Châu Á là cái nôi của Phật pháp, tại nơi đây có biết bao nhiêu ngôi chùa, đền nổi tiếng không chỉ vì sự linh thiêng mà còn bởi thắng cảnh tại những địa điểm du … xem thêm…lịch tâm linh này thực sự khiến người ta tịnh tâm, cảm thấy thanh thản mỗi khi tới thăm. Hãy cùng TopList tìm hiểu top những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất châu Á các bạn nhé!
Chùa Wat Rong Khun
Đây là ngôi chùa không còn mấy xa lạ với chúng ta được xếp trong danh sách những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất châu Á – một ngôi chùa Phật giáo kết hợp giữa thiết kế nghệ thuật truyền thống của các tôn giáo cùng với nghệ thuật đương đại: Wat Rong Khun, Thái Lan. Wat Rong Khun còn có tên gọi là Chùa Trắng, đây là ngôi chùa mang kiến trúc kỳ lạ và đẹp bậc nhất thế giới ở Chiang Rai, Thái Lan, thu hút rất đông du khách tham quan hàng ngày. Có thể bạn chưa biết, toàn bộ ngôi chùa được sơn màu trắng. Đó phải chăng là màu trắng tượng trưng cho sự thanh tao, từ bi của Đức Phật?
Phần lớn tất cả các đồ trang trí trong ngôi chùa này đều là màu trắng. Tuy nhiên, vẫn có một số nhỏ các vật có màu vàng, làm ta liên tưởng đến ánh sáng soi đường của Phật pháp cứu khổ, cứu nạn cho con người. Nó biểu trưng cho sự thoát khỏi bóng tối và sự cám dỗ để chạm tới thần linh của con người trần tục. Wat Rong Khun cũng có một vài mảnh kính phản quang, tựa như là phần trí tuệ, tri thức vô hạn của Đức Phật tỏa sáng cho toàn bộ vũ trụ. Nếu có cơ hội đến Thái Lan du lịch thì không thể bỏ qua ngôi chùa này đâu nha.
Đền Angkor Wat
Quần thể di tích đền Angkor Wat là một trong những kỳ quan thế giới và cũng là một địa điểm du lịch tâm linh ở Campuchia rất nổi tiếng. Nơi đây mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt khách thập phương đến tham quan, khám phá. Nếu đi du lịch Campuchia mà không ghé Angkor Wat thì bạn đã thiếu đi 50% trải nghiệm ý nghĩa của chuyến đi rồi. Vậy thì ở nơi này có điều gì kỳ thú? Hãy cùng toplist tìm hiểu về quần thể đền Angkor Wat và những điều độc đáo xung quanh ngôi đền này nhé.
Angkor Wat đã được các nước phương Tây biết đến khi một vị tu sĩ của Bồ Đào Nha đến thăm đền thờ và miêu tả nó giống như “một công trình kiến trúc phi thường” mà ngôn từ khó có thể biểu lộ hết được. Tại đây không chỉ có tháp mà còn được trang trí bằng mọi sự tinh túy kết tinh từ sự sáng tạo và trí tuệ của con người. Khi đến thăm Angkor Wat, mọi người thường ghé thăm các di tích lân cận là Angkor Thom hoặc là Bayon – hai ngôi đền tuyệt đẹp là cố đô của đế chế Khmer. Thời xưa khi các vị vua Khmer thua trận rồi chạy về Phnom Penh thì ngôi đền đã dần dần bị rừng già che phủ và lãng quên. Đến năm 1860, một nhà thám hiểm người Pháp tên Herri Mouhot mới phát hiện và khám phá ra ngôi đền Angkor Wat hùng vĩ này.
Chùa Vàng Punjab
Ngôi chùa được xây dựng trên hồ nước nhỏ, yên tĩnh ở Punjab, Ấn Độ cũng có tên trong danh sách những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất châu Á. Ngôi chùa này còn được biết đến với cái tên là chùa Vàng, tương truyền đây từng là nơi yêu thích của Đức Phật khi đến để hành thiền. Người sáng lập ra đạo Sikh sau này là Guru Nanak cũng thường chọn đây là nơi suy ngẫm, hành thiền.
Ngôi đền thiêng liêng nhất của đạo Sikh là địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng những ngôi đền tráng lệ, lắng nghe tiếng tụng kinh đều đều trong không gian và tận hưởng bầu không khí tĩnh tại đầy cảm hứng. Vẻ đẹp kiến trúc nguy nga, không gian tĩnh lặng đầy quyến rũ và lòng hiếu khách nồng nhiệt là những gì chờ đón du khách tại chùa Vàng. Hãy cùng những khách hành hương dạo quanh ngắm nhìn vẻ đẹp huyền bí của quần thể đền có từ thế kỷ 16 này.
Nơi đây lấy tên gọi Chùa Vàng từ Harmandir Sahib lộng lẫy nằm ở trung tâm quần thể, chính giữa một hồ nước thiêng. Đây là ngôi đền thiêng liêng nhất của đạo Sikh, địa điểm quy tụ tín đồ theo nhiều tín ngưỡng khác nhau. Ngôi chùa nằm ở trung tâm lịch sử sôi động của Amritsar. Từ đây, du khách chỉ mất 10 phút để đi bộ đến những danh lam, thắng cảnh quan trọng của thành phố như Chợ Katra Jaimal Singh và công viên tưởng niệm Jaillanwala Bagh. Du khách có thể sử dụng dịch vụ xe buýt miễn phí để di chuyển giữa ngôi đền và ga Amritsar Junction.
Chùa Prambanan – Indonesia
Quần thể đền thờ Prambanam được xây dựng từ năm 850 dưới triều đại của Vương quốc Medang. Để tôn thờ ba vị thần linh thiêng của đạo Hindu là : thần Brahma, thần Vishnu, thần Shiva. Hiện nay đây chính là ngôi đền thờ Hindu lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. Có thể bạn chưa biết, Prambanan được đặt ở trên độ cao 47 mét với ba tòa nhà,trong đó mỗi tòa được dành riêng để thờ một vị thần, cụ thể là Vishnu, Shiva và Brahma.
Theo như các tài liệu đã được ghi chép lại, ban đầu ngôi đền có tehen là Shiva Grha (có nghĩa là ngôi nhà của thần Shiva) với mục đích chính là để thờ vị thần này. Vị vua Rakai Pikatan muốn chứng tỏ rằng nhà Sanjaya đã từ bỏ phật giáo để quay trở về với Hindu giáo. Người ta cũng cho rằng ngôi đền được sinh ra để ganh đua với ngôi đền phật giáo Borobudur. Tên gọi Prambanan chính là tên của ngôi làng gần vị trí mà ngôi đền này tọa lạc.
Ngôi chùa có tất cả các mặt hướng về phía đông, bởi lẽ người ta cho rằng đó là hướng của sự thiêng liêng. Chưa hết, bao quanh ngôi chùa này có tới 250 ngôi đền, chùa nhỏ hơn đó nhé. Nếu có dịp tới Indonesia thì phải tới thăm Prambanan một chuyến. Không phải tự dưng mà nó được xếp vào vị trí thứ 7 trong danh sách mười ngôi chùa đẹp nhất thế giới đâu nhé. Hãy đến và trải nghiệm, bạn chắc chắn sẽ không phải thất vọng đâu.
Đền Sri Ranganathaswamy
Không chỉ có những ngôi chùa nổi tiếng được liệt kê vào danh sách này đâu nhé bởi lẽ ngôi đền Sri Ranganathaswamy nằm ở Srirangam của Trichy, Ấn Độ cũng là địa điểm lí tưởng dành cho bạn. Ngôi đền Sri Ranganathaswamy nằm trong thành phố Tiruchirapalli của Ấn Độ, là ngôi đền Hindu quan trọng lớn nhất trên thế giới (Ankor là ngôi đền lớn thứ hai). Ngôi đền này được xây dựng cho Vishnu, một trong ba vị thần trong đạo Hindu.
Truyền thuyết kể rằng, trước kia, một nhà hiền triết đã đến nơi đây và đặt một bức tượng của Vishnu dựa trên một con rắn lớn. Khi ông chuẩn bị bắt đầu chuyến đi của mình, ông đã phát hiện thấy rằng bức tượng không thể di chuyển được, và vì thế ngôi đền nhỏ đã được xây dựng ở đó. Qua nhiều thế kỷ, ngôi đền càng ngày càng trở nên to lớn hơn rất nhiều so với kích cỡ ban đầu của nó.
Ngôi đền này nằm trong một vùng đất rộng khoảng 63 ha. Nó khá nổi tiếng bởi những kim tự tháp màu sắc rực rỡ, có lối vào nằm dưới mặt đất. Toàn thể ngôi đền có tất cả 21 kim tự tháp như thế, trong đó kim tự tháp lớn nhất gồm có 15 tầng, và cao tới 60m. Chỉ nhìn vào bức ảnh chụp ngôi đền cũng thấy được sắc màu của nó rực rỡ ra sao, chưa kể đến những họa tiết bên ngoài được chạm khắc hết sức điêu luyện, tinh sảo. Có cơ hội nhất định phải tới thăm ngôi đền nổi tiếng của Ấn Độ nhé!
Chùa Shwedagon ở Myanmar
Địa điểm tiếp theo mà Toplist muốn giới thiệu cho các bạn là chùa Shwedagon ở Myanmar. Đây là ngôi chùa Phật giáo mạ vàng có độ cao lên đến 98 mét, được trang trí bằng vàng nặng gần 9 tấn. Theo truyền thuyết, chùa Shwedagon có hơn 2.500 lịch sử. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ ước tính công trình bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ 6. Chùa xuất hiện trong văn bản lịch sử từ năm 1485, khi truyền thống dát vàng các tháp Phật hình thành. Thành viên hoàng gia thường cúng số lượng vàng bằng hoặc gấp nhiều lần cân nặng của mình để làm lá vàng dát lên tháp.
Shwedagon đã được trùng tu nhiều lần do hư hại từ các thảm họa tự nhiên và chiến tranh. Trải qua nhiều lần động đất như năm 1769, đầu thế kỷ 20 và một vụ hỏa hoạn lớn vào năm 1931, chùa Shwedagon vẫn đứng vững trên đỉnh đồi. Ngôi chùa được coi là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, của bản sắc quốc gia. Đây là nơi diễn ra các hoạt động chính trị trong quá trình giành độc lập của Myanmar.
Tòa tháp chùa nằm ở trong thủ đô của Myanmar, phía tây của hồ Kandawgyi. Người ta cho rằng tại ngôi chùa này có lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo, gồm cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, một mảnh áo của Phật Ca Diếp và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca Mầu Ni. Vào ban đêm, khi những ánh đèn thắp sáng lên làm cho chùa càng trở nên lung linh huyền ảo lạ thường. Nhìn từ xa, đây chẳng khác nào một tòa tháp dát vàng chói lọi. Đây là một địa điểm lí tưởng dành cho ai muốn thư giãn, làm cho tâm hồn mình thanh tịnh hơn.
Đền Tiger’s Nest
Bhutan được biết đến là đất nước Phật giáo với nhiều ngôi chùa và tu viện được xây dựng. Một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất tại đây là đền Tiger’s Nest. Ngôi đền nằm ở độ cao hơn 3.000 m cheo leo bên vách đá thẳng đứng của thung lũng Paro, Bhutan. Đền Tiger’s Nest đã tồn tại hơn 300 năm và là một trong những ngôi đền bí ẩn bậc nhất thế giới. Đến du lịch tại Bhutan, nhiều du khách đã lựa chọn ghé thăm nơi đây để cầu mong những điều tốt lành trong năm mới. Bên cạnh việc hành hương, du khách còn được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và cảm nhận không gian yên bình tại đây.
Đền Tiger’s Nest được liệt kê vào một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất châu Á đó nhé. Nest Tiger là nơi thờ Guru Rinpoche – người được coi là Đức Phật thứ hai. Người dân nơi đây tự hào với kiến trúc nổi bật và vẻ đẹp tuyệt vời của ngôi chùa này. Được xây dựng trên vách đá cao của thung lũng Paro, thuộc dãy Himalaya phải chăng đã làm cho vẻ đẹp nó trở nên nổi bật hơn?
Tương truyền, Guru Rinpoche đã đến đây bằng cách cưỡi một con hổ trắng biết bay, ông rút lui đến nơi này để chinh phục các linh hồn ma quỷ cố gắng chinh phục ý chí của mình chính vì vậy Đền Nest Tiger được coi là một trong những nơi linh thiêng nhất ở Bhutan. Bạn sẽ tha hồ mà ngắm những kì quan tuyệt đẹp xung quanh khi ở trên cao một nơi cao như vậy.
Đền Borobudur
Không thể nào không kể đến Borobudur, ngôi đền được xây dựng theo hình dáng của một bông hoa sen trôi nổi trong một hồ nước lớn ở Indonesia cho được. Đền Borobudur được đánh giá là ngôi đền Phật giáo lớn và lâu đời nhất trên thế giới đó nhé. Nếu có cơ hội tới thăm Indonesia, chớ có bỏ qua địa điểm du lịch thú vị này nha. Borobudur là một kỳ quan Phật giáo tinh xảo và lớn nhất thế giới, xây dựng vào thế kỷ thứ VIII, tọa lạc cách 42 km về phía Bắc thành phố Yogyakarta, trung tâm của đảo Java, quốc gia Indonesia, và đã được UNESCO xếp vào di sản thế giới vào năm 1991.
Borobudur trong tiếng Indonesia có nghĩa là “Tháp Phật trên đồi cao”. Toàn bộ tháp do 300 nghìn viên đá xếp thành, được xây dựng trên một mặt bằng hình vuông rộng 2 500 m², theo mô hình của một Mạn-đà-la, tức sơ đồ về khái niệm vũ trụ của Phật giáo Tây tạng. Nguồn gốc của đền Borobudur đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn? Có ý kiến cho rằng, nguồn gốc của đền tháp Borobudur bắt nguồn từ Campuchia nước cổ Phật giáo. Đó là vào đầu thế kỷ thứ VIII, hoàng triều Sanjaya theo Ấn giáo và thờ thần Shiva, đóng đô ở vùng Bắc trung tâm Đảo Java. Một hoàng thân người Campuchia được hoàng triều này che chở, nhưng sau đó ông trở về Campuchia vào năm 802 và lên ngôi vua. Có thể chính ông đã đem theo về nước dự án đầu tiên của Borobudur, vì người ta tìm thấy trên đất Campuchia một ngôi đền nhỏ xây bằng gạch hình tháp tương tợ với mô hình của Borobudur.
Đền Thiên Đường – Trung Quốc
Bạn có biết ngôi chùa được xây dựng hơn năm thế kỷ trước từ thời nhà Minh cũng được xếp vào danh sách này hay không? Đền Thiên Đường là một trong những ngôi đền ở Bắc Kinh được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1998. Theo như lời người xưa thì đây là nơi dành riêng để Hoàng đế cầu nguyện cho đất nước ấm no, mưa thuận gió hoà. Và điện Kỳ Niên có hình trụ lớn với 3 tầng mái là công trình kiến trúc nổi bật nhất của đền. Ngoài ra thì du khách còn có thể tham quan đài đá Viên Khưu, Hoàng Cung Vũ, khu rừng cây Tùng,…
Ngôi đền này nằm trong một khuôn viên rộng lớn khoảng 2,7 triệu mét vuông, có một bức tường phía bắc hình tròn đại diện cho trời và một bức tường phía Nam hình chữ nhật tượng trưng cho trái đất. Một trong những ngôi đền đẹp và nổi tiếng nhất được xây dựng vào thế kỷ 13. Trước đây, đền luôn được viếng thăm bởi chính các hoàng đế, ngày nay người dân địa phương đến đây không chỉ để thờ phụng, chiêm ngưỡng mà còn để thiền tịnh.
Đền Thiên Đường đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử và văn hóa của Trung Quốc. Và thực sự, vào buổi tối, khi đèn đã lên, bạn mới có thể thấy hết được vẻ đẹp của nó. Nào, hãy sắp xếp thời gian và chuẩn bị thẳng tiến tới địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng này đi thôi nhé.
Đền Gawdawpalin
Đền Gawdawpalin là một ngôi đền được bắt đầu xây dựng dưới thời trị vì của Narapatisithu (1174-1211), Đền Gawdawpalin hoàn tất vào ngày 26 tháng 3 năm 1227 trong triều đại của Htilominlo (1211-1235) cũng được đề cập trong danh sách những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất châu Á. Có thể nói, ngôi đền này có cách bố trí tương tự ngôi đền Thatbyinnyu. Nó cao hai tầng, có ba tầng có mái hiên thấp phía dưới và bốn tầng có mái hiên cao ở phía trên.
Đền Gawdawpalin được xây dựng từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 13, đây là một trong những ngôi đền ấn tượng nhất ở Bagan, là một địa điểm phổ biến của các khách du lịch tâm linh vì kiến trúc và lịch sử cổ xưa của đền. Vẻ đẹp cổ kính, mộc mạc, đơn sơ của nơi đây thực sự khiến cho người ta cảm thấy thoải mái. Bạn có thể nhanh tay ghi đền Gawdawpalin vào danh sách những địa điểm mà bạn sẽ ghé thăm trong tương lai ngay đi thôi nhé. Chắc chắn bạn sẽ không phải thất vọng đâu.
Chùa Wat Arun, Thái Lan
Nằm bên sông Chai Phraya, chùa Wat Arun hay còn gọi là chùa Bình Minh, vì thời điểm thăm chùa đẹp nhất chính là buổi sớm trong ngày. Khi mặt trời vừa ló rạng, du khách đến đây nên tìm cho mình một vị trí thật cao và ngắm nhìn cảnh bình minh tại đây. Chùa Wat Arun là một trong số những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại châu Á. Được xây dựng dưới thời vua Taksin (vào năm 1768), đây được coi là ngôi chùa đẹp nhất ở Bangkok, TháI Lan nhờ vào vị trí địa lí ven sông cùng với lối kiến trúc độc đáo.
Ngôi chùa được xây dựng theo lối kiến trúc nhiều tầng, với một tòa tháp cao nhất với độ cao 70 m, được gọi là chùa Prang. Từ độ cao của chùa Prang, du khách có thể ngắm trọn vẹn toàn bộ khung cảnh của dòng Chao Phraya và xa xa là cả Hoàng cung Thái Lan ở phía đối diện bên kia bờ sông.
Bên trong đại sảnh của chùa Wat Arun là nơi thu hút du khách bởi những bức tường được trang trí bằng nhiều bức tranh tường độc đáo, trong đó nổi bật nhất là hình ảnh tượng phật Niramitr bằng vàng. Ngoài ra, du khách có thể lên sân thượng thứ hai của chùa Wat Arun để chiêm ngưỡng bốn bức tượng của vị thần Hindu Indra tạc trên tượng con voi ba đầu Erawan. Chùa mở cửa cho du khách vào tham quan từ 08:00 đến 17:30 mỗi ngày với giá vé vào cửa là 100 baht/người.
Đền Meiji – Jingu Nhật Bản
Ngôi đền Meiji – Jingu được coi là ngôi đền nổi tiếng nhất tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Mặc dù nằm giữa lòng thủ đô Tokyo hiện đại nhưng đền Meiji – Jingu vẫn giữ được sự tĩnh lặng và thanh bình bởi bao bọc xung quanh đền là vườn cây xanh mát khiến cho người ta không nghĩ nó nằm trong thành phố nên có thể tận hưởng ma lực của thiên nhiên bao quanh ngôi đền nhân tạo này.
Vào dịp đầu năm mới, nhiều du khách nước ngoài và người dân Nhật đến đây để cầu mong sự bình an và may mắn trong năm mới. Đặc biệt, tại đây có các lễ hội diễn ra quanh năm. Mỗi năm người ta đều ghi chép số lượng người viếng thăm và nhận thấy rằng đây là ngôi đền có số lượng người viếng thăm nhiều nhất Nhật Bản. Vào mỗi sáng chủ nhật, du khách tham quan đền còn có thể chứng kiến những lễ cưới truyền thống Shinto của người Nhật được tổ chức tại đây.
Xung quanh ngôi đền Meiji – Jingu là rừng rậm rộng lớn, toàn bộ những cây trong rừng này đều là cây nhân tạo. Khi xây dựng ngôi đền này, người ta đã tập hợp nhiều cây từ khắp đất nước Nhật Bản. Nơi thu hút khách nổi tiếng là “Kiyomasa no ido”, mỗi ngày có nhiều người sếp hàng ở đây nên nếu muốn đi xem chậm nhất là phải đến trong vòng buổi sáng. Ở mọi nơi đều treo thơ Haiku mà thiên hoàng Minh Trị đã đọc, chỉ cần tra nghĩa của chúng ta cũng cảm thấy rất thú vị (thơ được Thiên Hoàng ngâm gọi là “Gyosei”, thơ được Hoàng Thái Hậu ngâm gọi là “Kogoheika”).
Đền Uluwata, Indonesia
Đền Uluwatu, Indonesia là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại châu Á. Nằm trên vách núi ven biển cao 76 m, ngôi đền có tên đầy đủ là Pura Luhur Uluwatu, được xây dựng từ thế kỉ thứ 10.
Đền Uluwatu yên bình ẩn mình bên trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Được chạm khắc từ đá san hô đen, ngôi đền nằm trên mỏm của vách đá cao 250 foot (76 m), nhìn ra Biển Java. Uluwatu là một trong những ngôi đền cổ xưa nhất Bali.
Theo đạo Hindu, ngôi đền là một trong những kayangan jagat hay “đền cai quản” của Bali, có nghĩa là ngôi đền bảo vệ Bali khỏi những linh hồn của quỷ dữ. Ngôi đền có ý nghĩa tôn giáo đặc biệt: Dhang Hyang Dwijendra, nhà hành hương ở thế kỷ 15 đã sáng lập phái Hindu-Phật giáo hiện nay, đã sống những năm cuối đời ở đây. Người ta tin rằng, ông đã đạt được đến cảnh giới “moksa” (giải thoát) hay về với thánh thần khi thiền định tại ngôi đền này.
Tọa lạc ở mỏm phía Nam của Bali, Đền Uluwatu có cảnh quan hiểm trở hơn và khí hậu khô hơn những nơi khác trên hòn đảo. Hãy chiêm ngưỡng khung cảnh kỳ thú của mũi đất lởm chởm ở cả hai phía của vách đá và ngắm mặt trời lặn trên biển. Bên dưới những vách đá, những người lướt sóng thích thú tận hưởng một trong các địa điểm lướt sóng nổi tiếng nhất ở Bali. Nếu du khách muốn tham gia cùng họ, hãy cầm ván và đi xuống các bậc thang dẫn đến bãi biển nhỏ xinh. Buổi tối, hãy thưởng thức món ăn ở một trong những warung (nhà hàng) dọc các vách đá và ngắm trăng lên trên biển.
Chùa Phật Vàng (Wat Traimit)
Nằm gần lối vào khu phố trung Hoa của Bangkok, trên đường Yaowarat, chùa Phật Vàng là điểm đến được nhiều người lựa chọn khi đến du lịch Thái Lan, đặc biệt là vào dịp đầu năm mới. Ngôi chùa sở hữu vẻ đẹp độc đáo, có pho tượng Phật đúc bằng vàng nguyên khối cao 3 m và nặng 5,5 tấn. Nó cũng được xem là bức tường lớn nhất thế giới, người dân địa phương cho rằng bức tường Phật vàng mang đến thịnh vượng, sức mạnh và quyền năng. Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm tầng hai và tầng ba của chùa, nơi mang đến cho du khách cái nhìn chi tiết nhất về lịch sử hình thành của bức tượng Phật Vàng.
Chùa mở cửa cho du khách vào tham quan từ 08:00 đến 17:00 hằng ngày. Giá vé vào cửa là 100 baht/người, nếu muốn tham quan tượng Phật Vàng, du khách thêm 40 baht/người. Bên cạnh việc dạo quanh ngôi chùa, du khách cũng có thể kết hợp ghé đến khu phố Trung Hoa để vui chơi hay lên một chuyến tàu đến tham quan các khu vực khác trong chuyến hành trình của mình.
Chùa Wat Pho
Chùa Wat Pho là ngôi chùa sở hữu diện tích lên tới 80.000 m2, là ngôi chùa lớn nhất tại Bangkok, Thái Lan. Chùa Wat Pho còn có tên gọi khác là chùa Phật Nằm. Đến tham quan tại chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hơn một ngàn ảnh Phật, cùng bức tượng Phật nằm tựa dài 46 m, cao 15 m. Toàn thân tượng được bọc vàng và ngọc mẫu đính trên mắt. Điều đặc biệt là trên bàn chân của tượng trang trí 108 cảnh điềm lành theo phong cách Trung Hoa và Ấn Độ.
Ngoài ra, nơi đây còn được biết đến nhiều hơn như một trung tâm chuyên về mát-xa truyền thống và chữa bệnh sử dụng các phương pháp y học cổ truyền. Vì thế, đây sẽ là cơ hội thích hợp để du khách có thể trải nghiệm cảm giác thư giãn, thoải mái cũng những phương thức mát-xa truyền thống của TháI Lan. Hoạt động này đem lại lợi ích lớn cho sức khỏe con người, nên du khách tham gia rất đông. Để không mất quá nhiều thời gian chờ tới lượt, bạn nên đặt lịch trước khi đến đây.
Chùa Phrathat Doi Suthep
Chùa Phrathat Doi Suthep là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Thái Lan. Nằm trên đỉnh đồi Doi Suthep, tỉnh Chiang Mai, nơi đây còn lưu giữ kinh Phật và các tượng Phật hơn 600 năm tuổi. Để lên được chùa, bạn phải đi qua 309 bậc thang đá cao với hai bên là hình đầu rồng uy hùng. Nếu không thể đi bộ thì bạn có thể chọn cáp treo với giá 20 baht/người. Đứng từ trên đồi nhìn xuống, bạn có thể nhìn được toàn cảnh thành phố và sân bay Quốc tế Chiang Mai. Chùa mở cửa cho du khách vào tham quan từ 06:00 đến 17:00 hằng ngày.
Ở Thái Lan không phải chỉ có duy nhất một ngôi chùa, mà là rất rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng, nhưng Phrathat Doi Suthep là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất ở Chiang Mai mà rất nhiều người Thái tôn sùng. Không chỉ đối với người dân bản địa mà ngay cả đối với khách du lịch nước ngoài, đây còn là điểm đến yêu thích.
Đối với người dân Chiang Mai nói riêng và người dân Thái Lan nói chung, Phrathat Doi Suthep gắn liền với truyền thuyết về di vật của Phật Tổ. Truyền thuyết kể lại rằng, nhà sư Sumanathera trong giấc ngủ đã mơ thấy một vị Phật chỉ đường cho ông đi tìm mãnh vi vật của Phật Tổ. Ngay sau khi tỉnh dậy ông đã làm theo những gì mà Phật đã chỉ dẫn trong giấc mơ và tìm thấy một mảnh xương vai của Phật Tổ. Mãnh xương vai này có thể phát sáng và chuyển động.
Danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) – Hà Nội
Tọa lạc trên một vùng rừng núi rộng lớn ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), khu Di tích danh thắng Hương Sơn cách trung tâm thành phố Hà Nội 70km. Phong cảnh Hương Sơn đẹp tuyệt vời với núi cao, rừng thẳm và sông suối trong xanh. Bên cạnh đó là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, hài hòa, tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động chẳng nơi nào có được.
Khu di dích danh thắng Hương Sơn trải dài trên 3 tuyến: Hương Tích là tuyến chính đi qua nhiều di tích, danh lam thắng cảnh như: Chùa Thiên Trù, chùa động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng và sau cùng là chùa động Hương Tích. Tuyến 2 là Tuyết Sơn: Tuyến này có núi Thuyền Rồng, núi Con Phượng… chùa Bảo Đài, chùa động Tuyết Sơn… Tuyến thứ 3 là Long Vân: đi thăm đền Trình, chùa Long Vân, động Long Vân, chùa Cây Khế… và đặc biệt tham quan hang Sũng Sàm, một di chỉ khảo cổ quý chưa được khai quật. Điểm đến chính của khách hành hương là chùa Thiên Trù và động Hương Tích, vì nơi này là hai điểm tâm linh sáng chói và cũng là hai thắng tích độc đáo, tuyệt vời nhất của tổng thể danh lam thắng cảnh chùa Hương.
Danh thắng – Danh lam Yên Tử (Quảng Ninh)
Yên Tử trước hết là một danh sơn độc đáo của Việt Nam gắn liền với tên tuổi của các vị hoàng đế anh hùng và các thiền sư ngộ đạo. Với mây trắng quanh năm thường ôm lấy đỉnh núi nên nhìn xa xa Yên Tử trông như một kỳ quan đang bềnh bồng giữa hư và thực…Cảnh trí thiên nhiên toàn vùng Yên Tử sơn đẹp tuyệt vời với những chùa, am, tháp cổ nằm trong phạm vi gần 2.700 ha rừng.
Huệ Quang Kim tháp hay Tháp Tổ có bệ tạc đài sen 102 cánh, chạm nổi trang trí dây hoa, bên trong thờ tượng Trần Nhân Tông ngồi thiền ở thế liên hoa, vẻ mặt thanh cao, trí huệ, cảm thông và dung dị. Cả pho tượng thờ cùng Lăng Tháp được xây dựng một năm sau ngày vua Trần nhập niết bàn, tức vào năm 1309. Đây là ngôi tháp lớn và đẹp nhất trong số 97 tháp của Vườn tháp Yên Tử…
Điểm đến chính của khách hành hương là chùa Đồng, tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử. Đây là ngôi chùa bằng đồng lớn và độc đáo nhất Châu Á (đã được xác lập lỷ lục Châu Á năm 2012), có chiều dài 4,6m, rộng 3,6m, cao 3,35m và nặng 70 tấn.Trong chùa, tôn trí tượng Phật Thích Ca Mâu ni ngự trên đài sen và 3 pho tượng Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.
Chùa Bái Đính (Ninh Bình)
Khu Văn hóa tâm linh chùa Bái Đính nằm trên địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình rộng 700 ha, bao gồm 21 hạng mục, với hai ngôi chùa nổi tiếng: Bái Đính cổ tự và Bái Đính tân tự. Trong khung cảnh rêu phong, kỳ bí, Bái Đính cổ tự nằm giữa một vùng núi khá yên tĩnh, gồm động sáng thờ Phật, động tối thờ Mẫu, đền thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không và đền thờ Thánh Cao Sơn. Tương truyền, trong khi đi tìm cây thuốc quý để chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông (Dương Hoán), Nguyễn Minh Không đã tình cờ phát hiện ra hang động ở khu Bái Đính này. Sau khi chữa khỏi bệnh cho vua, ông đã xin về đây lập chùa, tu hành.
Bái Đính tân tự là công trình kiến trúc Phật giáo lớn nhất Việt Nam, được xây dựng từ năm 2004 và đang tiếp tục được mở rộng, hoàn thiện thêm nhiều công trình khác. Kiến trúc chùa ấn tượng với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Á Đông, thân thuộc với hình ảnh đình chùa Việt Nam.
Đây cũng là ngôi chùa hiện đang sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam và châu Á: “Chùa có bộ Tam thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam, Ngôi chùa có Giếng nước lớn nhất Việt Nam, Chùa có pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Châu Á (đã được xác lập kỷ lục năm 2012), Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam, Chùa có hành lang La hán lớn nhất Việt Nam, Chùa có nhiều cây Bồ đề nhất Việt Nam”. Với thế đất tiền thủy hậu sơn cùng sự bề thế của công trình. Nơi đây, trong tương lai sẽ trở thành một Trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo của Việt Nam và của khu vực.
Chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên – Huế)
Chùa Thiên Mụ tọa lạc trên đồi Hà Khê, cách thành phố Huế 5km về phía Tây. Đây là một ngôi chùa được xây dựng sớm nhất và nổi tiếng nhất ở Thừa Thiên – Huế. Chùa được xây năm 1601, bắt nguồn từ truyền thuyết về chúa Nguyễn Hoàng trong lúc tuần thú ngắm cảnh thiên nhiên, khi ngang qua đồi Hà Khê thấy cảnh sắc nơi đây đẹp lạ thường bèn hỏi thăm dân chúng quanh vùng,…Dân chúng cho biết, đêm đêm ở ngọn đồi này thường có một bà Tiên mặc áo đỏ, quần lục hiện về báo mộng: Rồi đây sẽ có một vị minh chúa dựng trên ngọn đồi này một ngôi chùa lấp bằng nơi bị Cao Biền đào bới để bảo toàn sự thiêng liêng, giúp cho dân chúng làm ăn thịnh vượng và đất nước thanh bình, thịnh trị. Nguyễn Hoàng nghe vậy bèn cho dựng chùa đặt tên là Thiên Mụ (Bà tiên trên trời).
Kiến trúc của chùa Thiên Mụ cũng giống như kiến trúc của nhiều ngôi chùa ở Việt Nam, nhưng đặc biệt chùa Thiên Mụ có ngôi tháp Phước Duyên cao 21m, có 7 tầng. Tháp hình khối bát giác, mỗi tầng có một cửa cuốn đặt tượng Phật, tầng trên cùng đặt 3 pho tượng Phật được đúc bằng vàng ròng (ngày nay tượng bằng vàng đã bị mất, thay vào đó là ba pho tượng khác). Chùa Thiên Mụ còn có Đại Hồng Chung cao 2,5m, đường kính 1,4m và nặng trên 3 tấn và Bia đá được dựng vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1715) cao 2,6m; rộng 1,2m đặt trên lưng con rùa lớn bằng cẩm thạch.
Danh thắng – Danh lam Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)
Ngũ Hành Sơn hay còn gọi là Non Nước nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km về phía đông nam, sát bên bờ biển Đông. Xưa kia, Ngũ Hành Sơn có nhiều tên gọi khác nhau nhưng đến đầu thế kỷ thứ 19 thì tên gọi Ngũ Hành Sơn được giữ cho tới ngày nay. Ngũ Hành Sơn là quần thể 5 ngọn núi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Trong đó, Thủy Sơn là ngọn đẹp nhất. Danh thắng Ngũ Hành Sơn có nhiều hang động đẹp kỳ ảo. Đây cũng là địa điểm có rất nhiều chùa, trong đó có 2 ngôi chùa nổi tiếng được sắc phong Quốc tự thời nhà Nguyễn là chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng.
Đến với hang động Ngũ Hành Sơn, du khách sẽ bắt gặp nhiều bia đá cổ cách đây hàng trăm năm như: Bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật được khắc năm Canh Thìn (1640); Bia Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật diệt lạc khắc năm Tân Tỵ (1641),… Ngoài ra, còn có nhiều hiện vật có giá trị lịch sử đang được bảo tồn tại đây.
Tương truyền rằng khi xưa vùng đất này còn là một vùng hoang vu vắng người qua lại. Thế rồi bỗng một ngày có một con Rồng không biết từ phương nào đến đây đẻ trứng và sau đó biến mất . Rùa Vàng thấy vậy hiện lên, bới cát ủ cho trứng rồng nở. Tình cờ một ngày nọ có một lão ngư dân bị đắm thuyền từ phương Bắc trôi giạt tới, Rùa Vàng đã cứu thoát và đưa lên bờ và tự xưng với ông lão là thần Kim Quy, và muốn ông lão thay mình bảo vệ cho giọt máu này của Long Quân. Rùa Vàng bèn tháo chiếc móng chân của mình trao cho ông già và chỉ cách bảo vệ trứng rồng. Chính nhờ có chiếc móng rùa này, mà lão ngư phủ chống lại được lũ diều hâu và những thú dữ khác, bảo vệ được quả trứng rồng. Trứng rồng ngày một lớn dần và sau đó không lâu thì nở ra một cô Tiên xinh đẹp khác thường. Còn vỏ trứng rồng thì cứ lớn mãi và tách dần ra, sau đó trở thành năm cụm núi đá vôi cẩm thạch, với 5 màu khác nhau, gồm các màu hồng, xám, xanh lục, đen, vàng và có 6 đỉnh cao và tồn tại cho đến ngày nay.
Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc – An Giang)
Châu Đốc, một địa danh gắn liền với sự linh thiêng với thế phong thủy tiền tam giang, hậu thất sơn và huyền bí cùng nhiều tín ngưỡng tôn giáo tồn tại từ lâu đời. Nhắc tới mảnh đất này, người ta không thể không nhớ tới Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng không chỉ ở miền Tây Nam Bộ, mà ngay cả người Việt ở nước ngoài vẫn biết đến.
Miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng từ thế kỷ thứ 19 ở ấp Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Lịch sử của ngôi miếu thiêng này có hai thuyết. Truyền thuyết thứ nhất là do dân chúng nơi đây tin vào sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ nên đồng tâm lập miếu để thờ cúng. Truyền thuyết thứ hai, miếu này do Thoại Ngọc Hầu đứng ra xây dựng theo lời trăng trối của vợ là bà Châu Thị Tế.
Thời xưa, miếu được dựng bằng tre lá. Đến năm 1870, miếu được xây bằng gạch, lợp ngói. Qua thập niên 70 của thế kỷ 20, miếu được tôn tạo đồ sộ gấp bội phần bằng kiến trúc đình, miếu cổ phương Đông. Mái ngói nhiều tầng, màu xanh cong vút đầu đao. Bao bọc xung quanh là các dãy hành lang. Bên trong miếu thờ tượng Bà Chúa tạc bằng đá xanh có giá trị nghệ thuật cao. Pho tượng này có hình dáng nữ thần Visnu, tương tuyền đã có từ rất lâu, vào khoảng thế kỷ thứ 6. Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ diễn ra vào cuối tháng tư (âm lịch) thu hút hàng vạn khách hành hương từ khắp mọi nơi.
Bạn đã và đang lên kế hoạch cho một chuyến du lịch mà chưa biết nên chọn nơi nào? Chuyện nhỏ! Hãy cân nhắc những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất châu Á để lựa chọn điểm đến lí tưởng cho mình nhé. Đôi khi cũng nên thay đổi cuộc sống với những điều mới mẻ. Thay vì tới những thành phố tấp nập đông người, tại sao bạn lại không đến những địa điểm kể trên để tìm sự yên bình và thanh thản. Chúc bạn có những trải nghiệm thú vị nhất.