc địa phận thôn Bắc Nga, Xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Ngôi chùa nằm trên sườn đồi rộng thoai thoải, lưng tựa núi, mặt hướng ra quốc lộ 4B và dòng sông Kỳ Cùng uốn lượn tạo nên thế “Rồng chầu hổ phục”. Đây là một địa thế vô cùng đẹp theo thuyết phong thủy. Kiến trúc trong chùa bài trí đơn giản gồm tượng Phật, tượng ông Thiện ông Ác, một số tượng nhỏ trên ban thờ Tam Bảo cùng một số văn bia ghi lại nguồn gốc thành lập và quá trình công đức, trùng tu ngôi chùa. Tuy không thật sự bề thế và hoành tráng như nhiều ngôi chùa khác nhưng chùa Bắc Nga từ lâu đã nổi tiếng linh thiêng, thu hút rất nhiều du khách thập phương đến nguyện cầu.
Theo truyền thuyết, xưa kia đây là vùng đấy hoa tươi cỏ lạ, cây cối xanh tốt, sông Kỳ Cùng uốn lượn hữu tình, khung cảnh thiên nhiên cô cùng nên thơ, sống động nên các tiên nữ thường ngao du hạ giới để chiêm ngưỡng cảnh đẹp. Có một nàng tiên còn đắm say cảnh đẹp nơi đây đến nỗi không muốn về thượng giới nữa. Vì thế, dân làng liền góp công xây dựng miếu thờ Tiên, mong được cuộc sống bình an, hạnh phúc và lấy ngày 15 tháng Giêng hàng năm để làm lễ hội Chùa, mời Tiên, mời Phật về phù hộ cho dân làng. Lễ hội chùa Bắc Nga được tổ chức vào 15 tháng Giêng, là một trong hai lễ hội truyền thống lớn nhất của huyện Cao Lộc, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn và du khách thập phương đến với lễ hội, phần là để thành tâm khấn bái, phần là để ngắm phong cảnh hữu tình, vui chơi giải trí và thưởng thức món ăn ngon đặc sắc ở nơi đây.
Địa chỉ: Xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.
Đền Cửa Tây
Đền Cửa Tây nằm ở phường Chi Lăng, cửa phía Tây thành cổ Lạng Sơn. Đền được xây vào năm 1924 để thờ Đức Trần Hưng Đạo và các vị Thánh Mẫu, đền có tên Ngũ Nhạc Linh Từ. Theo tài liệu của Trường Viễn Đông Bác Cổ chép: “Nơi này có một ngôi đền làm trên một mảnh đất trông xuống sông Tam Kỳ (Kỳ Cùng), đây trước là núi Ngũ Nhạc…”. Kiến trúc đền gồm: Tam quan ở ngoài, phía trong có hai điện thờ. Toà thứ nhất được dựng 1934 là điện Thờ Mẫu. Theo truyền thuyết đền này phải gắn liền với sự kiện Mẫu Liễu Hạnh gặp Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Toà thứ hai có kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” (丁), thờ Đức Thánh Trần cùng các công chúa và con trai Ngài cùng các vị tướng tài: Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu… Trong đền hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị đó là các bức hoành phi, câu đối và ba tấm bia là nguồn sử liệu tra cứu về di tích lịch sử.
Đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, thờ Trần Hưng Đạo và các vị Thánh Mẫu. Kiến trúc của đền gồm 2 tòa nhà: Tòa thứ nhất là điện thờ Mẫu, toà thứ 2 kiến trúc theo kiểu chữ Đinh thờ Đức Thánh Trần và các gia tướng: Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu cùng các Hoàng Tử và Công chúa. Đây là một trong những đền thờ vọng Đức Thánh Trần ở Lạng Sơn. Người dân thường đến cầu Đức Thánh Trần về đường công danh sự nghiệp. Nếu có dịp đến thăm đền bạn sẽ thấy bên ngoài có 2 tấm bia công đức được tạc năm 1916 và 1923 là những tấm bia tạo hình có giá trị về mặt nội dung cũng như nguồn sử liệu để tra cứu. Ngoài mặt giá trị kiến trúc nghệ thuật Đền Cửa Tây còn là nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân địa phương cũng như khách hành lễ thập phương.
Địa chỉ: Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, Lạng Sơn.
Đền Cửa Bắc
Là một trong tứ trấn có nhiệm vụ trấn giữ, bảo vệ linh khí cho Đoàn Thành (thành cổ Lạng Sơn xưa), đền Cửa Bắc nằm ở phía bắc thành cổ, vuông góc giữa 2 trục đường Trần Hưng Đạo – Cửa Bắc của thành phố Lạng Sơn. Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18 và được xếp hạng di tích Quốc gia năm 2013. Theo các tư liệu lịch sử, thành cổ Lạng Sơn (Đoàn Thành) xưa có bốn cổng chính ở bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc. Tương ứng với bốn cổng này có bốn ngôi đền linh thiêng thờ 4 vị thần trấn giữ bảo vệ tòa thành bao gồm: đền Cửa Đông (Đông Môn từ); đền cửa Tây (Tây Môn từ); đền cửa Nam (Nam Môn Từ) và đền cửa Bắc (Bắc Môn Từ).
Các ngôi đền này đều được xây dựng khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Các đền đều tọa lạc tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn và hướng ra dòng sông Kỳ Cùng. Cũng như các ngôi đền thiêng trong tứ trấn, đền Cửa Bắc thờ vọng Đức Thánh Trần (Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) và thờ Mẫu (Mẫu Liễu), Phật (ngài Thiên Thủ Thiên Nhãn). Ngôi đền này đặc trưng cho sự phối thờ tiền Thánh hậu Phật có ở nhiều đền, chùa cổ nước ta. Kiến trúc của Đền hình chữ Nhị, gian Đại Bái (Chính Điện) ngay bên ngoài, lui vào phía trong là gian Hậu Cung. Theo ghi chép cũ: Xưa kia Đền có nhiều hiện vật quý. Hiện nay tại Đền vẫn còn lưu giữ tấm bia ghi công đức (năm 1924) và có thêm các tượng, đồ thờ tự, ngai (thờ bóng), điện thờ…
Địa chỉ: Số 1 Trần Nhật Duật, Chi Lăng, Thành phố Lạng Sơn, Lạng Sơn.
Đền Cửa Nam
Theo các tư liệu lịch sử, thành cổ Lạng Sơn (Đoàn Thành) xưa có bốn cổng chính ở bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc. Tương ứng với bốn cổng này có bốn ngôi đền linh thiêng thờ 4 vị thần trấn giữ bảo vệ tòa thành bao gồm: đền Cửa Đông (Đông Môn từ); đền cửa Tây (Tây Môn từ); đền cửa Nam (Nam Môn Từ) và đền cửa Bắc (Bắc Môn Từ) được xây dựng khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Các đền đều tọa lạc tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn và hướng ra dòng sông Kỳ Cùng. Trong đó, trấn Nam Đoàn Thành là đền Cửa Nam nằm ở phía nam Thành cổ Lạng Sơn, nay thuộc phố Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, cách cổng thành phía nam khoảng 100m. Ngôi đền thiêng trong tứ trấn Lạng Sơn đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2013.
Cũng như các ngôi đền trong tứ trấn xứ Lạng, đền Cửa Nam được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, có kiến trúc kiểu chữ Đinh chuôi vồ, cửa chính của Đền quay về hướng bắc. Đền thờ Mẫu (hệ tứ phủ) và thờ vọng Đức Thánh Trần (Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn). Về quy mô, đền Cửa Nam không rộng rãi, hoành tráng nhưng lại hấp dẫn bởi nét mộc mạc, đơn sơ và nổi tiếng linh thiêng. Tương truyền, người dân lòng thành đến đây cầu gì được nấy, chủ yếu cầu công danh, tài lộc, quốc thái dân an. Lễ hội đền Cửa Nam diễn ra vào ngày 12 tháng 2 âm lịch thu hút đông đảo người dân trong vùng và cả những du khách thập phương đến để cầu nguyện cho gia đình và người thân. Đây cũng là địa chỉ sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách gần xa. Đền Cửa Nam cùng với “Tứ trấn” cùng với Thành cổ quả thực là một trong những di tích lịch sử văn hóa vô cùng giá trị mà bạn nhất định phải ghé thăm nếu có dịp du lịch Lạng Sơn.
Địa chỉ: Phố Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, Lạng Sơn.
Đền Cửa Đông
Đền Cửa Đông là một trong những đền Tứ trấn Lạng Sơn. Nằm ở phía Đông của thành cổ Lạng Sơn, đền tọa lạc trên con đường Hùng Vương tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn hướng thẳng ra dòng sông Kỳ Cùng. Đúng như tên gọi, đền cửa Đông là một trong 4 ngôi đền trấn giữ 4 hướng của Thành cổ Lạng Sơn. Trước cổng đền là cây đa cổ thụ trăm tuổi phủ bóng xanh ngát khiến cho không gian trở nên tĩnh mịch và trầm lắng hơn rất nhiều. Trước đây đền được gọi với cái tên là Đông Môn Từ hay Đền Bạch Đế, đền Quan lớn Tam phủ. Theo những ghi chép lịch sử thì đền được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ XVIII cho tới đầu thế kỷ XIX.
Vào bên trong đền, kiến trúc của đền cũng mang đậm dấu ấn của thời gian từ cách thiết kế đền hình chữ Đinh đến cửa chính đền hướng ra sông Kỳ Cũng, cổng vào đền được quay về hướng chính Tây. Đền cũng được xây dựng gồm 3 phần liền kề nhau đó là Nghi môn, Chính điện và Tả hữu vi. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đền là nơi chuyên vận chuyển vũ khí, đạn dược cho quân và dân ta từ Liên Xô tiếp viện vào miền Nam. Đền Cửa Đông thờ thần Bạch Đế – như thủy thần, thần sông hay thần rắn. Bởi lẽ đền thờ Bạch Đế là bởi cư dân ở đây chủ yếu canh tác và gieo trồng lúa nước nên người dân càng phải phụ thuộc vào thần sông nước như trong các truyền thuyết của nước ta. Ngoài ra, đền còn là nơi thờ Mẫu và đức Thánh Trần. Đền Cửa Đông được xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia vào năm 2013. Đền Cửa Đông là một trong những địa điểm du lịch tâm linh thu hút tại Lạng Sơn mà bạn nhất định nên ghé đến!
Địa chỉ: Số 67A đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, Lạng Sơn.
Đền Tả Phủ
Đền Tả Phủ nằm ở phố chợ Kỳ Lừa, thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Đền được xây dựng từ năm Chính Hòa thứ 4 (1683) để thờ một vị quan tướng thời Hậu Lê tên là Thân Công Tài, chức Tả đô đốc Hán quận công. Ông quê ở tỉnh Bắc Giang, được triều đình trọng dụng, bổ nhiệm lên Lạng Sơn làm phó tướng nhận chức Đô đốc giúp việc cho Vi Đức Thắng, trấn giữ nơi biên thùy. Trong thời gian ở Lạng Sơn, ngoài việc chăm lo giữ gìn biên ải, ông còn có công mở 7 con đường, lập nên 7 phường cho phố chợ Kỳ Lừa, giúp Lạng Sơn có nơi buôn bán phồn vinh, thu hút cả người Trung Hoa ở bên kia biên giới đến làm ăn, buôn bán.
Đền Tả Phủ có hướng cửa chính quay về hướng Tây, nằm trên thế đất cao tạo nên vẻ uy nghi, linh thiêng với kiến trúc gồm 2 tòa, kết cấu theo lối chữ Công. Nối liền giữa hai tòa là tường vây có trổ 2 cổng nhỏ đi xuyên vào trục chính đạo. Khoảng giữa của hai tòa là một khoảng sân nhỏ trước đây có tấm bia đá tạo dựng năm Quý Hợi, niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (năm 1683); bia có tiêu đề “Tôn sư phụ bi” (bia ghi việc tôn thờ người làm thầy, làm cha), mặt bên ghi dòng chữ “Lưỡng quốc khách nhân” với nội dung ghi lại việc nhân dân 2 nước Việt – Trung ghi tạc công lao của Thân Công Tài với Lạng Sơn và việc mở mang thương trường buôn bán tại đây. Lễ hội truyền thống của nhân dân trong vùng được tổ chức tại đền Tả Phủ từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng hàng năm với tên gọi Lễ hội Đầu pháo Kỳ Lừa, có liên quan mật thiết với lễ hội đền Kỳ Cùng, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tham dự
Địa chỉ: Phố chợ Kỳ Lừa, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, Lạng Sơn.
Chùa Tân Thanh
Lạng Sơn sở hữu rất nhiều ngôi chùa với kiến trúc đẹp, trong đó phải kể đến chùa Tân Thanh. Đến với chùa Tân Thanh bạn không chỉ được vãn cảnh, được cầu nguyện cho những mong muốn của bản thân mà còn được chiêm ngưỡng những nét kiến trúc độc đáo nơi đây. Nằm cách thành phố Lạng Sơn 28 km, chùa Tân Thanh là một trong những ngôi chùa linh thiêng tại xứ Lạng. Đây cũng là ngôi chùa nằm ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh và sát biên giới Việt – Trung. Được xây dựng mới từ năm 2015 tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, chùa Tân Thanh có diện tích 21ha và tổng kinh phí xây dựng lên tới 500 tỷ đồng. Một điều đặc biệt là nguồn kinh phí để xây dựng chùa đều là do các Phật tử trong và ngoài nước quyên góp.
Hiện nay có rất nhiều ngôi đền, chùa xây dựng theo các phong cách kiến trúc Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, chùa Tân Thanh lại được xây dựng với phong cách thuần Việt. Chính điều này đã khiến nhiều du khách thích thú bởi đến đây họ sẽ được khám phá những công trình kiến trúc Phật giáo của người Việt cổ xưa. Đến với mỗi ngôi đền, chùa bạn sẽ thấy các tấm bia, biển hiệu đều sử dụng chữ Hán Nôm hoặc chữ Hán. Nhưng điều này lại không hề có tại chùa Tân Thanh. Đến đây toàn bộ các biển bảng, phiến đá trong chùa đều sử dụng chữ quốc ngữ. Một trong những điều ấn tượng nhất mà khó có ngôi chùa nào làm được chính là từng viên gạch tại chùa Tân Thanh đều được khắc dòng chữ: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM – PHẬT LỊCH 2559 KHỞI TẠO CHÙA TÂN THANH”. Ngôi chùa như một lần nữa khẳng định rằng từng viên gạch, từng tấc đất đều là của đất nước và người dân Việt Nam.
Địa chỉ: Xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Đền Cô bé Suối Ngang
Đền Cô Bé Suối Ngang còn gọi là Đền Suối Ngang ở xã Phố Vị, Hữu Lũng, Lạng Sơn. Đền không chỉ là nơi giao lưu văn hóa mà còn là nơi tổ chức các buổi hát hầu đồng. Cô Bé Suối Ngang cũng như các cô bé khác trên ngàn đều là Cô bé Thượng Ngàn trong Tứ Phủ Thánh Cô và đều hầu Mẫu Thượng Ngàn. Các cô bé Thượng Ngàn đều là các bộ nàng trong Cung Sơn Trang. Các cô về mặc quần áo thổ cẩm, chân quấn xà cạp, đeo kiềng bạc, tay cầm ô, vai đeo gùi. Những thanh đồng sát căn Cô Bé Thượng Ngàn thường đến đây để hầu cô.
Muốn tới đền, từ lúc rẽ qua ngã tư Mẹt vào đường; các bạn cứ hỏi đường đến Đền là người dân sẽ chỉ cho các bạn ngay; đường thẳng nên rất dễ tìm. Ô tô có thể vào thẳng cổng đền. Đền thờ Cô Bé là những bộ nàng trên Tòa Sơn Trang; hầu Mẫu Thượng Ngàn, có rất nhiều cô bé trên khắp các cửa rừng lớn nhỏ. Khách thập phương từ xa tới đều có thể ghé thăm Đền không chỉ tham quan ngắm cảnh mà còn có thể cầu phúc, cầu lộc. Nếu đến vào ngày mùng 1 hay 15, các bạn còn có thể xem các cô, các cậu múa hầu đồng, may mắn có thể được nhận chút lộc, đó là một nét đẹp văn hóa rất riêng đấy. Ngày 20/9 là ngày tiệc của Cô Bé Suối Ngang.
Địa chỉ: Hoà Thắng, Hữu Lũng, Lạng Sơn.
Chùa Tam Giáo – Động Nhị Thanh
Là một điểm di tích nằm trong quần thể di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh – Núi Tô Thị – Thành Nhà Mạc, động Nhị Thanh cách ngã 6 Pò Soài khoảng 200m, đi theo đường Nhị Thanh. Động Nhị Thanh được danh nhân Ngô Thì Sỹ khám phá và tôn tạo khi ông làm Quan Đốc Trấn Lạng Sơn từ năm 1777 – 1780. Ông đã có công lao to lớn trong việc mở mang ruộng đất, yên ổn dân sinh và xây dựng Lạng Sơn thành khu thương mại sầm uất. Trong thời gian ngao du sơn thuỷ trong vùng Ông đã phát hiện ra động Nhị Thanh và cho hưng công xây dựng chùa Tam Giáo, Đình duyệt Quân, Thạch Miên Am, Thụy Tuyền Hiên, Trai Táo. Ngô Thì Sỹ là người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ. Khi đỗ đạt làm Quan để tưởng nhớ đến quê hương, Ông đã dùng hai chữ Thanh của quê hương đặt cho tên hiệu của mình là: Nhị Thanh cư sĩ và sau này khi phát hiện ra động Nhị Thanh, Ông đã dùng chính tên hiệu của mình đặt tên cho động là Động Nhị Thanh.
Phía bên phải động Nhị Thanh là Chùa Tam Giáo được Ngô Thì Sỹ hưng công xây dựng năm Kỷ Hợi (1779) thờ Nho Giáo, Đạo Giáo và Phật Giáo (tam giáo đồng nguyên). Hiện nay trong chùa có các cung thờ như: Cung Công Đồng, Cung Tam Tòa Thánh Mẫu, Cung Sơn Trang, Cung Tam Bảo… với hệ thống tượng thờ khá phong phú. Bên trái chùa Tam Giáo là đường vào động Nhị Thanh nơi có suối Ngọc Tuyền trong vắt chảy xuyên lòng động với độ dài khoảng 600m, phần đọng lại trước cửa động tạo thành Ao Nhất Bích thơ mộng. Từ cửa sau của động Nhị Thanh du khách có thể quan sát thấy cửa động Tam Thanh có đường đi bộ từ cổng sau Nhị Thanh sang động Tam Thanh với khoảng cách là 500m. Là một danh thắng thiên tạo kỳ vĩ cùng với chùa Tam Giáo linh thiêng và hệ thống bia ma nhai phong phú, hy vọng động Nhị Thanh sẽ thỏa mãn nhu cầu vãn cảnh, nhu cầu tâm linh và nghiên cứu khoa học của đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương.
Địa chỉ: Thành phố Lạng Sơn, Lạng Sơn.
Lạng Sơn tuy chỉ là một tỉnh trẻ, được khai hoang sau công cuộc đổi mới kêu gọi xây dựng của đất nước, mới ngót nghét 200 năm tuổi nhưng đồng thời cũng là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, nhiều cảnh đẹp, văn hóa đa dạng, nhiều món ăn ngon lạ miệng.
Lạng Sơn cũng là một trong những điểm đến của du lịch tâm linh. Nơi đây bốn mùa mưa thuận gió hòa, đền, chùa lớn có, nhỏ có, đều mang những sự tích lâu đời và mang một dáng vẻ cổ kính nhưng không kém phần thiêng liêng. Nếu có dịp lên Lạng Sơn hy vọng bạn sẽ ghé qua những ngôi chùa, ngôi đền được kể trên để cảm nhận nét văn hóa của người Lạng Sơn nhé.