Top 15 Món ăn dân dã ngon nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ

Miền Tây sông nước – nơi chứa đựng biết bao tình người, sự thân thiện, không khí vô cùng thoải mái cho mọi người. Nơi đây còn là cái nôi của những món ngon đặc … xem thêm…sản độc đáo hấp dẫn, nơi có những món ăn mà không thể tìm thấy ở một nơi nào khác. Có lẽ, tình cảm, phẩm chất dân dã cũng như sự mộc mạc, giản dị của con người miền Tây như được gửi gắm hết vào các món ăn của họ vậy. Cùng Toplist.vn khám phá top những món ăn dân dã ngon nổi tiếng nhất của miền Tây Nam Bộ nhé!

Cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng trui là món ăn được người nông dân Nam bộ chế biến nên sau những buổi làm đồng. Khi cánh đàn ông ngăn lạch, tát đìa bắt cá thì những người phụ nữ lại ra đồng hái rau, làm nước chấm. Cá bắt lên chỉ cần rửa sạch, um rơm nướng chín là có thể cùng nhau thưởng thức ngay giữa cánh đồng lộng gió. Món cá này phổ biến đến nỗi từ lâu đã đi vào ca dao tục ngữ: “Bắt con cá lóc nướng trui/Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa”. Cá lóc nướng trui có mùi thơm rất đặc trưng tỏa ra từ vây cá, từng thớ thịt xen lẫn mùi hơi khen khét của da cá nướng. Cá nướng được ăn kèm rau sống cuốn bánh tráng, thêm mắm tỏi ớt chanh thì ngon tuyệt.

Cá lóc đồng (sống dưới đồng ruộng) là nguyên liệu chính để làm món nướng trui, bởi loại cá này dai và chắc thịt hơn so với cá lóc nuôi. Khi chế biến món ăn này, ta không cần phải sơ chế quá cầu kỳ, không cần mổ bụng, không cần cạo nhớt, không cần đánh vảy và cũng không cần ướp gia vị mà chỉ cần rửa sạch cá, sau đó xiên thanh tre tươi từ miệng cá đến đuôi cá rồi cắm xuống đất phủ rơm khô lên. Thông thường, ta sẽ cắm đầu cá hướng xuống đất đuôi thẳng lên trời, làm cá rỏ nước xuống từ từ trong lúc nướng, thịt cá sẽ dẻo và thơm hơn. Rơm để nướng cá cần lấy vừa đủ, để khi rơm vừa cháy hết thì cũng là lúc cá vừa chín tới. Rơm ít sẽ không đủ độ nóng để làm chín cá, cũng không làm dậy lên mùi thơm đặc trưng của món ăn này. Rơm quá thừa thì làm khét cá, mất đi độ ngọt tự nhiên của cá. Khoảng 10 – 15 phút khi tàn tro thì cá cũng vừa chín tới, dễ dàng cảm nhận được qua mùi thơm của cá nướng xen lẫn chút khét nồng từ rơm rạ. Cá được lấy ra khỏi bếp tro, dùng dao cạo hết lớp vảy cháy khét bên ngoài. Nhưng đúng điệu nhất vẫn là dùng rơm khô có sẵn tại đồng, chà sạch lớp vảy khét, trong khi chà cần chú ý không để làm rách lớp da cá giòn thơm. Dùng dao rọc dọc theo đường xương sống cá, xẻ cá làm đôi sao cho thịt cá không bị nát. Sau đó, rưới mỡ hành cùng chút đậu phộng đã được chuẩn bị sẵn lên phần cá vừa được xẻ ra như thế cá sẽ thêm béo, thêm bùi lại càng thơm ngon hơn.


Cá lóc nướng trui có thể ăn với các loại nước chấm như: Mắm ngọt, mắm me, mắm nêm. Nhưng món chấm được người miền Tây ưa dùng hơn cả là muối ớt hột. Những thớ cá trắng thơm được cuộn tròn trong lát bánh tráng, ăn kèm ít chuối chát, lá cóc, bún tươi, dưa leo và khế hòa quyện với vị cay xè, mặn mặn của muối ớt hột chắc chắn sẽ làm thỏa mãn khẩu vị của bất kỳ ai khó tính nhất.

Cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui

Lẩu cá kèo

Lẩu cá kèo lá giang vốn là món ăn rất dân dã, giản dị, đặc trưng của người miền Tây Nam Bộ. Với hương vị lẩu chua chua, thơm ngon chắc chẳng ai có thể quên được. Có thể bạn chưa biết, cá kèo, là loài cá đặc sản của miền Tây Nam Bộ, chúng còn được gọi với một các tên khác đó là cá bống trắng. Loài cá kèo thường sống dưới bùn, các kênh, rạch nước nơi mà miền Tây Nam Bộ có rất nhiều. Con cá kèo vừa là nguồn cung thực phẩm cho người dân nơi đây vừa là món đặc sản để tiếp đón những vị khách về thăm với vùng đất sống nước trù phú này.

Cá kèo tươi sống đem sơ chế loại bỏ nhớt, chặt vây rồi để ráo nước. Nước dùng được hầm từ xương heo, loại bỏ váng mỡ, cho thêm cà chua và các gia vị đặc trưng của miền Tây trong đó có lá giang. Thịt cá kèo săn chắc mà không hề bị nát, có vị ngọt thơm. Cá kèo miền Tây Nam Bộ được biết đến rất nổi tiếng với rau đắng, lá giang. Những thứ gia vị không thể thiếu được trong một nồi lẩu cá kèo. Vào tới đây mà chưa được ăn món lẩu cá kèo Nam Bộ thì thật quá là đáng tiếc. Đáng tiếc vì không cảm nhận được món đặc sản ngon nơi đây, đáng tiếc vì không cảm nhận được hết hương vị của miền Tây Nam Bộ.

Nước lẩu sôi lên, thực khách bỏ cá kèo sống vào nồi, kèm thêm rau thơm, rau ăn kèm, vớt ra bát và thưởng thức. Gia vị làm cho chúng ta không cảm nhận được vị tanh từ con cá kèo. Thay vào đó là mùi thơm từ gia vị và cá kèo. Thịt cá kèo săn chắc mà không bị nát có vị ngợt và hơi đắng của ruột cá. Được biết ruột cá kèo rất tốt vì có chứa loại enzim đặc biệt giúp chữa đau lưng và tiêu hóa tốt. Hương vị lẩu cá kèo lá giang vô cùng đặc trưng với vị ngọt mềm của cá kèo hòa quyện với vị chua rất riêng của lá giang ăn kèm với những loại rau như hoa chuối và rau muống chẻ tạo nên một sức hút kỳ diệu với tất cả thực khách bao gồm cả những người khó tính nhất. Nếu có dịp vào miền Tây Nam Bộ, bạn đừng quên thưởng thức món lẩu cá kèo lá giang cực hấp dẫn này nhé.

Lẩu cá kèo
Lẩu cá kèo

Canh chua cá bông lau

Món canh chua cá bông lau miền Tây có vị chua ngọt tự nhiên hài hòa, là món ăn ưa thích và trở thành đặc sản miền Tây. Cá bông lau thơm ngon, thịt khi chín có màu trắng, thịt chắc dẻ, ít xương, mùi vị thơm ngon, béo ngọt mà ít có thứ cá nào sánh được. Ăn canh chua cá bông lau với bún, rau, thêm chút ớt se se cay ngon hết ý. Thịt cá bông lau trắng, thơm ngon, không tanh, lại lành nên được chế biến thành nhiều món ăn ngon.


Cá bông lau mới bắt làm sạch, chỉ cần cắt lát, ướp chút gia vị rồi chiên là đã ngon lắm rồi. Cầu kỳ hơn có thể hấp cách thủy cá với gừng, thịt ba rọi bằm nhỏ, độ khoảng 30 phút sau, khi thấy da cá nứt ra, thịt cá bốc hơi thơm lừng là chín, ăn kèm với rau sống và nước mắm chua thì còn gì bằng. Đặc biệt, cá bông lau nấu canh chua là một món thơm ngon giải nhiệt, bổ dưỡng, được nhiều người ưa chuộng, nhất là trong mùa hè. Thường thì người ta mua nguyên con, khoảng 1 kg trở lên, phần đầu và đuôi để nấu canh chua, phần giữa khứa từng khoanh để kho tộ hoặc chiên.

Để có một nồi canh chua cá bông lau ngon và hấp dẫn thì các nguyên liệu để nấu gồm có: Đầu và đuôi cá, bạc hà, đậu bắp, cà chua, giá, khóm, ớt, quế, ngò om, cần tàu, me… Người ăn có thể thưởng thức bằng cách cho một ít rau, bún, vài miếng thịt cá bông lau chan nước canh vào chén, ai thích ăn cay có thể thêm ớt chín, tạo mùi cay nồng giúp ngon miệng hơn. Về chất lượng của nồi canh chua, ngoài nguyên liệu chính là cá, người đầu bếp tài hoa còn chú ý đến những nguyên liệu làm nên chất chua sao cho chua thanh, dịu ngọt, hợp với khẩu vị của nhiều người. Có nơi người đầu bếp chọn chanh, me, giấm, cơm mẻ; có nơi lại dùng bần, tầm ruột, xoài, dứa, trái giác, đọt cóc, lá me,…mỗi nơi mỗi kiểu cách. Riêng món cá bông lau nấu với bần chua hoặc cơm mẻ là tuyệt hảo.

Canh chua cá bông lau
Canh chua cá bông lau

Đuông dừa

“Ai về miền đất xứ dừa/Nhớ đi thưởng thức đừng chừa món đuông”. Đó là câu ca dao giới thiệu về món đuông dừa, đặc sản nổi tiếng chỉ miền Tây Nam Bộ mới có. Đối với người dân miền Tây thì đuông dừa giống như một tặng vật của thiên nhiên, một đặc sản mà không phải lúc nào cũng có. Đuông dừa được chế biến thành nhiều món ngon như: Đuông dừa nướng, đuông dừa ngâm mắm hay chiên bơ,…


Đuông dừa là ấu trùng dạng sâu của loài kiến dương. Bọ kiến dương thường chọn những cây dừa khỏe, khoét lỗ rồi đẻ trứng vào đó. Trứng nở thành ấu trùng, ăn những phần mềm bên trong ngọn cây dừa, chà là… để lớn lên. Đuông dừa ăn rất ngon và là món đặc sản của vùng đồng bằng sống Cửu Long. Đuông dừa nhìn giống như con sâu non, thân mềm nhũn màu sữa, di chuyển kiểu con sâu trườn tới trườn lui nhìn hơi rợn, nhưng nếu ăn được thì sẽ chẳng còn gì hối tiếc.

Ở miền Tây có món ăn khiến nhiều thực khách phương xa khóc thét, đó là món đuông dừa chấm nước mắm ăn sống. Con đuông dừa còn ngọ nguậy nhúng vào chén mắm ớt cay, cứ gắp vậy bỏ vào miệng. Vị béo gần giống như lòng đỏ trứng gà, tan dần trong miệng. Đuông nướng được coi là món dễ ăn nhất. Đuông được chọn là những con béo tròn, xâu vào các que tre vót nhọn, đem nướng trên lửa than, có thể phết chút bơ lên cho thơm. Lửa than phải để nhỏ thôi, nướng chậm đến khi chín vàng rồi gỡ ra. Ăn đuông nướng với các loại rau, chấm mắm me chua ngọt là cách ăn phổ biến của người miền Tây. Vị béo ngậy, thơm nức của đuông hòa với vị chua, mặn, ngọt của nước mắm và mùi hương từ các loại rau tạo nên món ăn ngon hớp hồn thực khách.

Đuông dừa
Đuông dừa

Chuột đồng

Miền Tây từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất trù phú hoa thơm trái ngọt, người dân nơi đây hiếu khách thật thà. Bên cạnh đó rất nhiều du khách trong và ngoài nước còn biết đến mảnh đất này như là thiên đường của những món ăn độc đáo. Đặc biệt, những món ăn ngon hấp dẫn này đều được chế biến từ nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Trong số đó, chúng ta không thể không nhắc đến những món ăn được chế biến từ chuột đồng. Khi mùa gặt kết thúc cũng là lúc bắt đầu mùa săn chuột. Lúc này, chuột béo ú, lông bóng mượt, thịt rất thơm. Từ thịt chuột đồng, người dân miền Tây có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, có thể là thịt chuột nướng rơm, chuột đồng quay lu, áp chảo, xào sả ớt, khía nước dừa, rô ti,…Thịt chuột nướng thơm phức, có vị ngọt, dai chắc như thịt gà và rất ít mỡ. Đến với miền Tây, thưởng thức thịt chuột, nhâm nhi rượu đế giữa ghe thuyền trên sông nước là một trải nghiệm vô cùng thú vị.

Thịt chuột vừa ngon lại vừa rẻ nên đã trở thành một món đặc sản dân dã nổi tiếng của miền Tây. Giá một con chuột giao động từ 15 – 20 nghìn đồng. Hầu hết nhiều người dân miền Tây thích nhất món thịt chuột khía nước dừa. Họ đem chuột về giết rồi dội qua nước sôi, lột da, rửa sạch, cắt bỏ tứ chi. Sau đó, chuột sẽ được bỏ lòng, chỉ lấy lại phần gan và phần ruột già, tránh làm bể vì sẽ khiến thịt chuột bị hôi và mất ngon. Tiếp theo là ướp thịt, sau đó cho lên chảo nóng và tiếp tục cho nước dừa vào. Thịt chuột khía nước dừa được ăn với lá sộp, lá xoài, chuối chát,…và chén nước mắm chua cay tạo nên hương vị vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt, món thịt chuột nướng dường như đã trở thành “thương hiệu” riêng của miền Tây. Những người sành ăn coi chuột nướng như món ăn ngon, bổ, rẻ, thứ đặc sản mà không tìm được đâu khác ngoài vùng sông nước này.

Chuột đồng
Chuột đồng

Lẩu mắm miền Tây

Lẩu mắm là “món ruột” vô cùng dân dã, bình dị của miền Tây Nam Bộ, là biểu tượng của vùng sông nước này. Trải qua bao đời phát triển, lẩu mắm trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người miền Tây. Dù đi đâu về đâu, có lẽ không thể nào quên được cái hương vị đậm đà, ngọt ngọt, cay cay hòa quyện mùi thơm đặc trưng không lẫn vào đâu được của mắm. Được ấn tượng từ nước lẩu đậm đà, là sự kết hợp tinh tế của cá, cua, mực, bò, heo cùng hương vị mắm đỉnh cao, thêm vào đó là các loại rau. Dường như bất cứ ai thưởng thưc món này đều cảm nhận được cái ngon của cá, tôm, mực, cái hương, cái vị và cái thẩm mỹ trong con người Nam Bộ qua cách nấu một nồi lẩu mắm.

Miền Tây nổi tiếng là vùng đất trù phú, cá tôm đầy đàn và quê hương của các loài mắm cá. Mắm chính là giá trị cốt lõi trong các món ăn đặc trưng của người dân miền Tây Nam Bộ. Cũng từ đây, rất nhiều những món ăn đặc sắc đã được nâng tầm hương vị bởi sự tài tình, khéo léo của con người vùng sông nước. Có nhiều nguồn tin cho rằng, lẩu mắm bắt nguồn từ Cần Thơ, nhưng một số khác lại khẳng định nó bắt nguồn từ vùng Châu Đốc – An Giang. Tuy nhiên, dù ở đâu chăng nữa, lẩu mắm cũng đã thực sự phổ biến, trở thành món ăn đặc trưng của miền sống nước. Lẩu không đơn thuần là món ăn, nó còn là giá trị tinh thần to lớn thể hiện những gam màu đa dạng trong đời sống đồng bào nơi đây. Nói đến một nồi lẩu mắm ngon, thì phải kể đến nước dùng.


Một nồi lẩu mắm hấp dẫn luôn có vị ngọt thanh của nước lẩu cùng các nguyên liệu tươi ngon ăn kèm với các loại rau sống. Thông thường, nước lẩu mắm được ninh từ hai loại mắm là mắm linh và mắm cá sặc, khi dùng nước để ninh mắm để có độ ngọt tự nhiên mà không cần phải nêm bột ngọt người ta thường ninh mắm bằng nước hầm xương và nước dừa để tạo vị ngọt tự nhiên. Mắm được ninh nhừ cho tan thịt và xương, sau đó được lọc lại một lần nữa để nấu lẩu. Một điểm đặc biệt ở lẩu mắm, chỉ có thể nấu bằng mắm cá linh và mắm cá sặc mới đủ tiêu chuẩn để cho một nồi nước lèo hấp dẫn. Lẩu mắm được xem là món ăn tổng hợp đầy đủ các nguyên liệu của vùng sông nước từ biển cả, ao hồ đến ruộng đồng và đặc biệt là một lượng rau sống phong phú, đa dạng khác nhau, tạo nên màu sắc rất hấp dẫn.

Lẩu mắm miền Tây
Lẩu mắm

Lẩu cá linh bông điên điển

Đến miền Tây mà không thưởng thức lẩu cá linh bông điên điển thì quả thật đáng tiếc. Đây được xem là đặc sản nổi tiếng của người miền Tây mùa nước nổi, bởi cá linh chỉ xuất hiện vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Cá linh được xem là đặc sản của mùa nước nổi và đây cũng là mùa hoa điên điển nở vàng khoe sắc các mé sông. Cái ngon độc đáo của món ăn này là nhờ vị chua chua, giòn ngọt, thơm thơm kèm hương vị rất đặc biệt, có độ giòn, thơm, bùi béo, lại nồng của hoa điên điển. Món này được ăn cùng bún tươi hoặc cơm nóng, thêm chút nước mắm ngon và ớt để chấm cá. Vào những ngày nước ngập trắng đồng, đến miền Tây du lịch mà không thưởng thức lẩu cá linh bông điên điển thì coi như uổng phí cả chuyến đi. Đây là món ăn đặc sản chỉ có vào mùa nước nổi.

Để có được món lẩu cá linh ngon, trước hết phải chọn được những con cá tươi. Ngoài ra, nguyên liệu của món này thì chắc chắn không thể thiếu bông điên điển và bông súng. Chuẩn bị nồi nước lẩu cũng là một trong những giai đoạn rất quan trọng. Nước lẩu cá linh thường được hầm từ xương heo cùng với hỗn hợp lá me non và ngò gai. Bắt nồi nước lẩu lên bếp cồn cho cá linh đã ướp vào, rồi tiếp đến cho vào bông điên điển, bông súng, nổi nước lẩu sôi lên là dùng được. Lẩu cá linh thường ăn kèm với bún tươi và nước mắm mặn.

Cách chế biến lẩu cá linh bông điên điển cũng khá đơn giản, thế mà hương vị lại quyến rũ ngây ngất lòng người. Để có một nồi lẩu ngon đúng điệu, phải chọn loại cá linh thật tươi, làm sạch và để ráo nước. Thêm nhiều nguyên liệu đi kèm khác như nước dừa tươi, dứa, sả, tiêu, ớt, tỏi… nồi lầu chắt chiu hương đồng gió nội giống như bản ca của đồng quê sông nước. Cá linh nhỏ nên rất nhanh chín, chỉ cần bỏ vào nồi lẩu nhanh thôi là đã có thể thưởng thức được rồi, điên điển gặp nước là đã mềm, ban đầu ăn có vị chát chút xíu nhưng ngay sau đó là vị ngọt thanh dịu nhẹ. Thực khách có thể ăn kèm với bún hoặc cơm trắng đều được, dân dã thế thôi mà mang sắc vị riêng biệt, hấp dẫn bao tâm hồn yêu ăn uống gần xa.

Lẩu cá linh bông điên điển
Lẩu cá linh bông điên điển

Gỏi sầu đâu

Gỏi sầu đâu là một đặc sản nức tiếng An Giang. Vị ngòn ngọt xen lẫn vị đắng tạo nên hương vị đặc trưng của hương vị miền Tây. Về An Giang mùa nước nổi và ghé thăm vùng biên Châu Đốc, bạn đừng quên thử món đặc sản này. Gỏi sầu đâu được làm từ cây sầu đâu, hay còn gọi là cây xoan ăn gỏi, một loại cây mọc hoang, lá sầu đâu nhỏ, dài và mỏng. Lá sầu đâu có thể được chế biến thành nhiều món ăn, đặc biệt là gỏi sầu đâu. Vị đắng dìu dịu của sầu đâu và vị mặn, ngọt, dai dai của cá hòa quyện với nhau càng làm cho khẩu vị thăng hoa nhờ mùi vị đặc trưng, lạ miệng hoàn toàn không giống với bất cứ loại gỏi nào.

Với những nguyên liệu dễ tìm, ngoài “linh hồn” của món gỏi là sầu đâu thì còn có tôm, thịt, xoài sống, dưa leo…Đĩa gỏi sầu đâu rất hấp dẫn và bắt mắt làm cho bao lữ khách phương xa phải “yêu” ngay cái nhìn lần đầu. Nhìn thoạt lần đầu cứ ngỡ món ăn này rất phức tạp, nhưng thực sự rất đơn giản trong cách chế biến. Lá và hoa sầu đâu sau khi hái được trụng qua nước sôi để làm giảm vị đắng vốn có. Còn không thì người dân nơi đây sẽ rửa thật sạch, để ráo nước. Dưa leo, xoài sống… được rửa sạch bằng nước muối rồi thái thành từng sợi. Thịt ba chỉ luộc chín, thái mỏng, tôm luộc chín, bóc vỏ. Còn một loại gia vị để tăng thêm món ăn đó chính là đậu phộng rang giã nhỏ. Muốn đổi khẩu vị mới, lạ, người dân An Giang còn biến tấu thay thế tôm, thịt ba chỉ thành khô cá lóc hay cá sặc.

Điểm nhấn đặc biệt tạo nên “thương hiệu” cho món gỏi sầu đâu An Giang này là phần nước mắm me. Từ đôi bàn tay khéo léo của người dân An Giang, đã công phu chế biến loại nước chấm “thần thánh” này. Me được nấu cho rã ra, chắt lấy nước cốt, trộn cùng với nước mắm, thêm chút tỏi cùng với ớt băm nhuyễn để tăng hương vị. Trộn đều hỗn hợp, nêm nếm sao cho đạt độ đậm đà, một chút chua của me, cay của ớt, vị nồng của tỏi, kích thích vị giác. Lần đầu được thưởng thức món ăn này, nhiều du khách không quen, cảm thấy vị đắng nhẹ của lá và hoa sầu đâu. Nhưng khi mà lần lượt đưa miếng gỏi vào miệng, nhai và thưởng thức, nhiều hương vị hòa lẫn vào nhau. Vị ngọt, chua của nước chấm cùng chút giòn từ tôm, vị ngọt từ thịt…tất cả tạo nên một sức hút cho món ăn. Món ăn này làm cho nhiều thực khách ăn một lần để rồi nhớ mãi về sau.

Gỏi sầu đâu
Gỏi sầu đâu

Cá kèo nướng ống sậy

Cá kèo là một đặc sản được người dân miền Tây đặc biệt yêu thích. Cá kèo được chế biến thành nhiều món khác nhau như kho tiêu, cá kèo chiên giòn, cá kèo kho rau răm, cá kèo nướng muối ớt, cá kèo nướng ống tre, cá kèo nướng bơ tỏi, cháo cá kèo, lẩu mắm cá kèo… Đặc biệt và độc đáo hơn cả vẫn là món cá kèo nướng ống sậy thơm ngon hấp dẫn.


Cá kèo còn sống, sau khi được rửa sạch, ướp qua gia vị sẽ cho vào ống sậy nướng trên bếp than hồng. Khi ống sậy vừa vàng, xẹp xuống nhanh là cá cũng vừa chín nhờ sức nóng của nước ống sậy tiết ra. Cách nướng trực tiếp này làm cho cá kèo mềm hơn, ngọt hơn, nhất là nước ống sậy chảy ra thấm vào từng con cá kèo khiến mùi vị món ăn trở nên đặc biệt. Cá nướng ống sậy không kén thức chấm, chỉ cần muối ớt chanh là đủ. Rau thơm, chuối chát là món ăn kèm cùng cá. Cá nướng ống sậy không kén thức chấm.

Một lão nông thố lộ: Dân miệt đồng chúng tôi do thiếu thốn phương tiện nên tự nghĩ ra cách chế biến món ăn này. Nói là món ăn sang trọng thì không dám, nhưng nó độc đáo ở chỗ là chất ngọt của con cá được giữ nguyên. Đây là món ăn giản dị, dân dã mà ngon. “Vị ngon của cá bống kèo tập trung ở gan, mật vừa béo vừa nhân nhẫn nhưng hậu rất ngọt”, một người mê và sành món cá bống kèo cho biết.

Cá kèo nướng ống sậy
Cá kèo nướng ống sậy

Canh gà lá giang

Canh gà lá giang là một trong những món ăn phổ biến trong các gia đình miền Tây Nam Bộ, được ưa chuộng bởi vị chua chua ngọt ngọt của nó, vừa đậm đà lại vô cùng lạ miệng. Trong những ngày thời tiết mát mẻ, ăn canh gà nấu lá giang với cơm nóng hay bún sẽ rất ngon miệng. Lá giang không chỉ thơm ngon mà còn có tác dụng giúp chống khuẩn, giải nhiệt bữa ăn, giúp thanh mát cơ thể. Canh gà nấu lá giang ngon nhất khi ăn nóng cùng với cơm gạo tẻ, ngoài ra có thể ăn kèm với mỳ. Cái vị chua chua , ngọt ngọt và dai dai của thịt gà, càng ăn càng thấy ngon

Lá giang gắn liền với cuộc sống của người miền trung du quê tôi từ thời khai hoang, mở đất. So với các loại rau dân dã khác, lá giang được nhiều người ưa nhất. Phổ biến nhất là lá giang nấu canh với cá biển tươi, bỏ thêm một ít khế, hành, ngò, ớt để tăng thêm vị đậm đà. Hay mỗi khi nhà đến giỗ, chạp, trong mâm cơm cúng ông bà không thể thiếu món cá suối nướng lá giang. Và có lẽ, những người con khi xa núi rừng khó có thể quên được tô canh gà nấu lá giang nóng hổi được chuyền từ đôi bàn tay gầy gò của mẹ. Món canh gà nấu lá giang vốn là món đặc sản, giàu can-xi, mát lại bổ dưỡng nhưng hơn cả là tấm lòng thơm thảo của phụ nữ dành cho gia đình họ. Tuy chỉ là phụ liệu, nhưng chính cái vị thanh chua của lá giang đã tạo nên một nét rất riêng cho bát canh.

Không phải ai cũng biết nấu ngon món canh này. Thường phải chọn loại gà ta (gà thả vườn) hoặc gà rừng (gà tơ thì thịt sẽ thơm, mềm hơn) và nồi nước canh được nấu bằng chính nước luộc gà càng ngon. Gà làm sạch, để ráo, chặt miếng vừa ăn. Ướp gà với hành tím (không ướp tỏi vì sẽ tạo mùi hăng khi nấu), nước mắm, tiêu, hạt nêm vừa ăn. Để chừng mươi phút cho thịt gà thấm gia vị. Lá giang hái về lựa bỏ những lá già hoặc sâu, rửa sạch, để ráo. Phi thơm hành tím với ớt màu, đổ thịt gà đã ướp vào xào, rim đến khi thịt săn lại thì tắt bếp. Đổ hỗn hợp trên vào nồi nước luộc gà đang sôi. Sau cùng, cho lá giang vào, đợi nồi canh sôi lại. Để nồi canh thêm vị thanh, chua phải vò nhẹ lá giang trước khi nấu và hạ lửa riu riu cho lá giang ra hết nước chua. Mùi thơm thân thuộc của lá giang bay lên là nồi canh đã chín. Chỉ cần múc canh ra tô, rắc ớt, hạt tiêu và ngò om, rau răm vào là dùng được.

Canh gà lá giang
Món canh gà nấu lá giang

Bánh xèo miền Tây

Bánh xèo là một món ăn ngon, quen thuộc mà ắt hẳn ai ai cũng biết đến. Đặc biệt là món bánh xèo ở miền Tây nổi tiếng với hương đậm đà, thơm ngon làm say đắm cả những thực khách khó tính nhất. Bánh xèo là món ăn dân dã có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Gốc tích của bánh xèo xuất hiện đầu tiên ở miền Trung vùng đất đầy nắng và gió, sau đó được lan truyền ra nhiều nơi khác trên cả nước. Ở mỗi miền bánh xèo lại được biến tấu theo nhiều cách khác nhau nhưng luôn mang hương vị đậm đà, khó cưỡng lại được.

Bánh xèo có mặt ở miền Tây đã từ rất lâu đời, đến nay đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong những buổi hội hè, vui chơi của người dân nơi đây. Bánh xèo miền Tây mang trong mình những nét rất riêng, cái “hồn cốt” của ẩm thực miền Tây Nam Bộ mà không thể lẫn vào đâu được. Điểm khác biệt ở bánh xèo miền Tây đó là kích thước rất lớn và mỏng hơn so với bánh xèo ở những nơi khác. Đặc điểm này tượng trưng cho lối sống thoải mái, phóng khoáng đặc trưng của người dân miền Tây. Thưởng thức một đĩa bánh xèo ở đây thì no nê quên lối về.

Bánh xèo miền Tây là sự kết hợp hài hòa giữa thứ bột gạo quen thuộc cùng thịt ba chỉ béo ngậy, tôm tươi sống, đậu xanh thơm ngon và giá sạch. Sau đó, hỗn hợp bột này được tráng trên những chảo nóng tạo ra một âm thanh “xèo xèo” rất vui tai, nghe thôi cũng đã đủ thèm thuồng. Sau khi chế biến xong, món bánh xèo nóng hổi sẽ được bày ra đĩa, cắt thành từng miếng vừa ăn và được ăn cùng với rau rừng và nước mắm chua chua, ngọt ngọt. Bánh xèo có một hương vị hết sức hấp dẫn, thật không hổ danh là thứ đặc sản “nức tiếng” miền sông nước.

Bánh xèo miền Tây
Bánh xèo miền Tây

Bánh tằm bì

Miền Tây Nam bộ có rất nhiều món ăn quen thuộc, được làm từ gạo như bánh xèo, bánh khọt, bánh tằm bì,…Người dân nơi đây còn sáng tạo thêm món bánh tằm bì với sợi bánh mềm, dẻo làm từ bột gạo, hấp chín, cùng bì cắt nhỏ, thịt lợn rán thái mỏng, rau thơm, dưa leo, giá sống,…thêm nước cốt dừa béo ngọt. Nguyên liệu quan trọng của bánh chính là sợi bánh phải hấp sao cho vừa mềm, vừa dai. Để có sợi bánh tằm ngon như vậy, bột phải được làm từ gạo ngon, ngâm qua đêm rồi mang đi xay. Giai đoạn quan trọng nhất là khuấy bột sao cho khéo léo, không dính mà lại dai. Thịt lợn phải chọn loại thịt mềm, sau đó đem rán vàng rồi mang cắt nhỏ, trộn với bì và nêm gia vị. Những sợi bánh tằm trắng, dai dai vừa được hấp chín thơm hương vị của bột gạo. Món này sẽ ngon đậm đà hơn là nhờ vị béo của nước cốt dừa. Dừa tươi vắt lấy cốt, sau đó trộn ít bột gạo, nêm ít muối, cho lên bếp khuấy sao cho có độ sánh vừa phải. Nước mắm pha sao cho có độ chua ngọt và cay cay để món ăn thêm phần hấp dẫn.

Món ăn kèm ít rau sống, bì, giá sống, dưa leo băm mịn. Khi ăn, bạn xé những cọng bánh tằm vừa hấp chín vào một cái đĩa, sau đó để tất cả những nguyên liệu lên trên. Rưới một ít nước cốt dừa nóng và nước mắm. Thế là bạn đã có một món ăn rất ngon, lạ miệng, cùng mùi vị khó quên khi thưởng thức. Đặc biệt, để món ăn thêm phần thú vị, bạn có thể cho thêm ít chả giò. Món bánh tằm bì có nhiều ở các tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ như Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang…

Bánh tằm bì thường được ăn kèm với nước cốt dừa và nước mắm chua ngọt. Cái vị béo ngậy của nước cốt dừa thấm vào từng cọng bánh, cọng bì hòa quyện với cái chua chua ngọt ngọt cay cay từ nước mắm, tổng thể tạo nên một món ăn thuần túy hương vị làng quê.

Bánh tằm bì
Bánh tằm bì

Bông súng mắm kho

Bông súng mắm kho là món ăn dân dã, bình dị nhưng hội tụ tất cả tinh túy của hương đồng gió nội. Mặc dù mộc mạc, đơn giản nhưng đây là món ăn đã đi vào ký ức của biết bao thế hệ người dân vùng sông nước Nam Bộ. Mùa nước về, khi mà súng nở rộ khắp trên những cánh đồng cũng là lúc người dân miền Tây nô nức hái về làm món bông súng mắm kho.


Bông súng nhổ về để nguyên cọng rửa sạch tước vỏ bên ngoài, ngắt mỗi cọng độ dài chừng hai gang tay để trong rổ cho ráo nước. Mắm kho phải là mắm cá sặc đồng nhận trong hũ mắm bằng sành dỡ ra có màu đỏ thẫm thơm lừng thì mới ngon.

Món ăn bông súng mắm kho là một món đậm đà hương quê của vùng sông nước miền Tây. Đây là một món ăn đậm nét văn hóa riêng của miền Tây và chỉ có vào mùa nước nổi. Cái vị đậm đà, cay cay của sả ớt quyện cùng mùi mắm đặc trưng. Thêm vào nồi lẩu là thịt ba chỉ, cà tím, tép,…Tất cả những sản vật mùa nước nổi miền Tây hòa quyện làm nên một nổi lẩu cực kỳ thơm ngon. Ngồi ăn bông súng mắm kho như cho vào cả một vùng đồng ruộng mùa nước nổi vào mồm. Ăn vừa ngon vừa bổ vừa rẻ. Mùi hương đồng gió nội đơn sơn mà ấm áp tình quê miền Tây vô cùng.

Nói về món mắm kho, tuy đơn sơ bình dị nhưng cũng phải tinh tế khi nấu lên. Mắm kho phải là mắm cá sặc đồng. Bạn phải tự làm hoặc mua nó từ cái xứ mắm Châu Đốc – An Giang mới đậm đà. Mở hũ mắm ra màu đỏ thẳm, thơm lừng cả một nhà mới là mắm ngon. Bạn có thể kho hay ăn sống rồi chấm mắm cũng là đủ no.

Bông súng mắm kho
Bông súng mắm kho

Cháo cua đồng

Ai đã từng về miền Tây và được thưởng thức món cháo cua đồng sẽ không bao giờ về được hương vị thơm ngon của riêu cua, vị ngọt của cháo và 3 loại rau không thể thiếu cho món cháo này là: Rau ngót, rau mồng tơi và mướp non. Ngoài ra, để tăng độ đậm đà cho món này thì không thể bỏ qua hột vịt lộn. Cua đồng là nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng bậc nhất để người dân quê chế biến vô vàn các món ăn hấp dẫn. Người thì cua rang me, người thì cua hấp muối, người thì cua rang tỏi,…Thế nhưng chưa có món nào dễ ăn và dễ để lại những lưu luyến trong lòng người dân bản xứ cũng như thực khách phương xa như món cháo cua.

Nấu cháo cua không khó, chỉ cần chút tinh tế, bạn sẽ có ngay món ăn đậm chất dinh dưỡng, hương vị khó quên. Vào độ tháng 6, khi mà miền Tây bước vào mùa mưa cũng là lúc người dân nơi đây hay làm món cháo cua đồng ấm nóng xua tan đi cái lạnh giá của những cơn mưa đầu mùa. Cua đồng sau khi bắt về rửa sạch, tách mai, bỏ yếm, lấy gạch cua để riêng vào một chén nhỏ. Thịt cua cho vào cối giã nát, lọc lấy nước. Công đoạn tiếp theo là bắt nồi nước cua lên bếp nấu đến khi thịt cua đóng thành váng thì vớt ra bát, cho từng nắm gạo vào khuấy đều đến khi gạo nở, nêm nếm gia vị nấu khoảng 30 phút nữa thì cho gạch cua vào ngấm đều gia vị là hoàn tất. Nếu bạn có dịp hãy về miền Tây, thử ngay món cháo cua đồng vào những ngày mưa thế này sẽ rất tuyệt nhé!

Cháo cua đồng
Cháo cua đồng

Cá rô kho tộ

Cá kho tộ là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình Nam Bộ. Vị tươi ngọt của cá mới bắt ở ruộng, hòa quyện với vị cay, ngọt, mặn của gia vị một cách tinh tế tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn. Cũng chính món cá kho tộ đã giúp cô gái Việt trở thành Vua đầu bếp Mỹ khi chinh phục những vị giám khảo khó tính nhất của chương trình Masterchef US. Nổi tiếng với thịt béo, dai, ngon, cá rô được người dân miền Tây làm thành nhiều món ăn hấp dẫn và ngon miệng. Trong đó, cá rô khô tộ là món ăn nổi tiếng được chế biến đơn giản nhưng lại đậm đà hương vị đồng quê.

Để làm được món này, quan trọng nhất không phải nằm ở việc chọn cá mà nằm ở việc có được 1 cái tộ tốt. Tộ ở đây chính là một cái nồi đất hầu như có mặt trong mọi gian bếp của người Nam Bộ. Người dân miền sông nước nói rằng cá được kho trong nồi đất thì mới ngon, mới cho hương vị đặc trưng. Nguyên liệu để làm món này là cá rô, thịt ba rọi. Cá đem về làm sạch, thịt cắt miếng vừa ăn để ráo nước. Cá rô kho tộ miền Tây là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình Nam Bộ. Vị tươi ngọt của cá mới bắt ở ruộng, cùng sự hòa quyện với vị cay, mặn, ngọt của các loại gia vị một cách rất tinh tế đã tạo nên một món ăn ngon vô cùng hấp dẫn.

Để làm được món này, đầu tiên cần một cái tộ (tô đất hay nồi đất). Do lối sống đang dần thay đổi nên nhiều người dùng nồi kim loại thay chiếc tộ đất, song bà con địa phương khẳng định chỉ có kho trong tộ đất thì cá mới ngon, mới mang hương vị “nguyên chất” mà không một loại nồi, niêu, xoong chảo nào thay thế được.

Cá rô kho tộ
Cá kho tộ

Mỗi vùng miền đều có những món ăn đặc trưng, đặc sản mang nét độc đáo, phong vị riêng theo khí hậu và địa lý thổ nhưỡng. Ngoài ra, tùy theo tính cách, lối sinh hoạt của con người từng vùng, từng miền mà ẩm thực cũng có sự khác nhau trong cách chế biến và thưởng thức. Nếu có dịp ghé thăm vùng đất miền tây Nam bộ bạn hãy nhớ thưởng thức những món ăn kể trên nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *