Top 18 Đặc sản ngon nổi tiếng nhất Thanh Hóa bạn nên thử khi đến nơi đây

Mảnh đất Thanh Hóa xưa giờ vốn nổi tiếng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Thế nên du lịch Thanh Hóa không chỉ là thưởng ngoạn cảnh đẹp nên thơ, những con … xem thêm…người hiếu khách. Mà còn là dịp con người ta trải lòng với những di tích lịch sử. Và nếu đã từng ghé thăm chắc rằng bạn cũng khó có thể bỏ qua nét độc đáo trong ẩm thực xứ Thanh. Hãy cùng Toplist điểm qua những đặc sản bạn không nên bỏ lỡ khi tới nơi đây nhé!

Nem chua

Nem chua Thanh Hóa là một trong những đặc sản phổ biến nhất Thanh Hóa được biết đến rộng rãi khắp cả nước. Tuy mỗi vùng có một hương vị nem chua đặc trưng riêng, nhưng nem Thanh Hóa dường như “nổi trội” hơn cả. Nem chua có nhiều loại: Nem dài, nem vuông, nem cối, nem thính, nem nướng… Tùy nhu cầu sử dụng mà làm ra. Nem chua chỉ gồm bì lợn thái chỉ, thịt mông nạc, thính gạo, gói cùng lá đinh lăng hoặc lá ổi bánh tẻ và các gia vị đặc trưng, để tạo ra một chiếc nem chua ngon đúng điệu cần phải có bí quyết gia truyền riêng.


Nem chua xứ Thanh thường được chấm cùng tương ớt cay. Vị ngọt của thịt heo quyện hòa với vị chua thanh nhẹ, vị cay của ớt tỏi, thơm bùi và sần sật dai dai của bì làm say đắm lòng người, chẳng dễ gì mà quên được. Không chỉ là sản vật để những người con xa quê nhớ về, nem chua còn là món quà đãi khách đầy mời gọi của quê hương Thanh Hóa, góp phần làm phong phú kho tàng ẩm thực dân tộc Việt.

Nem chua Thanh Hóa

Bánh Gai Tứ Trụ

Bánh Gai Tứ Trụ xuất xứ từ làng Mía thuộc hữu ngạn sông Chu, cách thị trấn Thọ Xuân khoảng 9km. Trước đây Bánh Gai Tứ Trụ chỉ xuất hiện trong các dịp lễ lạt, ngày hội họp hay cúng tế, ngày nay đã đường làm quanh năm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Nguyên liệu chính làm bánh gồm có lá gai, gạo nếp, đậu xanh, vừng và dầu chuối. Bánh gai thường được ăn sau khi hấp khoảng 10 giờ.

Bánh gai thành phẩm phải mịn và thơm ngon, có vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của dầu chuối, vị ngọt của mật mía, mùi thơm thanh dịu của đậu, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm thoảng của vừng và hương vị tự nhiên của lá chuối khô. Bánh gai Tứ Trụ được gói từng 5 chiếc một. Bột bánh được nặn từng cục tròn rồi dàn mỏng trên lòng bàn tay, đặt nhân vào giữa, vê lại cho nhân nằm gọn giữa lòng chiếc bánh, xoa cho bánh tròn thì lăn bánh trên chiếc mâm đã rải đều hạt vừng. Dùng lá chuối khô, thường là lá chuối tiêu để gói lại thành từng chiếc bánh vuông vắn, quấn một chiếc lạt giang bên ngoài.

Bánh Gai Tứ Trụ

Chè lam Phủ Quảng

Chè lam Phủ Quảng là món chè lam đặc sản của khu vực huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa được lấy theo tên của địa danh Phủ Quảng xưa (Vĩnh Lộc ngày nay). Trước đây, món ăn này thường được làm vào các dịp lễ tết để cúng tổ tiên và mừng đầu xuân năm mới. Miếng chè lam phủ Quảng thường có độ dày 1,5 cm, cạnh vuông 5 cm. Trước đây, khi chè lam đã nguội thường được gói vào lá chuối khô cho vào chum hoặc vại sành để bảo quản, ngày nay thường dùng túi nilon để gói.


Chè lam Phủ Quảng được làm từ những nguyên liệu quen thuộc như nếp, lạc, gừng, mật mía… Chè làm sau khi hoàn thành có màu vàng hườm có hình chữ nhật trông đẹp mắt, dùng nhâm nhi với trà xanh là đúng vị nhất. Ăn miếng chè lam sẽ có vị giòn của gạo rang, dẻo của bột nếp, cay cay của gừng và vị bùi của lạc. Mỗi vùng miền thường có một món đặc sản dân dã được làm từ nguyên liệu quen thuộc. Với vùng đất Thanh Hóa đó là món chè lam nức tiếng gần xa.

Chè lam Phủ Quảng

Bánh răng bừa

Ai đã có dịp về xứ Thanh đều không thể không nhớ đến hương vị thơm ngon, đậm đà của món bánh răng bừa trứ danh nơi đây. Gắn với điển tích có thật trong lịch sử, khi vua Lê Đại Hành đích thân xuống ruộng cày bừa trong lễ hội đầu năm mà để tưởng nhớ công lao của vị vua anh minh này, người dân làng Trung Lập, Xuân Lập, Thọ Xuân đã làm nên chiếc bánh lá răng bừa để tiến vua. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, với biết bao thăng trầm và biến cố nhưng hương vị quê hương của món bánh lá răng bừa, vẫn được giữ gìn và lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Sở dĩ có tên gọi là bánh răng bừa vì bánh có hình dáng giống cái răng bừa, nhiều nơi gọi là bánh lá, bánh tẻ. Đây là thức bánh dân dã truyền thống tại một số nơi như ở Thanh Hóa và một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bánh răng bừa có mùi thơm đặc trưng của lá chuối, bên trong là bột gạo tẻ mềm mịn, quyện cùng nhân thịt và mộc nhĩ. Bánh răng bừa chấm với nước mắm rắc hạt tiêu xay với chanh, tỏi, ớt hoặc chấm với tương ớt. Ngày trước, chỉ vào dịp ngày rằm, ngày giỗ và Tết Nguyên đán người ta mới làm bánh răng bừa để cúng. Ngày nay, có vùng làm bánh răng bừa bán quanh năm. Cũng có vùng chỉ làm nếu được người ta đến đặt làm. Ở xứ Thanh, nơi làm món bánh răng bừa nổi tiếng hơn cả là tại làng Trung Lập, huyện Thọ Xuân.

Bánh răng bừa

Canh lá đắng

Canh lá đắng là đặc sản đặc trưng của bản Mường ở Ngọc Lặc. Mang trong mình một vị rất đặc trưng như cái tên gọi của nó, được nấu từ lá đắng của cây đắng. Cây đắng vốn là loại cây rừng, thường mọc ở khe núi, ven rừng, khi trở thành thứ rau ngon, người dân đem về trồng trong vườn. Cây lá đắng gần như cho lá xanh tốt quanh năm, nhưng phát triển mạnh nhất trong mùa mưa. Lá đắng thon dài, tỏa ra thành chùm như lá sắn. Canh lá đắng chuẩn nhất là khi nấu cùng với thịt gà, lòng gà rừng.

Ngày nay, lá đắng còn được biến thể nấu cùng thịt nạc vai, thịt ba chỉ băm nhỏ, hoặc lòng lợn, có khi lại nấu cùng với cá rô đồng, cá mương… trở thành món ăn bổ dưỡng không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày của người bản xứ. Những người thưởng thức lần đầu sẽ có cảm giác đắng ngắt tê tê nơi cổ họng, nhiều người còn nhắm mắt, rùng mình vì chưa bao giờ ăn phải một thức nào đắng chao đảo đến như vậy. Nhưng chính vị đắng đó lại đánh thức vị giác của bạn khiến bữa ăn ngon miệng hơn. Đây là món ăn bản xứ và ít được đưa vào kinh doanh vì vậy du khách hãy cùng đến đây và trải nghiệm món ăn này nhé!

Canh lá đắng

Cá rô Đầm Sét

Cá rô Đầm Sét thuộc xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa nằm bên dòng hạ lưu sông Chu, là vùng đất có nhiều con rạch, ruộng nước, ao hồ giàu lượng phù sa. Ngày xưa, cá rô Đầm Sét là một trong những đặc sản tiến Vua, còn bây giờ đã trở thành món ngon khiến thực khách nhớ mãi về đất Thọ Xuân. Chỉ với mồi lửa vào đống rơm, rạ hay vài cành củi khô, nướng tới khi cá cháy đen vẩy là có thể khui ra ăn nóng. Nếu muốn cầu kỳ hơn, người đầu bếp có thể luộc chín cá rồi gỡ từng miếng nhỏ đem nấu canh cải. Món canh sẽ có ngọt thơm vị tự nhiên của cá, thêm chút gừng thái nhỏ, rất thích hợp cho những bữa cơm ấm áp trong ngày mưa.

Thực khách có thể thưởng thức cá rô Đầm Sét quanh năm nhưng ngon nhất vào mùa hè. Cá rô khi mang bầu, bụng sẽ rất to và khi chế biến những con cá này, trứng cá sẽ có một màu vàng ươm và có mùi vị béo ngậy. Nếu bạn muốn thưởng thức món cơm cá rô rán thơm lừng thì bạn nên chọn những con cá rô bé. Bởi vì khi rán lên, bạn có thể ăn được cả xương và đầu. Nếu bạn muốn rán cá vàng giòn và không bị nát thì bạn không nên đánh vẩy. Bạn có thể thưởng thức những món cá rô trên ở bất kỳ nơi nào trên đất nước này. Nhưng chỉ có làng Đầm Sét ở xứ Thanh mới có thể cho ra những món cá rô đặc trưng và hấp dẫn nhất.

Cá rô Đầm Sét

Gỏi cá Nhệch

Cá nhệch là loại có hình dáng giống lươn nhưng to và dài hơn, thường sống ở nước lợ mặn, trong hang hoặc dưới đất. Để bắt được loại này người ta có rất nhiều cách bắt nó, có thể dùng đó đơm, xỉa đâm hoặc chém. Cá nhệch nhiều thịt, ít xương và nhiều chất đạm lành cho cơ thể con người. Món này rất giàu chất dinh dưỡng và được phái mạnh rất yêu thích. Cá nhệch được đánh bắt tại Nga Sơn rất béo, bụng trắng vàng óng, lưng xanh mầu đá thẫm.

Công đoạn sơ chế cá cũng khá công phu và đòi hỏi sự tỉ mỉ cũng như cẩn thận. Cá nhệch được làm sạch nhớt bằng cách cho cá vào tro bếp rồi tuốt hết tro hoặc dùng nước vôi trong ngâm tuốt, rửa sạch là hết nhớt. Sau khi làm hết nhớt, lấy dây buộc cổ và treo nhệch lên sau đó dùng dao cắt khoanh da quanh cổ để lột da như lột da rắn, lớp thịt trắng hồng hiện ra sau lớp màng trắng xanh của da. Cắt đầu, rút bỏ ruột, dùng giấy thấm khô, lấy dao sắc mỏng tách xương lọc thịt. Xương lọc ra băm nhỏ làm chẻo ăn kèm với gỏi cá cực kì thú vị.


Gỏi cá Nhệch là món ngon nức tiếng ở vùng quê Nga Sơn. Điểm nhấn cho gỏi cá Nga Sơn chính là chẻo nhệch. Chẻo ăn cùng gỏi cá là bí quyết làm nên sự khác biệt, được chế biến từ xương cá giã nhuyễn chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị đặc trưng khác. Chẻo bày ra bát nhỏ, có màu đỏ sậm, đặc sánh, đậm đà, váng mỡ và thơm nức mũi. Cảm nhận đầu tiên khi nhai là vị giòn giòn, hơi chát của các loại rau, tiếp đến là vị béo ngậy của chẻo, vị ngọt bùi dai giòn của gỏi cá, vị cay, nồng, thơm, nóng của gừng, xả, ớt… Cảm giác ngọt, béo, bùi, xen lẫn giòn dai mềm và thơm mát khiến người ăn thấy ngon miệng vô cùng, ăn bao nhiêu cũng không thấy chán.

Gỏi cá Nhệch

Nem nướng Thọ Xuân

Ngoài món nem chua, người Thanh Hóa còn tự hào với đặc sản nem nướng Thọ Xuân. Nguyên liệu làm nem nướng tương đối giống nem chua nhưng lớp ngoài nem còn được cuốn thêm lá ổi để giúp quả nem lên men tốt hơn. Nem nướng kết hợp cùng lá sung, đinh lăng, lá ổi, chấm thêm chút tương ớt cay cay sẽ là món mồi nhậu tuyệt hảo. Qủa nem sẽ được cuốn trong lá chuối rừng hoặc chuối hột để lên men cho ngấu. Trước khi ăn, người ta thường nướng vùi quả nem trong than bếp, để lớp lá chuối bên ngoài cháy xém, lộ phần nhân bên trong, tỏa hương thơm béo ngậy.

Một điểm khác biệt khá rõ là thịt lợn khi làm nem nướng không xay nhuyễn như nem chua mà được thái thành những lát mỏng, nem chua sau khi chín có thể ăn trực tiếp còn nem nướng thì cần trải qua công đoạn nướng nữa mới hoàn thành. Nem sau khi nướng có mùi của lá chuối, lá đinh lăng quyện mùi bì lợn và tiêu thơm lừng. Khi ăn, nem nướng có vị béo và bùi của của thịt dính một chút mỡ, vị ngọt và giòn của bì lợn, vị thơm nồng của tỏi ớt. Một chiếc nem nướng chua nhẹ, nóng hổi, cay nồng của tỏi ớt là những trải nghiệm hấp dẫn khó quên khi thưởng thức món ăn này.

Nem nướng

Rượu Chi Nê

Rượu Chi Nê là đặc sản nổi tiếng của làng Chi Nê, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Với hương vị đặc trưng mà không có bất kỳ loại rượu nấu theo phương thức cổ truyền nào có thể sánh kịp, rượu Chi nê đã được trao tặng huy chương vàng hàng Việt Nam chất lượng cao, phù hợp tiêu chuẩn, vì sức khỏe cộng đồng. Có lẽ chính nhờ hương vị thơm ngon, đậm đà được chắt lọc từ những gì tinh túy nhất của thiên nhiên mà rượu Chi Nê được UBND Tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen sản phẩm tiêu biểu xứ Thanh và đã trở thành một trong 5 sản vật quý của người dân xứ Thanh làm say đắm lòng người tứ xứ khi dừng chân lại mảnh đất này.

Theo nhiều gia đình ở xã Cầu Lộc cho biết, rượu Chi Nê có được hương vị đặc biệt là do được sản xuất từ nguyên liệu gạo quê do chính người dân nơi đây trồng kết hợp với nguồn nước và men dùng để ủ rượu, cộng thêm những bí quyết gia truyền của ông cha ta để lại. Nguồn nước để nấu rượu được lấy từ nguồn nước ngầm ở các làng Thiều Xá, Đông Thôn và Cầu Thôn trong xã. Đây là nguồn nước tinh khiết không có độc tố kết hợp với loại men gia truyền làm từ 36 vị thuốc do người dân nơi đây tự chế ra và quá trình chưng cất công phu và tỉ mỉ với những công đoạn như nấu rượu, lên men… đã làm cho rượu có mùi thơm đặc biệt, vị ngọt, cay riêng. Vì vậy rượu Chi Nê chỉ ngon khi nó do chính tay người Cầu lộc nấu trên mảnh đất quê hương. Đây chính là món quà đặc biệt mà thiên nhiên đã ưu ái khi ban tặng cho mảnh đất xứ Thanh. Vì thế suốt bao đời nay người dân cầu lộc vẫn luôn duy trì, bảo tồn và phất huy nghề đọc đáo của ông cha ta để lại với niềm tự hào riêng.

Rượu Chi Nê

Chả tôm Thanh Hóa

Chả tôm là món ăn phổ biến ở vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt ở Thanh Hóa nó là một món đặc sản không thể không nhắc tới. Cách làm chả tôm đơn giản nhưng đòi hỏi nguyên liệu phải thật tươi ngon. Tôm bột không cần loại to, phải thật tươi, rửa sạch đem hấp hoặc luộc qua để dễ bóc vỏ, bỏ đầu đuôi, chỉ đen ở sống lưng, giã nhỏ. Cần thêm thịt ba chỉ rán vàng rồi băm lẫn với hành khô và bánh phở cắt nhỏ để tạo thành hỗn hợp nhân, nêm gia vị vừa ăn, cho vào chút hạt tiêu tạo vị cay thơm.

Phần vỏ ngoài của chả là bánh phở, loại dày và dai vừa phải để khi cuốn không bị rách, cắt đều mỗi miếng có chiều ngang chừng 4 cm, dài 7 cm. Nước chấm ăn kèm chả tôm cũng phải đủ vị, đu đủ xanh thái mỏng, quả sung thái lát, ớt tươi, tỏi, dấm, đường… làm dưa góp và nước mắm cốt pha loãng. Không thể thiếu rổ rau sống tươi ngon gồm rau diếp, mùi, húng…Tiết trời se lạnh, quây quần bên bếp than hồng để đợi từng vỉ chả tôm, nghe tiếng mỡ xèo xèo và mùi thơm ngầy ngậy lẫn trong khói thì thật thú vị. Nếu có dịp ghé qua Thanh Hóa bạn đừng bỏ lỡ món ăn thú vị này nhé!

Chả tôm Thanh Hóa

Bưởi tiến vua

Có nguồn gốc từ làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là giống bưởi được dâng vua thời hậu Lê. Dù mới được khôi phục lại và bán ra thị trường vài năm nay song bưởi đỏ của vùng này đang rất đắt hàng mỗi dịp cuối năm. Khi chín vỏ chuyển sang màu đỏ rực, múi bưởi to ăn ngọt. Bưởi này có màu sắc khá đẹp nên hay được dùng trưng ngày tết và giá thành rất đắt.

Theo các cụ cao niên trong xã, xưa kia bưởi Luận Văn dùng để tiến vua, còn ngày nay được nhiều người dân tìm mua để thờ cúng trong mỗi dịp lễ Tết. Màu đỏ của quả bưởi Luận Văn được cho là sẽ đem lại may mắn, thịnh vượng khi bày trong mâm quả. Người dân địa phương cho hay, bưởi Luận Văn từng có thời gian gần mất giống. Nhận thấy giá trị kinh tế đặc biệt của nó, những năm gần đây, người dân làng Luận Văn đã nỗ lực duy trì và phát triển giống cây ăn quả quý hiếm này.

Bưởi tiến vua

Phi Cầu Sài

Phi là loài hải sản sống ở nước mặn lẫn nước lợ nhưng có nhiều ở vùng ven biển Cầu Sài – Thanh Hóa. Ít ai biết rằng loài hải sản có tên rất lạ này từng là sản vật tiến vua. Vậy phi có gì mà hấp dẫn đến vậy? Phi có hình dạng như trai biển, ruột dày trắng ngần. Trong đó phi cầu Sài là loại ngon và đậm đà nhất. Phi thường sống dưới cát và phải dựa bào con nước mới có thể đào được phi. Công việc đào phi rất gian nan nhưng mang đến món ngon cho đời xem ra người xứ Thanh không nề hà gì.

Phi có thể chế biến thành các món khác nhau. Nếu muốn thưởng thức hương vị tinh nguyên bạn có thể ăn tái. Ngoài ra các món như nấu canh, rán khi kếp hợp cùng gia vị lại càng làm tăng hương vị của phi. Đặc biệt phi phải được ngâm sạch cát và chế biến sống thì món ăn mới được xem là đúng chuẩn ngon.

Phi Cầu Sài

Cháo canh

Cháo canh – tên gọi độc đáo mà ít người biết đến. Nếu có dịp ghé Thanh Hóa, chắc chắn bạn đừng bỏ lỡ món ăn đặc biệt này nhé. Món đặc sản này làm từ những nguyên liệu quen thuộc: Bột gạo, bánh canh và nước hầm xương ống ngon ngọt. Những sợi bánh canh là nguyên liệu được lựa chọn rất kĩ càng, sợi bánh canh phải mềm, dai vừa phải. Hơn nữa khi chuẩn bị nguyên liệu bánh canh thì sẽ chần qua nước ấm sau đó nhúng với bột gạo. Cách làm này khiến tô cháo sánh mịn thơm ngon.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu thì bạn sẽ tiến hành tìm hiểu cách nấu cháo canh. Nước dùng đun từ xương heo là rất hợp lý, đảm bảo độ ngon ngọt tự nhiên của món ăn. Nước dùng đun từ xương ống heo hoặc tôm và thịt lợn. Sau khi nấu nước dùng, thì sợi bánh canh được cho vào nồi sau cùng, đun khoảng 2 – 3 phút. Một tô cháo canh nóng hổi thêm chút sa tế cay nồng, một chút rau mùi và rau sống ăn kèm quả không còn gì ngon bằng. Món ăn này khiến bạn phải xuýt xoa và trầm trồ khen ngon đấy.

Cháo canh

Bánh đúc sốt

Bánh đúc sốt là món ăn dân dã và gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người con xứ Thanh. Cùng tên gọi nhưng bánh đúc sốt có hương vị riêng và màu xanh ngọc rất đẹp. Bánh được làm từ bột gạo, khi ăn thì rải đậu xanh đánh tơi lên. Đúng như tên gọi bánh đúc sốt phải ăn khi còn nóng hôi hổi. Thậm chí người bán còn phải bọc nồi qua lớp vải và nilong để giữ nhiệt. Bánh đúc sốt vừa ăn vừa xuýt xoa vì “nóng sốt” vừa mê mẩn vị bùi bột gạo và béo ngọt của đậu xanh đánh. Những đôi gánh nhún nhẩy thoăn thoắt trên đường làm người ta nhớ quay quắt tuổi thơ có dăm đồng bạc đã chạy ra ngõ ngóng trông cô bán bánh đúc sốt ghé ngang qua.

Để làm ra món bánh đúc sốt ngon, người làm bánh phải chọn loại gạo tẻ ngon đem vo sạch, ngâm vài tiếng đồng hồ trước khi mới đem xay thành bột mịn. Muốn bánh được dẻo, thơm thì nguyên liệu không thể thiếu của món bánh đúc là nước vôi. Vôi hòa chung với nước lạnh, để vài tiếng đồng hồ cho lắng cặn rồi chắt lấy nước vôi trong. Nước vôi trong pha với bột gạo phải theo đúng tỉ lệ để chiếc bánh đạt đúng độ sánh, mịn, dẻo mà không bị quá đặc cũng không quá loãng. Sau khi pha xong phải đợi khoảng 3 tiếng sau để cho mùi vôi bay đi hết mới đem đi nấu. Dùng đũa cả cỡ lớn quấy liên tục để bột chín đều mà không bị cháy ở đáy nồi. Quấy khoảng 15 phút bột bắt đầu sánh lại, tay bắt đầu nằng nặng thì đổ nước cốt rau ngót hoặc rau cải vào. Đây là cách tạo nên màu xanh ngọc của bánh đúc sốt. Sau đó, tiếp tục giữ lửa liu riu và quấy đều cho đến khi bánh chín, khoảng 1 tiếng.

Nồi bánh nhấc khỏi bếp được đặt trong thúng có lớp vải và nilông bao bọc kỹ hoặc xô có nắp đậy để giữ nhiệt. Có khách ăn, bánh mới được múc ra. Một lớp đỗ xanh luộc (hấp) chín, đánh tơi bên dưới sau đó lớp bánh đúc sốt màu xanh ngọc sóng sánh, nóng hôi hổi trải lên trên, tiếp đến lại một lớp đỗ xanh bao trùm miệng bát, cuối cùng là vài ba miếng tóp mỡ béo ngậy, ít hành phi thơm nức mũi. Bạn đã thấy hấp dẫn với món bánh đúc sốt chưa nào?

Bánh đúc sốt

Bánh khoái tép

Bánh khoái thoạt nhìn bề ngoài như bánh xèo ở miền Nam. Thế nhưng khi thưởng thức lại có một phong vị rất riêng của xứ Thanh. Nguyên liệu chính để làm món bánh khoái tép là gạo tẻ. Gạo sau khi ngâm vừa đủ thì đem xay thành bột nước. Để làm ra món bánh khoái tép còn cần thêm các nguyên liệu khác như rau cần, bắp cải, hành… và đặc biệt là tép tươi. Tép làm bánh khoái phải là tép đồng tươi đang còn nhảy tanh tách được mua từ sáng sớm rồi rửa sạch, ướp gia vị và xào chín. Rau cần bỏ lá chỉ dùng thân cắt khúc vừa ăn, bắp cải được thái sợi nhỏ…

Để bánh khoái ngon, gạo làm bột phải được chọn từ loại gạo quê để bột không bị dẻo, bánh khoái mới khô và giòn. Chảo dùng tráng bánh phải là những chiếc chảo gang sâu lòng để bánh giòn mà không bị cháy. Tép phải thực sự tươi thì bánh mới thơm bùi đúng vị. Bánh khoái phải ăn nóng mới ngon, vì vậy khách thường đến ăn tại quán. Khi có khách gọi, cô Loan mới bắt đầu tráng bánh. Đầu tiên là cho chút dầu mỡ láng một lớp thật mỏng trên mặt chảo rồi rải đều rau cần, rau bắp cải lên, sau đó rắc những con tép đỏ hồng lên phía trên và cuối cùng là đổ bột để khoảng 1 phút thì lật bánh cho chín đều rồi cho ra đĩa là có thể ăn được.

Bánh khoái tép

Bánh đa Minh Châu

Làng Minh Châu nằm ở xã Thiệu Châu, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, nằm ở bên bờ sông Chu. Ngôi làng nổi tiếng với nghề làm bánh đa hàng trăm năm nay. Ngay cả những người cao tuổi nhất của làng cũng không nhớ nghề làm bánh đa có từ bao giờ. Tuy nhiên, nghề này đã gắn với cái tên của làng. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, bánh đa của làng Minh Châu vẫn còn được lưu giữ đến tận ngày nay, từ hình dáng, hương vị cho đến cách sản xuất không thay đổi quá nhiều.


Làng nghề Minh Châu vốn nổi tiếng hơn trăm năm nay với thứ bánh đa thơm nồng nàn. Ngôi làng quanh năm luôn rộn rã với những đôi tay thoăn thoắt tráng bánh, phơi bánh cả ngày. Bánh đa thường làm bằng bột gạo có nơi thì dùng bột sắn, đậu xanh, ngô…Và với những tỉ lệ pha bột độc quyền đã tạo ra chiếc bánh không lẫn vào đâu. Khi tráng cho thêm ít mè đen tạo nên sự béo bừi khó cưỡng. Tùy vào độ dày mà người ta dùng bánh đa với các món ăn khác nhau. Nhưng dù xuất hiện kèm với bất kỳ món nào thì bánh đa Minh Châu luôn giữ được hương vị thơm ngon nổi tiếng của nó.

Bánh đa Minh Châu

Bánh nhè

Bánh Nhè vốn là món ăn vặt dân dã của trẻ con vùng Thanh Hóa. Món bánh thơm lừng được làm từ những nguyên liệu thật dân dã bình dị, như kết tinh cái hồn đồng ruộng, sông nước của miền đất xứ Thanh với nhân dừa, đậu xanh và đường được gói trong lớp bột nếp dẻo mịn. Bánh nhè được nấu bằng đường mật mía và gừng nên rất thơm ngon. Bánh nhè là niềm thương nỗi nhớ của những người con xa quê, lại là những gì thân thuộc, một thói quen không thể thiếu của người dân và là nỗi lưu luyến đối với khách đặt chân tới xứ này.


Bánh nhè là thứ được xếp vào loại hàng rong bình dân và rẻ tiền. Thế nhưng nếu đã một lần thưởng thức đảm bảo bạn sẽ không thể nào quên được món ăn này. Thứ bánh được làm từ bột nếp, nhân là đậu xanh và dừa sợi, phần nước ăn kèm được nấu từ mật mía thêm vài lát gừng sao mà hấp dẫn đến thế? Bánh nhè dẻo bùi có vị ngọt của mật mía và mùi thơm thanh tao của gừng. Những đôi gánh bánh nhè thường bán vào lúc chiều lúc mà nhúng cái bụng đã vơi đi. Trách sao ai cũng ngóng trông cô bán bánh nhè ghé qua phố một lần.

Bánh nhè

Canh lá Lằng

Cây lá lằng là loại cây thân gỗ cao cỡ chừng ba bốn mét, mọc hoang ở vùng núi, dọc triền dốc và gần bờ khe, con suối. Lá lằng có cành tỏa xòe thành tán, lá kép, mọc đối, thân lá có năm bảy khía. Lá màu xanh thẫm có răng cưa, gân lá màu đỏ bầm. Vào mùa tháng 4 đến tháng 7 là cây lằng cho nhiều lá và ngon nhất, người dân nơi đây thường lấy lá tươi về phơi khô dành ăn quanh năm. Canh lá lằng có vị đắng chát rồi ngọt dần nơi cổ họng. Những ngày hè oi nóng chỉ cần một chén canh nhỏ cũng làm dịu mát đi biết bao phần.

Cách nấu món canh này không quá cầu kì. Tép sau khi đánh bắt về thì rửa sạch rồi cho lên bếp rang cùng với mắm muối và cà chua. Đợi đến lúc cà chua tan nhuyễn và tép đã ngấm gia vị thì cho thêm lượng nước vừa ăn rồi đun sôi sau đó cho một nhón lá lằng đã thái nhỏ vào là đã có món canh ngọt mát. Ngoài việc được sử dụng làm món ăn, lá lằng còn là một bài thuốc quý chữa mẩn ngứa, rôm sảy và có tác dụng tiêu hóa rất tốt.

Canh lá lằng không chỉ là món ăn dân giã “gây nghiện” không thể thiếu của người dân xứ Thanh, mà giờ đây nó còn được rất nhiều du khách ngoài vùng biết đến. Lá lằng trở thành một nông sản hàng hóa được bày bán ở khắp các chợ lớn nhỏ và là món quà quê đặc sản dành cho các du khách gần xa.

Canh lá lằng

Hy vọng bài viết mang lại nhiều thông tin bổ ích cho những ai đang có ý định khám phá và thưởng thức đặc sản xứ Thanh. Đặc biệt mong muốn đem những đặc sản Thanh Hóa quảng bá với nhân dân khắp cả nước.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *