Bạn có biết khi đến Tết mâm cỗ của người dân tộc Mông sẽ có những món ăn gì không. Hôm nay Toplist sẽ cùng các bạn điểm qua những món ăn cổ truyền đặc sắc nhất … xem thêm…trong mâm cỗ Tết của dân tộc Mông nhé.
Bánh dày
Bánh dày là món bánh cổ truyền và hoạt động giã bánh dày không thể thiếu trong các dịp lễ, hội hay dịp Tết đến Xuân về của đồng bào dân tộc Mông ở miền núi phía Bắc. Theo tiếng Mông, bánh dày được gọi là “Pé- Plẩu”. Theo quan niệm xưa, bánh dày của người Mông không chỉ là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai, gái người Mông mà còn là thứ bánh tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất.
Để có món bánh dày ngon như ý, cần chuẩn bị sẵn cối giã bánh, cối giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc. Một yếu tố không thể thiếu nữa là phải chọn được gạo nếp thơm và dẻo, tiếp đó ngâm gạo trong vòng một ngày. Trong khi đồ gạo, cần đun nhỏ và đều lửa, thời gian đồ khoảng một tiếng, để xôi được chín kỹ cho thật mềm và dẻo. Tiếp đó cho xôi ra cối để giã, cần giã bánh ngay khi xôi còn đang nóng. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Bánh dày không chỉ để thờ cúng tổ tiên, trong ngày lễ tết mà còn là món ăn đãi khách, làm quà cho khách đến thăm nhà. Khi ăn thường nướng trên than hồng hoặc cắt thành từng miếng bánh nhỏ hình chữ nhật rồi cho lên rán phồng thật thơm và hấp dẫn.
Mèn mén
Không phải món cao lương mỹ vị nhưng mèn mén lại khiến nhiều người khó quên khi nếm thử một lần và trở thành món không thể thiếu trong ngày Tết của người dân tộc Mông. Món ăn được làm từ những hạt ngô tẻ địa phương là thực phẩm hàng ngày của người đồng bào. Cứ sau mỗi mùa thu hoạch, ngô lại được đồng bào Mông phơi trên những hiên nhà hay gác bếp, chờ khi thật khô mới đem đi làm mèn mén. Tuy nhiên để có được bát thành phẩm ngon phải trải qua nhiều công đoạn và thời gian.
Món mèn mén trộn cơm được rất nhiều người Mông yêu thích vì vị ngọt, bùi, thơm của ngô và vị mềm dẻo của cơm. Tại các phiên chợ, món này còn được hòa vào nước dùng để ăn cùng phở hay mỳ. Trước đây, người Mông thường chỉ dùng để ăn trong nhà. Tuy nhiên ngày nay, chúng đã được làm nhiều hơn để bán trong các phiên chợ. Do vậy du khách ghé thăm những phiên chợ vùng cao đều có thể tìm mua được món ăn dân dã, đặc trưng này của người Mông.
Bánh trôi hình tròn
Trên mâm cỗ Tết của người Mông tại tỉnh Hà Giang còn có thêm món bánh trôi, đối với họ, món bánh trôi hình tròn là biểu tượng cho sự tròn đầy, sung túc. Ngoài ra, đây còn thể hiện lòng thành với ông bà tổ tiên, từ xưa thì bánh trôi và bánh chay được sử dụng để cúng gia tiên. Trong ngày này các thành viên sẽ họp lại cùng nhau làm ra những viên bánh trôi với hình dáng tròn đều. Sau khi dâng lên ông bà tổ tiên, mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức món bánh này.
Bánh trôi đơn giản để thực hiện. Mỗi dịp Tết đến, khắp bản trên làng dưới đều nô nức tiếng chày giã gạo làm bánh dày, bánh trôi. Nguyên liệu chính làm ra chiếc bánh tròn trắng phau này là gạo nếp thơm do chính người dân đồng bào trồng và thu hoạch nên cho ra những viên bánh trôi vô cùng thơm ngon. Mỗi nhà có thể làm từ 50 đến 100 chiếc bánh trôi để cúng Tết.
Thắng cố
Thắng cố là món ăn đặc trưng truyền thống của người Mông, ở trung du miền núi phía Bắc, vì vậy, đây là món không thể không có mặt trong ngày Tết của người dân nơi đây. Món này ban đầu có nguồn gốc từ Vân Nam (Trung Quốc), về sau được du nhập sang các dân tộc Kinh, Dao, Tày. Thắng cố được chế biến rất đơn giản nhưng để nấu ngon miệng thì vẫn cần bí quyết riêng cũng như kinh nghiệm. Người ta mổ ngựa (hoặc bò, dê, heo), làm thịt sạch sẽ, lấy tất cả nội tạng ăn được của con vật chặt ra từng miếng. Sử dụng bếp lửa than, than phải “rực hồng”, dùng một cái chảo lớn, cho tất cả các thứ vào chảo cùng lúc, xào lăn. Khi miếng thịt se se cạnh, người ta đổ nước vào chảo và cứ thế ninh sôi sùng sục hàng tiếng đồng hồ.
Để nồi nước dùng được ngon, đầu bếp người Mông phải nấu rất chu đáo: Múc từng muỗng bọt ra để nước xương thêm ngọt, thêm trong. Các bộ phận như lòng, tim, gan, tiết, thịt, xương, được cho vào sau cùng và đun nhừ, có thể cho thêm các loại rau. Gia vị truyền thống gồm muối, thảo quả, địa điền, quế, lá chanh nướng thơm, tán nhỏ, ướp vào thịt trước lúc đem xào. Ngày nay, thành phần gia vị bị nhiều nhà hàng cũng như quán ăn thay đổi nhiều khiến hương vị trở nên khác biệt rõ rệt. Khi ăn, chảo vẫn để trên bếp đun, ăn đến đâu múc ra bát đến đó. Đây là món ăn thường được làm vào các ngày Tết, lễ hội, lễ ăn thề bảo vệ rừng, những ngày có đông người như hội làng, dòng họ, hay ở chợ phiên.
Ớt nướng
Ở Lao Chải (Sa Pa), người H’Mông có một món ăn vô cùng đặc sắc là ớt nướng. Để làm món này, người ta dùng những quả ớt xanh đã già, cho vào bếp củi nướng chín, tới khi hơi cay bị xì hết ra thì bỏ ra, phủi sạch bụi than rồi giã nhuyễn cùng với muối hạt rang. Chỉ đơn giản thế thôi cũng có thể trở thành một món chính trong bữa ăn rồi. Có gia đình cầu kì hơn thì thêm một chút dầu hoặc mỡ đun nóng rồi bỏ ớt đã giã cùng muối vào xào qua lên cho thơm.
Nghe tới nguyên liệu, chắc hẳn ai cũng sẽ hình dung ra ngay hương vị của món ăn này đó là cay và mặn. Vì đã được nướng trên than củi nóng, hơi cay trong quả ớt bị xì bớt ra ngoài nên ớt không quá cay như chúng ta ăn thông thường. Cho ớt vào xào cũng làm tăng thêm độ thơm và hấp dẫn của món ăn. Với bà con người H’Mông, mà cụ thể là ở bản Lao Chải (Sa Pa) thì đây lại là món quen thuộc, thậm chí là một trong những món ăn ngon và trở thành món ăn cổ truyền ngày Tết. Nguyên nhân là vì cuộc sống của người dân ở đây khá khó khăn, bữa cơm ngày thường chủ yếu là các loại rau dại luộc hoặc nấu lên, nên món ớt với vị cay kích thích vị giác này lại trở thành điểm sáng trên mâm cơm.
Bánh ngô
Không chỉ có mèn mén, nhắc đến món ăn của người Mông làm từ ngô phải kể đến món bánh hấp dẫn được gọi là bánh ngô “pá páo cừ” đặc trưng và không thể bỏ qua vào ngày Tết. Bánh ngô chủ yếu được làm từ ngô nếp, thơm và dẻo. Khi hạt ngô còn sữa, hái về đem tách hạt rồi cho vào cối đá xay nghiền thành bột. Sau đó, họ bỏ bột ngô xay vào trong một chiếc túi treo lên cao để phần nước thoát ra ngoài còn bột ngô được giữ lại bên trong. Để bột ngô nhanh khô người ta đặt túi bột ngô vừa xay vào đống tro bếp để tro bếp hút nước được nhanh hơn. Khoảng hai ngày thấy bột ngô trong túi đông lại, cho ra đánh tơi rồi cho một lượng nước vừa đủ vào đảo đều sau đó lăn thành từng chiếc bánh hình tròn giống như bánh rán đem chảo rán vàng.
Đơn giản nhưng vẫn thể hiện được độ tinh tế, khéo léo là cảm nhận về ẩm thực Mông. Để tăng tính thẩm mỹ cho món bánh ngô, nhiều gia đình còn gói thành bánh ba cạnh. Cách chuẩn bị nguyên liệu không có gì khác, song những chiếc bánh ngô tròn, nhỏ xinh không được đem rán mà được người Mông dùng chính những bẹ ngô “bánh tẻ” gói lại thành hình tam giác rồi bỏ vào chõ hấp chín. Vẫn giữ được độ dẻo, ngon, những chiếc bánh tam giác dậy mùi thơm ngay từ khi còn trong nồi hấp. Bóc bỏ vỏ, quấn vào đầu đũa hoặc xâu bánh thành chuỗi rồi xách đi chơi là cách mà những đứa bé người Mông thưởng thức món bánh ngô. Không chỉ là văn hoá ẩm thực, bánh ngô đã thực sự bước vào đời sống, trở thành nét đẹp, một phần tâm hồn của người dân vùng cao nguyên đá.
Trên đây là top các món ăn cổ truyền đặc sắc nhất trong ngày Tết của người dân tộc Mông mà Toplist muốn giới thiệu đến bạn. Hy vọng bài viết của Toplist sẽ hữu ích với bạn.