Mẹ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Trái Đất những cảnh sắc đẹp tuyệt vời khiến loài người phải ngất ngây. Từ châu Âu đến châu Á, mỗi địa điểm lại mang vẻ đẹp … xem thêm…thiên nhiên riêng biệt. Cùng chiêm ngưỡng những địa danh nổi tiếng nhất mà Toplist giới thiệu trong bài viết dưới đây nhé!
Tượng Nữ thần tự do
Tượng Nữ thần Tự do tên đầy đủ là Nữ thần Tự do soi sáng thế giới là một tác phẩm điêu khắc bằng đồng theo phong cách tân cổ điển với kích thước lớn, đặt trên Đảo Liberty tại cảng New York thuộc Thành phố New York, Hoa Kỳ. Tác phẩm này do kiến trúc sư người Pháp Frédéric Auguste Bartholdi thiết kế, khung kim loại của nó được chế tạo bởi Gustave Eiffel và được khánh thành vào ngày 28 tháng 10 năm 1886. Đây là tặng vật của nhân dân Pháp gửi nước Mỹ. Tượng Nữ thần Tự do có hình dáng một người phụ nữ mặc áo choàng, tiêu biểu cho Libertas, nữ thần tự do của La Mã, tay phải cầm ngọn đuốc còn tay kia một tấm đá phiến có khắc ngày tháng độc lập của Hoa Kỳ. Bức tượng này là biểu tượng mẫu mực của lý tưởng tự do cũng như của chính Hoa Kỳ. Kiến trúc sư Bartholdi lấy cảm hứng từ một lời nói của chính trị gia kiêm giáo sư luật học người Pháp, Édouard René de Laboulaye vào năm 1865 rằng bất cứ tượng đài nào dựng lên để đánh dấu ngày độc lập của Hoa Kỳ thì cũng đáng là một dự án chung của cả hai dân tộc Pháp và Mỹ.
Bức tượng nằm trong Vịnh Thượng New York trên Đảo Liberty, phía Nam Đảo Ellis. Cả hai đảo này được tiểu bang New York nhượng lại cho chính phủ liên bang năm 1800. Như thỏa thuận được ký năm 1834 giữa tiểu bang New York và tiểu bang New Jersey trong việc ấn định đường ranh giới nằm ở khoảng giữa vịnh, các đảo gốc vẫn thuộc lãnh thổ New York mặc dù vị trí của chúng nằm bên phía ranh giới của New Jersey. Phần đất san lấp nhân tạo tại Đảo Ellis là lãnh thổ của New Jersey. Lối vào Tượng đài Quốc gia Tượng Nữ thần Tự do thì miễn phí nhưng tất cả du khách phải trả tiền phí qua phà vì các tàu thuyền tư không thể đậu ở hòn đảo. Năm 2007, “Statue Cruises” được chuyển nhượng quyền điều hành giao thông và bán vé cho các cơ sở tham quan trên đảo, thay thế “Circle Line” là dịch vụ phà hoạt động từ năm 1953. Các chuyến phà khởi hành từ Công viên Tiểu bang Liberty trong Thành phố Jersey và Battery Park trong Hạ Manhattan cũng dừng lại ở Đảo Ellis giúp thực hiện được một chuyến tham quan kết hợp.
Vạn Lý Trường Thành
Vạn Lý Trường Thành là tên gọi chung cho nhiều thành lũy kéo dài hàng ngàn cây số từ Đông sang Tây, được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 TCN cho tới thế kỷ 16, để bảo vệ Trung Hoa khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, Đột Quyết, và những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu. Một số đoạn tường thành được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 TCN, sau đó được Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng ra lệnh nối lại và xây thêm từ năm 220 TCN và 200 TCN và hiện chỉ còn sót lại ít di tích. Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng được tham quan nhiều hiện nay được xây dưới thời nhà Minh (1368 – 1644). Các mục đích khác của Vạn Lý Trường Thành bao gồm kiểm soát biên giới, cho phép áp đặt thuế đối với hàng hóa vận chuyển theo con đường tơ lụa, quy định hoặc khuyến khích thương mại và kiểm soát xuất nhập cảnh.
Hơn nữa, đặc điểm phòng thủ của Vạn Lý Trường Thành đã được tăng cường bằng việc xây dựng các tháp canh, doanh trại quân đội, trạm đóng quân, báo hiệu có giặc thông qua các phương tiện khói hoặc lửa, và thực tế là con đường của Vạn Lý Trường Thành cũng phục vụ như là một hành lang giao thông vận tải. Một nghiên cứu khảo cổ chi tiết, sử dụng những công nghệ hiện đại, được công bố vào năm 2009 kết luận rằng Vạn Lý Trường Thành do nhà Minh xây dựng có chiều dài 8.850 km. Nó bao gồm phần bức tường dài 6.259 km, phần hào dài 359 km và phần lá chắn tự nhiên như đồi, sông dài 2.232 km. Một nghiên cứu khảo cổ chi tiết khác vào năm 2012 kết luận Vạn Lý Trường Thành có chiều dài 21.196 km. Chiều cao trung bình tường thành là 7m so với mặt đất, mặt trên của trường thành rộng trung bình 5 – 6m. Vạn Lý Trường Thành bắt đầu từ Sơn Hải quan trên bờ Biển Bột Hải ở phía đông, tại giới hạn giữa Trung Quốc bản thổ (“đất Trung Quốc gốc”) và Mãn Châu đến Lop Nur ở phần phía đông nam Khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Kim tự tháp Giza
Đại Kim tự tháp Giza cũng được gọi là Kim tự tháp Khufu hay Kim tự tháp Cheops là kim tự tháp cổ đại và lớn nhất nằm ở quần thể kim tự tháp Giza của Ai Cập, chỉ có duy nhất kim tự tháp này là nằm trong danh sách bảy kì quan thế giới cổ đại. Các nhà Ai Cập học nói chung đã đồng ý rằng kim tự tháp được xây trong khoảng thời gian 24 năm từ khoảng năm 2560 TCN. Mọi người cũng cho rằng Đại kim tự tháp được xây dựng làm lăng mộ cho Pharaon Cheops thuộc Triều đại thứ 4 thời Ai Cập cổ đại. Vị tể tướng của Cheops là Hemon được cho là kiến trúc sư của Đại Kim tự tháp này. Quá trình xây dựng được các nhà Ai Cập học tin là trong khoảng 20 năm, đánh giá được chấp nhận rộng rãi nhất cho năm hoàn thành là khoảng 2560 TCN. Năm hoàn thành này được ủng hộ một cách không chắc chắn bởi những khám phá khảo cổ tới bây giờ vẫn chưa tiết lộ một nền văn minh nào (hay một dân số đủ lớn hay đủ khả năng kỹ thuật) xưa hơn Triều đại thứ tư trong khu vực này.
Đại Kim Tự Tháp này là mới nhất và lớn nhất trong ba kim tự tháp trong vùng Giza Necropolis giáp với Cairo, Ai Cập ở châu Phi. Nó là phần chính của một cấu trúc phức tạp các công trình bao gồm cả hai ngôi đền nhà xác để thờ Kheops (một gần kim tự tháp và một gần sông Nil), ba kim tự tháp nhỏ hơn cho các bà vợ của Kheops, và một kim tự tháp “vệ tinh” nhỏ hơn, một đường đắp cao nối hai ngôi đền và một nhà mồ nhỏ bao quanh kim tự tháp cho các quý tộc. Một trong các kim tự tháp nhỏ chứa mộ của hoàng hậu Hetepheres (khám phá năm 1925), em gái và vợ của Sneferu và mẹ của Kheops. Cũng có thành phố cho công nhân, bao gồm một nghĩa trang, các tiệm bánh, một xưởng làm bia và một khu để luyện (nấu chảy) đồng. Nhiều tòa nhà và các khu cấu trúc khác đang được khám phá bởi Dự án vẽ bản đồ Giza. Cách vài trăm mét về phía tây nam Kim tự tháp Kheops là một kim tự tháp hơi nhỏ hơn khác, Kim tự tháp Khafre, một trong những người kế vị Kheops và được tin rằng là người đã xây dựng Đại Sphinx Giza Đại Nhân. Thêm vài trăm mét nữa ở phía tây nam là Kim tự tháp Menkaure, người kế vị Khafre, với chiều cao khoảng một nửa Đại kim tự tháp.
Đền Taj Mahal
Tāj Mahal là một lăng mộ nằm tại Agra, Ấn Độ. Hoàng đế Mogul Shāh Jahān đã ra lệnh xây nó cho người vợ của mình là Mumtaz Mahal, khi bà qua đời. Công việc xây dựng bắt đầu năm 1631 và hoàn thành năm 1653. Một số tranh cãi xung quanh câu hỏi ai là người thiết kế Taj Mahal; rõ ràng một đội các nhà thiết kế và thợ thủ công đã chịu trách nhiệm thiết kế công trình và Ustad Ahmad Lahauri được coi là kiến trúc sư chính. Taj Mahal nói chung được coi là hình mẫu tuyệt vời nhất của Kiến trúc Mogul, một phong cách tổng hợp các yếu tố của các phong cách Kiến trúc Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, và Hồi giáo. Tuy phần mái vòm bằng đá cẩm thạch trắng của lăng là phần nổi bật nhất, thực tế Taj Mahal là một tổng hợp các phong cách kiến trúc. Nó được liệt vào danh sách các Địa điểm Di sản Thế giới của UNESCO năm 1983 và được miêu tả là một “kiệt tác được cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các di sản thế giới”. Việc xây dựng Taj Mahal đã được giao phó cho một hội đồng quản trị của kiến trúc sư dưới sự giám sát của triều đình, bao gồm Abd ul-Karim Khan Ma’mur, Makramat Khan và Ustad Ahmad Lahauri. Lahauri thường được coi là người thiết kế chính.
Shah Jahan, vị hoàng đế của Đế quốc Mogul trong giai đoạn cực thịnh của nó, nắm trong tay nhiều nguồn tài nguyên to lớn. Năm 1631 người vợ thứ ba của ông đã qua đời khi sinh đứa con gái thứ hai, và cũng là đứa con chung thứ mười bốn của họ. Shah Jahan được cho là không thể khuây khoả trước mất mát đó. Những cuốn biên niên sử triều đình thời kỳ đó chứa nhiều câu chuyện liên quan tới nỗi buồn đau của Shah Jahan trước cái chết của Mumtaz; chúng chính là cơ sở của những câu “chuyện tình” thường được cho là cảm hứng tạo nên Taj Mahal. Phức hợp Taj Mahal được bao quanh bởi một bức tường đá sa thạch đỏ có bố trí lỗ châu mai ở ba cạnh. Mặt quay ra con sông không có tường bao. Bên ngoài bức tường là nhiều công trình phụ trợ khác, gồm cả lăng mộ của những người vợ khác của Shah Jahan, và một ngôi mộ lớn cho người hầu thân cận của Mumtaz. Các công trình đó, chủ yếu được xây dựng bằng đá sa thạch đỏ, nói chung nhỏ hơn các ngôi mộ Mogul cùng thời kỳ.
Tháp Eiffel
Tháp Eiffel là một công trình kiến trúc bằng thép nằm trên công viên Champ-de-Mars, cạnh sông Seine, thành phố Paris. Vốn có tên nguyên thủy là Tháp 300 mét (Tour de 300 mètres), công trình này do kỹ sư Gustave Eiffel và các đồng nghiệp của mình thiết kế và xây dựng từ năm 1887 tới năm 1889 nhân dịp Triển lãm thế giới năm 1889, và cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp. Chiều cao nguyên bản của công trình là 300 mét nếu theo đúng thiết kế, nhưng cột ăng ten trên đỉnh đã giúp tháp Eiffel đạt tới độ cao 325 mét. Từ khi khánh thành vào năm 1889, tháp Eiffel là công trình cao nhất thế giới và giữ vững vị trí này trong suốt hơn 40 năm. Ngay từ đầu, ngoài chức năng để du lịch, tháp Eiffel còn được sử dụng cho các mục đích của ngành khoa học. Ngày nay, tháp tiếp tục là một trạm phát sóng truyền thanh và truyền hình cho vùng đô thị Paris.
Trở thành biểu tượng của “kinh đô ánh sáng”, tháp Eiffel là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất toàn cầu. Từ khi khánh thành cho tới năm 2007, tháp đã có hơn 236 triệu lượt khách viếng thăm. Riêng năm 2007, tháp Eiffel đã đón tiếp gần 7 triệu du khách, giữ vững vị trí công trình thu phí thu hút nhất trên thế giới. Tháp Eiffel vốn được thiết kế để làm “cái đinh của Triển lãm thế giới năm 1889 tại Paris”, phô trương những công nghệ xây dựng của Pháp. Vào thời kỳ đầu, công trình đã gây ra những tranh cãi về vẻ thẩm mỹ, công năng… Tuy vậy, tháp Eiffel vẫn giành được thành công nhanh chóng, trở thành địa điểm thu hút du khách bậc nhất và con số dần ổn định từ những năm 1960. Địa chỉ chính thức của tháp Eiffel ở số 5 đại lộ Anatole France, Quận 7, Paris. Nằm bên sông Seine, tháp Eiffel thuộc đường thẳng bắt đầu từ Palais de Chaillot, qua vườn Trocadéro và sông, tới Eiffel rồi chạy dọc Champ-de-Mars, đến École Militaire và gần như thẳng tiếp tới tháp Montparnasse. Đây đều là các công trình nổi tiếng của Paris, được hoàn thành trong những giai đoạn khác nhau. Sân của Palais de Chaillot, bên cạnh quảng trường Trocadéro, là địa điểm lý tưởng nhất để ngắm nhìn tháp.
Đấu trường La Mã Colosseum
Đấu trường La Mã được biết đến đầu tiên dưới cái tên Amphitheatrum Flavium theo tiếng Latinh hoặc Anfitea tro Flavio tiếng Ý, sau này gọi là Colosseum hay Colosseo, là một đấu trường lớn ở thành phố Roma. Công suất chứa lúc mới xây xong là 50 000 khán giả. Đấu trường được sử dụng cho các võ sĩ giác đấu và nô lệ có nguồn gốc tù binh chiến tranh thi đấu và trình diễn công chúng. Đấu trường được xây dựng khoảng năm 70 – 80 sau Công Nguyên dưới thời hoàng đế Vespasian. Đây là công trình lớn nhất được xây ở Đế chế La Mã được hoàn thành năm 80 sau Công Nguyên dưới thời Titus, với nhiều chỉnh sửa dưới thời hoàng đế Domitian.
Đấu trường Colosseum vẫn được sử dụng gần 500 năm với những bằng chứng ghi chép được về trận đấu thế kỷ 6 – rất lâu sau khi Đế chế La Mã sụp đổ năm 476. Ngoài sử dụng làm nơi đấu của võ sỹ, nơi đây còn được dùng làm biểu diễn công chúng, tập trận giả trên biển, săn thú, kịch cổ điển. Công trình này dần dần không được sử dụng làm nơi giải trí nữa thời Trung Cổ. Sau này, đấu trường được sử dụng làm nhà ở, cửa hàng, nhà thờ, pháp trường…Dù hiện nay bị hoang phế nhiều do động đất và nạn cướp đá, Colosseum vẫn từ lâu được xem là biểu tượng của Đế chế La Mã và là một trong những mẫu kiến trúc La Mã đẹp nhất còn sót lại. Đây là điểm tham quan hấp dẫn của Roma và vẫn còn nhiều liên hệ với Giáo hội Công giáo. Hằng năm vào Thứ sáu Tuần Thánh, giáo hoàng vẫn chủ sự nghi lễ Đàng Thánh Giá tại Colosseo.
Tháp Big Ben
Tháp Elizabeth thường gọi là Big Ben là một cấu trúc tháp đồng hồ ở mặt Đông – Bắc của công trình Nhà quốc hội ở Westminster, thủ đô Luân Đôn, nước Anh. Về mặt kỹ thuật, Big Ben là tên của quả chuông lớn nhất bên trong tháp đồng hồ, nặng 13,7 tấn, trong năm cái chuông điểm mỗi 15 phút một lần đặt bên trong tháp. Tháp đồng hồ còn bị gọi nhầm là tháp St. Stephen. Vào ngày diễu binh mừng 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II, Quốc hội Anh đã tuyên bố tháp Big Ben sẽ được đổi tên thành Tháp Elizabeth kể từ ngày 4 tháng 6 năm 2012. Tòa tháp là một biểu tượng văn hóa nước Anh được công nhận trên toàn thế giới, biểu tượng cho sự ổn định, an ninh và dân chủ. Đây là một trong những biểu tượng nổi bật nhất của Vương quốc Anh và dân chủ nghị viện và tòa tháp thường được sử dụng trong các cảnh quay tại Luân Đôn. Tháp đồng hồ là một phần của tòa nhà được xếp hạng I từ năm 1970 và là Di sản Thế giới của UNESCO từ năm 1987.
Tháp Big Ben là một phần của thiết kế của Charles Barry cho một tòa lâu đài mới, sau khi Cung điện Westminster bị hỏa hoạn phá hủy đêm 16 tháng 10 năm 1834. Tháp được thiết kế theo phong cách Victorian Gothic và cao 96,3m. Thiết kế 61 m đầu tiên của kết cấu là tháp đồng hồ, bao gồm gạch xây phủ đá; phần còn lại chiều cao của tháp là cơ cấu hình chóp bằng gang. Móng rộng 15 x 15m, bê tông dày 3m, sâu 7m dưới đất. Trọng lượng tháp 9553 tấn. Bốn mặt đồng hồ cao 55m trên mặt đất. Do điều kiện nền đất kể từ khi được xây dựng đến nay, tháp hơi nghiêng về phía Tây – Bắc, khoảng 220 m2. Do hiệu ứng nhiệt, tháp lắc lư hướng Đông – Tây một chút hàng năm. Bốn mặt đồng hồ to lớn đủ để tháp Big Ben từng nổi tiếng với cái tên “Chiếc đồng hồ bốn mặt lớn nhất thế giới”. Nhưng đó đã là quá khứ. Kỷ lục của chiếc đồng hồ lừng danh này đã bị một chiếc đồng hồ khác vượt qua, đó là chiếc tháp đồng hồ Allen-Bradley ở Milwaukee, Wisconsin.
Nhà hát Opera Sydney
Nhà hát Opera Sydney là một công trình nhà hát tại thành phố Sydney, Úc. Nhà hát có kiến trúc độc đáo hình con sò hay những cánh buồm no gió ra khơi. Đây là công trình kiến trúc độc đáo của Sydney nói riêng và nước Úc nói chung, thu hút nhiều du khách đến thăm. Đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất thế kỷ 20 và là một trong các địa điểm biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới. Tọa lạc tại Bennelong Point ở bến cảng Sydney, gần với cây cầu Sydney Harbour cũng nổi tiếng, tòa nhà và khu xung quanh tạo nên một hình ảnh nước Úc đặc trưng. Đây là nhà hát ballet, kịch và sản xuất ca nhạc. Nhà hát này cũng là trụ sở của Sydney Theatre Company và Sydney Symphony Orchestra. Nhà hát được Quỹ Opera House Trust quản lý (Quỹ này thuộc Sở Nghệ thuật New South Wales).
Nhà hát Opera Sydney tọa lạc trên diện tích 1,8 ha đất. Nhà hát có kích thước 183m dài x 120m rộng (tính ở điểm rộng nhất). Kết cấu có 580 cột bê tông đóng sâu 25 m dưới mực nước biển. Nguồn điện cung cấp cho Nhà hát tương đương công suất cho một thị trấn 25.000 dân. Hệ thống cấp điện có tổng chiều dài dây cáp 645 km. Mái của nhà hát được lợp bằng 1.056 triệu viên ngói sản xuất tại Thụy Điển. Tuy nhiên, nhìn từ xa, mái ngói chỉ toàn màu trắng. Mái ngói có đặc điểm tự làm sạch bề mặt. Dù có khả năng tự làm sạch nhưng nó vẫn cần phải bảo dưỡng và thay thế định kỳ. Mái được thiết kế để gió biển có thể luồn vào bên trong. Nhà hát Opera Sydney có 5 khu nhà hát, 5 studio tập diễn, 2 sảnh chính, 4 nhà hàng, 6 quán bar và một số cửa hàng lưu niệm. Nội thất tòa nhà bao gồm đá granite hồng khai thác ở Tarana, New South Wales, gỗ và gỗ dán được cấp từ New South Wales. Các nhà hát có hình một loạt các con sò được biểu trưng bằng cách cắt ra thành các bán cầu. Sảnh hòa nhạc và nhà hát nhạc kịch được đặt ở 2 nhóm vỏ sò lớn nhất, các nhà hát khác nằm ở các nhóm vỏ sò khác.
Viện bảo tàng Louvre
Bảo tàng Louvre nằm ở thủ đô Paris, nước Pháp, điểm đến Pháp không thể bỏ lỡ.Bảo tàng trải qua nhiều giai đoạn xây dựng. Ban đầu Louvre vốn là một pháo đài được vua Philippe II cho xây dựng vào năm 1190. Sau đó vào thế kỷ 14, dưới thời Charles V, Louvre trở thành cung điện hoàng gia và sau đó tiếp tục được mở rộng qua các triều đại. Từ thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện trở thành bảo tàng quốc gia. Vẻ đẹp nguy nga, lộng lẫy hiện tại của bảo tàng bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 khi pháo đài ban đầu bị phá huỷ và các dãy nhà dọc sông Seine được xây dựng. Vào thế kỷ 16, Cung điện được mở rộng bởi kiến trúc sư Pierre Lescot, người đã mở rộng cung điện này thành một tổ phức hợp với 2 sân nhỏ. Sau đó 1 thập kỷ, Hoàng hậu Catherina de Medici đã bổ sung thêm Cung điện Tuileries ở phía tây của bảo tàng Louvre. Việc xây dựng bảo tàng bị đình trệ một thời gian khi vua Louise XIV quyết định chuyển đến Cung điện Versailles. Vào thế kỷ 19, dưới thời Đệ nhị Đế chế, bảo tàng Louvre được mở rộng lần nữa với việc bổ sung dãy nhà Richelieu. Sau đó, dưới thời Đệ Tam Đế chế, các dãy của bảo tàng tiếp tục được mở rộng về phía tây. Tuy nhiên, đến năm 1871, các chiến sỹ công xã Pari đã đốt cháy Cung điện Tuileries.
Bảo tàng Louvre hiện nay có 4 dãy đối xứng bao quanh cái sân rộng lớn. Là một trong những bảo tàng lớn nhất và quan trọng nhất của thế giới, Bảo tàng Louvre trải dài ở 3 dãy nhà thuộc Cung điện Louvre rộng lớn. Sau này bảo tàng xây dựng thêm Kim tự tháp bằng kính Louvre với dáng vẻ rất hiện đại, ấn tượng. Dãy nhà Sully là dãy nhà lâu đời nhất của bảo tàng Louvre. Tầng 2 trưng bày bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật bằng tranh, ảnh của Pháp. Một trong những tác phẩm nổi bật là bức tranh Turkish Bath (Tắm hơi Thổ Nhĩ Kỳ), được Jean-Auguste-Dominique Ingres vẽ vào cuối thế kỷ 19. Tầng 1 và tầng trệt của dãy Sully trưng bày các tác phẩm trong bộ sưu tập khổng lồ những hiện vật cổ xưa. Ở khu vực trưng bày các tác phẩm Ai Cập cổ xưa, bạn có thể tìm thấy các tác phẩm điêu khắc và đồ tạo tác từ Ai Cập cổ đại như tác phẩm điêu khắc Seated Scribe (ông giáo ngồi) nổi tiếng và bức tượng lớn vua Ramesses II. Ở tầng trệt còn có bức tượng Aphrodite, mà thường gọi là Thần vệ nữ thành Milo, một trong những điểm nổi bật của bộ sưu tập Hy Lạp tại bảo tàng này.
Ngoài ra, bạn có thể xuống tầng hầm của dãy nhà Sully để chiêm ngưỡng các dấu tích của lâu đài thời trung cổ Louvre.
Cung điện Buckingdam
Cung điện Buckingham là một dinh thự của Vua (hoặc Nữ vương) Vương quốc Anh ở Luân Đôn, nơi ở chính thức và cũng là nơi làm việc chính của Vương thất Anh. Cung điện này được xây dựng từ năm 1703 cho công tước Buckingham và được ba công viên bao bọc, trong đó có Công viên Hyde nổi tiếng. Nó được xây dựng để phục vụ cho các sự kiện đặc biệt của đất nước và cho hoàng gia. Cung điện Buckingham được xây dựng trên một địa điểm đã được sở hữu tư nhân ít nhất 150 năm. Nó từng được mua lại bởi vua George III vào năm 1761 để tặng cho Vương hậu Charlotte. Đến thế kỷ thứ 19, nó được mở rộng, chủ yếu là do kiến trúc sư John Nash và Edward Blore. Nơi này chính thức trở thành nơi ở của Hoàng thất Anh khi Nữ vương Victoria lên ngôi năm 1837. Cung điện Buckingham là một biểu tượng và nhà của chế độ quân chủ Anh, một phòng trưng bày nghệ thuật và thu hút hấp đẫn được nhiều khách du lịch. Nữ vương Anh và các thành viên khác trong Vương tộc sẽ tiếp đãi khách và tổ chức những nghi lễ long trọng tại đây.
Điện được xây dựng bởi John Sheffield, công tước Buckingham và Normandy thứ 1, năm 1703 là một ngôi nhà phố (nơi thường trú ở Luân Đôn). Nó đã được mua bởi vua George III năm 1761 và trở thành nhà chính thức của gia đình hoàng thất Anh ở Luân Đôn vào năm 1837. Nó thuộc sở hữu của Nhà nước. Điện Buckingham có diện tích sàn 77.000 m2. Một tranh cãi tuyên bố là cung điện làm việc lớn nhất thế giới, bất chấp diện tích sàn nhỏ hơn của nó. Cung điện có tất cả 19 phòng khách, 52 phòng ngủ dành cho khách và các thành viên trong hoàng gia, 78 phòng tắm, 188 phòng dành cho nhân viên của cung điện, 92 phòng làm việc. Vườn Buckingham là khu vườn tư nhân lớn nhất tại Luân Đôn. Vào mùa xuân, cả cung điện tràn ngập hoa thủy tiên vàng, loài hoa đặc trưng của đồng quê nước Anh. Từ năm 2001, phần hoa viên của cung điện được mở cửa để đón khách tham quan. Thiết kế của hoa viên khá đặc biệt có thể đưa mọi người ngược thời gian trở về những năm 1852, khi cung điện bắt đầu là nơi ở của Hoàng gia.
Quảng trường Thời đại
Quảng trường Thời Đại là một giao lộ chính ở Manhattan, nối Đại lộ Broadway và Đại lộ Số bảy, kéo dài từ Đường 42 Tây đến Đường 47 Tây, New York. Quảng trường Thời Đại gồm những khối nhà nằm giữa Đại lộ Số sáu và Đại lộ Số chín, từ đông sang tây; giữa Đường thứ 39 Tây và Đường thứ 52 Tây, từ nam ra bắc; tạo thành phần phía tây của vùng thương mại Midtown Manhattan. Quảng trường này được đặt theo tên của báo New York Times từ năm 1904, khi tòa soạn của tờ báo này dọn về khu vục này, trước đó quảng trường có tên là Longacre Square. Trên vài chục quán cà phê, sân khấu nhỏ và phòng quay của MTV đã tạo nên bộ mặt của quảng trường này và được chọn làm ngoại cảnh cho rất nhiều phim nhựa. Quảng trường cũng nổi tiếng với khu sân khấu Broadway với khoảng 40 nhà hát lớn giữa đường 41 và đường 53 và giữa đại lộ thứ 6 (Sixth Avenue) và thứ 9 (Ninth Avenue).
Giống như Quảng trường Đỏ ở Moskva, Champs-Elysées ở Paris hoặc Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Quảng trường Thời Đại trở thành một biểu tượng đô thị của Thành phố New York. Quảng trường Thời Đại trở nên sống động và đặc trưng phần lớn là nhờ vào sự chiếu sáng của các bảng hiệu quảng cáo. Trước và sau cuộc cách mạng Mỹ, miền đất này thuộc quyền của John Morin Scott, một nhà chiến lược của quân sự New York và làm việc dưới quyền của George Washington. Ngày nay, nhà của ông Scott Manor ở tại đường số 43, được bao quanh bởi vùng miền quê và thường được sử dụng cho mục đích trang trại và chuồng ngựa. Vào nửa đầu thế kỷ 19, nơi này trở thành một trong những nơi sở hữu của John Jacob Astor, người đã tạo ra sự may mắn lần thứ hai trong việc kinh doanh khách sạn và những mục khác làm cho thành phố phát triển một cách nhanh chóng.
Đảo Bali
Bali nổi tiếng và được biết đến với tên gọi “Hòn đảo thiên đường”, là địa điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Indonesia nói riêng và Châu Á nói chung. Đảo Bali hấp dẫn du khách bởi những ngồi đền thờ Hindu cổ kính thiêng liêng với lối kiến trúc độc đáo, các bãi biển xanh trong bên bờ cát trắng trải dài dưới ánh nắng rực rỡ, những thửa ruộng bậc thang mênh mông xanh ngát, những ngôi làng truyền thống và ẩm thực đặc sắc. Thuộc vùng biển của Ấn Độ Dương, lại mang vẻ đẹp hoang sơ nên đảo Bali luôn là hòn đảo thu hút lượng khách du lịch lớn nhất thế giới. Hòn đảo thiên đường Bali mang đến cho du khách những khám phá và trải nghiệm khó quên. Đảo Bali có diện tích khoảng 5.780 km2, nằm ở phía Tây so với thủ đô Jakarta, cách thủ đô khoảng hơn 1.000 km. Bali có hình dáng của một chú gà con, với chiếc mỏ hướng ra biển Ấn Độ Dương. Bali được bình chọn là một trong những hòn đảo nghỉ dưỡng tốt nhất thế giới, bởi sự ưu ái của thiên nhiên với khung cảnh hoang sơ nhưng vô cùng xinh đẹp.
Do chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa Ấn Độ, Ai Cập, Trung Quốc hay cả những nước Châu Âu, nên Bali sở hữu nền văn hóa đa dạng và phong phú, tạo nên nét đặc trưng của người dân Bali với những nét văn hóa đậm chất phương Đông rất riêng biệt. Người dân Bali chủ yếu theo đạo Hindu giáo và đây được coi là tôn giáo chính thống tại vùng đất này. Người bản xứ rất hiền lành, thân thiện và mến khách, và trong 250 dân tộc tại Indonesia thì người dân Bali được coi là dân tộc tài hoa bậc nhất đất nước này. Để gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống và lối sống của người dân, chính phủ không cho phép bất kỳ ai can thiệp vào các phong tục, lễ nghi, tôn giáo, nghệ thuật,… tại vùng đất này. Đảo Bali được mệnh danh là vùng đất của núi lửa. Nếu may mắn, bạn sẽ có cơ hội tận mắt chứng kiến dung nham của núi lửa phun trào thành dòng nham thạch chảy dài phủ kín cả ngọn núi, làm cho núi lửa trông đen bóng giống như những mỏ than lộ thiên, miệng núi lửa vẫn có khói mờ bay lên. Bên dưới chân núi lửa là những hồ nước trong lành và ấm áp, có tác dụng rất tốt trong việc trị bệnh hoặc giảm stress, do đó, du khách có thể ngâm chân thư giãn tại các hồ nước này.
Địa chỉ: Bali, Indonesia.
Vậy là bạn đã biết được thêm những địa danh ai cũng mơ ước được đặt chân đến một lần trong đời. Nếu có cơ hội bạn đừng bỏ qua những điểm du lịch nổi tiếng này nhé.